Để ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển phát triển trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, tỉnh định hướng sẽ chuyển dịch dần sang nuôi xa bờ trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, định hướng này không thể thực hiện trong ngày một ngày hai mà cần phải làm từng bước. Ngoài các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nuôi biển của Trung ương, tỉnh cũng cần có những chính sách riêng để khuyến khích người nuôi, thu hút doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi, thúc đẩy nuôi biển quy mô công nghiệp.
Những mô hình hiệu quả
Từng có dịp đến tham quan Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I tại vịnh Vân Phong, chúng tôi mới phần nào hiểu được nuôi biển quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Tại đây, chúng tôi nhẩm đếm có 20 lồng tròn, thể tích 2.500m3/lồng để nuôi thương phẩm cá chim vây vàng và 22 lồng vuông nuôi cá bố mẹ và ương dưỡng cá giống. Qua quan sát, lồng nuôi, lưới lồng được bố trí khoa học, dịch bệnh được kiểm soát qua cả hệ sinh thái vùng nuôi... Ông Phạm Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I chia sẻ: “Quy trình nuôi của chúng tôi tuyệt đối không dùng kháng sinh, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp; tỷ lệ hao hụt thấp, từ 15 đến 20% trong suốt vụ nuôi kéo dài 8 - 10 tháng. Việc quản lý, vận hành chủ yếu ứng dụng công nghệ, phương tiện, máy móc nên số lượng nhân công rất ít. Qua nhiều mùa mưa bão, kể cả cơn bão số 12 năm 2017, trang trại vẫn không bị ảnh hưởng gì là nhờ áp dụng công nghệ lồng nhựa HDPE. Hiện nay, sản lượng của trang trại khoảng 200 tấn/vụ nuôi, trong đó 50% xuất khẩu”. Đến nay, công nghệ sản xuất cá giống, nuôi thương phẩm, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và vận chuyển cá đã được trang trại thực hiện thành công, đúc kết được kinh nghiệm quý để thúc đẩy công nghiệp nuôi biển công nghệ cao của tỉnh.
Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam phát triển nuôi cá chẽm quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao đã mang lại thành công. Đây cũng là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ nuôi theo kiểu Na Uy trên vùng biển Việt Nam. Hiện nay, trong vùng nước công ty có 3 vùng nuôi ở vịnh Vân Phong; mỗi vùng có 14 lồng, mỗi lồng có thể thu hoạch 300 tấn cá mỗi chu kỳ nuôi. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu mỗi năm nuôi 20.000 tấn cá, doanh thu khoảng 150 triệu USD. “Để sản xuất hiệu quả, công ty chú trọng 4 yếu tố: Giống được chọn lọc; cá được nuôi trên vùng biển sạch; thu hoạch theo phương thức đông lạnh nhanh của Nhật; nuôi luân phiên giữa các vùng và nuôi ghép với rong biển”, ông Joshua Nathan Goldman - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Nuôi biển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh chỉ mới đi những bước đầu tiên, với 5 doanh nghiệp nuôi cá biển đạt sản lượng mỗi năm hàng trăm tấn cá chim, hàng nghìn tấn cá chẽm, cá mú. Thực tế, hoạt động của các doanh nghiệp cho thấy nuôi biển theo hướng công nghiệp mang lại hiệu quả rất cao. Cụ thể như trang trại của Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, hay trang trại của các công ty: Australis, Phương Minh và mô hình nuôi cá bớp bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai tại Vạn Ninh... Đây là hướng đi phù hợp để khuyến khích phát triển NTTS trên biển của tỉnh trong thời gian tới.
