TS.Lương Chi Mai, Phó Viện trưởng Viện CNTT Việt Nam, người được biết đến với nhiều giải thưởng từ các công trình nghiên cứu về nhận dạng chữ Việt, tiếng Việt và công nghệ tri thức. Chị là một trong hai gương mặt nữ tiêu biểu của Việt Nam vinh dự được giải Kovalevskaia 2010 đúng dịp kỷ niệm 1971 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 101 năm Ngày quốc tế phụ nữ 8-3 năm nay.
Chân dung một nữ khoa học
TS Lương Chi Mai là một trong số ít và lại càng là gương mặt nữ hiếm hoi theo học ngành Toán ứng dụng tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Kishinhốp (Liên Xô cũ). Những năm cuối thập niên 70, đầu 80 của thế kỷ 20, phần lớn các sinh viên được Nhà nước Việt Nam cử sang các nước Liên xô và Đông Âu nói chung và sang KGU học nói riêng chủ yếu là các ngành khoa học cơ bản như sinh học, hóa học, vật lý, luật. Nhưng cũng theo chị chính những năm tháng học tập tại Đại học Tổng hợp Kishinhốp, các thầy cô đã truyền cho chị kiến thức, tình yêu đối với những môn toán cơ bản, toán ứng dụng, giải tích, thống kê cũng như phương pháp nghiên cứu, tư duy, “kỹ năng mềm” giúp chị đi đến đích trong công việc.
Ngay từ những năm 1980, khi lý thuyết nhận dạng còn mới mẻ với Việt Nam, TS Lương Chi Mai đã bắt đầu tìm hiểu bài toàn nhận dạng (một lĩnh vực của Trí tuệ nhân tạo). Với sự giúp đỡ của đồng nghiệp và lớp người đi trước, chị tham gia nghiên cứu các phương pháp tăng hiệu quả nhận dạng và ứng dụng trong phân tích, xử lý dữ liệu viễn thám, nhận dạng quặng. Cuối những năm 1989, chị bắt đầu tìm hiểu khả năng áp dụng các thuật toán nhận dạng cho nhận dạng ảnh ký tự với các cách tiếp cận đối sánh mẫu trên tư tưởng phương pháp thống kê. Đây là nền tảng để xây dựng hệ thống nhận dạng ký tự chữ Việt in.
Chị đã góp phần tiến hành, thiết kế, phát triển phần mềm nhận dạng chữ Việt in với tên gọi là VnDOCR, nhờ vậy, lần đầu tiên ở Việt Nam đã giải quyết cơ bản vấn đề máy đọc được các văn bản chữ Việt in, đáp ứng nhu cầu về tự động hóa lưu trữ, xử lý các văn bản chữ Việt. Các nghiên cứu này được nhận nhiều giải thưởng, trong đó có giải Nhất sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam VIFOTEC năm 1999.
Khi các điều kiện chín muồi, năm 2000 chị chuyển hướng nghiên cứu sang lĩnh vực nhận dạng tiếng nói tiếng Việt, một nghiên cứu đáp ứng nhu cầu giao tiếp với máy tính bằng tiếng Việt ngày càng trở nên cấp thiết. Đến nay, chị đã đạt được những thành công bước đầu trong việc số hóa tiếng Việt với những đặc trưng nổi bật của ngôn ngữ thanh điệu. Những đóng góp này không chỉ giúp cho việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt mà còn giúp quá trình dịch tiếng nói giữa tám ngôn ngữ chính ở Châu Á trong khuôn khổ A-STAR.
Bí quyết thành công của chị chính là biết chia nhỏ những vấn đề đó theo các cấp độ từ dễ đến khó. Những kết quả của các công trình trước sẽ được kế thừa để giải quyết những vấn đề tiếp theo. Cũng nhờ thông qua những thành công của từng dự án, chị lại nhận được những đặt hàng cho các dự án, đề tài tiếp theo. Những đặt hàng này chính là nguồn thu giúp duy trì nguồn tài chính ổn định cho nhóm làm việc của chị. Nhóm đang hoàn thiện phần mềm dịch tiếng nói tiếng Việt sang tiếng nói tiếng Anh cài đặt cho điện thoại di động để phục vụ cho mục đích giao tiếp du lịch.
