Thịt đà điểu là loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều vi lượng và khoáng chất.
Nhận thấy sự cần thiết phải kết nối các trang trại xây dựng thành vùng nguyên liệu đà điểu hàng hóa, ThS. Hoàng Văn Lộc – Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương cùng các cộng sự đã triển khai đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ đồng bộ sản xuất đà điểu và các sản phẩm từ đà điểu phục vụ nội tiêu và xuất khẩu” (Mã số KC.06.21/06-10) nhằm đưa ra các giải pháp đồng bộ hữu ích đẩy mạnh giá trị sản phẩm đà điểu thương hiệu Việt Nam. Ngày 6/4/2011, Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đã tiến hành nghiệm thu đề tài với loại khá.
Mục tiêu của đề tài là xây dựng được quy trình công nghệ đồng bộ về sản xuất giống, thức ăn, nuôi dưỡng, thú y, giết mổ và chế biến, đồng thời tổ chức sản xuất đà điểu đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Sau 3 năm thực hiện, hai vùng nguyên liệu chăn nuôi đà điểu thương phẩm hàng hóa được xây dựng đạt tiêu chí 500 tấn thịt hơi tại miền Bắc (số lượng đà điểu thương phẩm đạt: 9.410 con) và miền Trung (số lượng đà điểu thương phẩm đạt 14.900 con).
Đề tài đã nghiên cứu sử dụng hợp lý nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như: ngô, thóc, cám gạo, sắn… giúp người chăn nuôi chủ động khai thác các loại thức ăn tinh, xanh tại chỗ cũng như xây dựng thành công quy trình công nghệ lột da đà điểu dễ thao tác đảm bảo được chất lượng da tươi trước khi bảo quản, giúp cho các trang trại chăn nuôi chủ động bảo quản, tập trung sản phẩm da đảm bảo chất lượng đưa tới cơ sở thuộc da.
Các kết quả của đề tài tạo cơ sở vững chắc hình thành ngành hàng sản xuất sản phẩm mới, tạo nguồn thu lớn cho nông nghiệp, nông thôn, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tích cực chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng vật nuôi đặc biệt ở vùng duyên hải miền Trung và các tỉnh thuộc trung du và miền núi phía Bắc.
Diệu Huyền