Nhiều vấn đề đặt ra
Để nắm bắt thực tế sẵn sàng chuyển đổi từ quy trình nuôi truyền thống bằng lồng gỗ sang công nghệ nuôi biển hiện đại bằng lồng nhựa HDPE, chúng tôi đã gặp một số người dân tại các vùng NTTS trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Vạn Ninh, Nha Trang, Cam Ranh. So sánh về lồng nhựa HDPE và lồng gỗ truyền thống, người nuôi khẳng định lồng HDPE sẽ thích ứng được với tác động của biến đổi khí hậu, tình hình mưa bão diễn ra phức tạp hiện nay. Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ cao, thậm chí là trí tuệ nhân tạo, đưa thức ăn công nghiệp... vào NTTS sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, hạn chế được những tác động xấu đến môi trường. Vì thế, ai cũng hào hứng với viễn cảnh khắp các vùng nuôi là những lồng tròn, lồng vuông chất liệu HDPE. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi lắc đầu khi được hỏi có sẵn sàng chuyển đổi hay không? Ông Trần Văn Hào - người nuôi tôm hùm tại xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) nêu lý do: “Làm lồng gỗ truyền thống chỉ mất hơn 10 triệu/lồng, còn đầu tư lồng tròn nhựa HDPE thì mới khung lồng và giàn lưới đã gấp hơn chục lần, người dân lấy đâu ra tiền để đầu tư chuyển đổi. Đó là chưa kể trình độ của ngư dân còn hạn chế, lâu nay vẫn làm quen tay, quen chân, nuôi bằng kinh nghiệm, nay áp dụng máy móc vào cũng khó vận hành... Mấu chốt là phải làm sao để hạ giá thành lồng nuôi HDPE, rồi Nhà nước phải hỗ trợ tập huấn chuyển giao công nghệ nuôi cho người dân”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Hùng - Viện trưởng Viện NTTS Trường Đại học Nha Trang nhấn mạnh: “Muốn phát triển nuôi biển hướng ra xa bờ không thể chỉ dựa vào đầu tư của các doanh nghiệp, mà còn phải dựa vào sức dân”. Ông Hùng cho rằng ứng dụng công nghệ cao để phát triển bền vững NTTS trên biển chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Thế nhưng không thể “đùng” một cái là có thể chuyển ra nuôi xa bờ trên vùng biển hở nhiều sóng gió. “Cần phải định hướng 2 giai đoạn trong phát triển nuôi biển của tỉnh. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, cần cải tiến hệ thống lồng nuôi, công nghệ nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu; nên hạn chế số lượng nuôi của mỗi bè. Song song với đó là bắt đầu thí điểm, chuyển dịch một phần sang nuôi theo quy mô công nghiệp, hiện đại, dần ra xa bờ và đánh giá hiệu quả của việc chuyển dịch này. Giai đoạn 2 là từ sau năm 2025, có thể triển khai đại trà lồng nuôi hiện đại trên các vùng biển mở, xa bờ, quy mô lớn gắn với hậu cần nghề cá, chế biến, xuất khẩu”, ông Hùng đề xuất.
Bên cạnh đó, một số nhà khoa học, doanh nghiệp còn đề xuất, trong điều kiện không gian dành cho NTTS thu hẹp, việc xác định đối tượng nuôi, công nghệ nuôi phù hợp với từng vùng nước là yếu tố hết sức quan trọng trong định hướng phát triển nuôi biển hướng ra xa bờ của tỉnh. Có ý kiến cho rằng, tỉnh không nên phát triển đại trà nhiều đối tượng nuôi mà chỉ nên tập trung vào 2-3 đối tượng nuôi lợi thế, chủ lực của tỉnh. Trong đó, đối tượng nuôi ưu tiên số 1 vẫn là tôm hùm ở những khu vực được quy hoạch gần bờ, bởi đây là đặc sản nổi tiếng của tỉnh và ngư dân trong tỉnh đã có nhiều kinh nghiệm nuôi tôm hùm. Kế đến là các loài cá như: Cá chẽm, cá chim vây vàng và một số loài cá khác thích hợp với vùng biển mở.
Cần có lộ trình và chính sách khuyến khích
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để phát triển nuôi biển, Khánh Hòa cần xác định phương châm “Nhà nước tạo sàn diễn, khoa học đi tiên phong, doanh nghiệp đua tài, nông dân hưởng lợi”. Tỉnh cần chú trọng các vấn đề như: Phải làm chủ được công nghệ sản xuất giống; xác định được đối tượng nuôi phù hợp với từng vùng nuôi và phải gắn với thị trường; sản xuất được hệ thống thiết bị công nghệ nuôi tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nuôi biển theo các chuỗi liên kết… Muốn vậy, ngoài các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nuôi biển của Trung ương, tỉnh cần có những chính sách riêng để khuyến khích, thúc đẩy nuôi biển công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, để phát triển NTTS trên biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, hướng ra xa bờ thì phải đi từng bước và cần phải có thời gian, lộ trình. Ông yêu cầu UBND tỉnh nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích, triển khai hiệu quả nuôi biển theo hướng công nghệ cao và bền vững, nhất là việc giao diện tích mặt nước, có chính sách tín dụng dành cho người dân, doanh nghiệp đầu tư nuôi; kết nối doanh nghiệp - người nuôi trong tỉnh để phát triển theo chuỗi giá trị gia tăng; quan tâm đến lợi ích của người dân trong việc chuyển đổi NTTS trên biển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, ra xa bờ, có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ không tiếp tục nuôi. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần nghiên cứu, ban hành quy chuẩn trong NTTS trên biển của tỉnh để triển khai trên thực tế... Tỉnh sẽ có những kiến nghị đề xuất cụ thể đối với Trung ương về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh, trong đó có chính sách để phát triển ngành nuôi biển. Ông cũng hoan nghênh các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trước hết tập trung đầu tư thí điểm các mô hình chuyển đổi vật liệu nuôi biển truyền thống sang hướng ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, từ đó đúc rút kinh nghiệm để ứng dụng vào thực tế phát triển ngành này...