Không chỉ dừng ở vai trò tổng công trình sư một nhóm nghiên cứu, với cương vị Phó Viện trưởng một viên nghiên cứu, chị đang tham gia vào việc tham mưu cho Chính phủ những chiến lược dài hạn cho CNTT Việt Nam nói chung và cho vấn đề xử lý tiếng Việt nói riêng.
Theo TS Mai, các dự án trong lĩnh vực nhận dạng và xử lý tiếng Việt còn manh mún, không có sự liên hệ, phối hợp trong khi các dự án về nhận dạng, tổng hợp, dịch tự động, tìm kiếm… đều dựa trên phương pháp thống kê. Nếu áp dụng phương pháp này cần dựa trên kho ngữ liệu rất lớn. Đáng tiếc, tại Việt Nam chưa có kho ngữ liệu này. Điều mà chị trăn trở bấy lâu nay chính là phải xây dựng được kho ngữ liệu, nuôi dưỡng và có thể chia sẻ trong cộng đồng
Hiện nay, TS Lương Chi Mai đang kêu gọi cộng đồng VLSP (Vietnamese Language and Speech Processing – xử lý văn bản và giọng nói tiếng Việt) để hình thành kho ngữ liệu này. Và điều chị chú trọng hơn nữa là làm sao để có sự tham gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này bởi điều này sẽ giúp ích cho sự tồn tại của chính doanh nghiệp. Đây cũng là một nôi dung đề tài cấp Nhà nước mà chị sẽ theo đuổi trong hai năm 2011- 2012. “ Nghiên cứu phát triển hệ thống dịch tiếng nói hai chiều Việt- Anh, Anh-Việt có định hướng lĩnh vực”
Một chút riêng tư của nhà khoa học
Trong một giây lát hiếm hoi tâm sự về gia đình riêng, TS Mai cho rằng đã rất may mắn khi mọi người trong đại gia đình có nhiều người làm khoa học nên chị dễ được ủng hộ, giúp chia sẻ việc nhà, để chị dành nhiều thời gian cho công việc nghiên cứu khoa học.
Thoạt nhìn vóc dáng và làn da cũng như tác phong làm việc, giọng nói hoạt bát, trẻ trung của chị, người ta dễ nhầm tưởng chị trẻ hơn cả chục tuổi so với tuổi thực. Chị nói không dành thời gian đi mát-xa, spa để chăm sóc sắc đẹp mà chị dành thời gian cho thể thao: cầu lông, bóng chuyền, đi bộ và chế độ ăn giàu dinh dưỡng.
Hiện nay, TS Lương Chi Mai đảm nhiệm ba công việc: nghiên cứu, quản lý và giảng dạy nhưng điều đó không làm cho chị có thời gian mệt mỏi, trái lại mỗi công việc lại đem lại cho chị một niềm vui khác nhau nhưng chị cho biết chị thích công tác nghiên cứu hơn cả.
Tính đến nay, chị đã tham gia nghiên cứu 48 công trình khoa học trong đó có bốn công trình được đăng trên tạp chí quốc tế, là đồng tác giả của bốn cuốn sách và tài liệu tham khảo; công bố tám đề tài khoa học công nghệ trong đó chủ nhiệm ba đề tài trọng điểm cấp Viện, bốn đề tài cấp Nhà nước và chủ trì một dự án triển khai ứng dụng.
10 năm giữ trọng trách Phó Viện trưởng Viện CNTT, với tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình với công việc, chị đã đưa Viện trở thành một trong những cơ sở chiếm tỷ trọng lớn trong Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam về số lượng nghiên cứu sinh lên tới 70 người đang thực hiện các chủ đề nghiên cứu tại Viện. Riêng chị đang hướng dẫn nghiên cứu cho 9 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ và 10 thạc sĩ, tham gia giảng dạy môn Nhận dạng và xử lý ảnh; đồ họa máy tính tại các trường đại học Bách khoa, Trường đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội)…
Chia tay chúng tôi khi ra về, TS Lương Chi Mai quả quyết rằng sau này khi nghỉ quản lý, chị sẽ toàn tâm toàn ý cho công việc nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu như hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh.