“Thành công hôm nay không có nghĩa là dừng lại mà đó sẽ là động lực để tôi tiếp tục phải cố gắng hơn nữa trong công tác giảng dạy chuyên môn cũng như nghiên cứu khoa học” – đó là chia sẻ của Thượng tá, Tiến sĩ (TS) Ngô Thị Lan, Phó chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ hóa học, khoa Hóa - Lý kỹ thuật, Học viện Kỹ thuật Quân sự ngay sau Lễ trao giải Phụ nữ Việt Nam 2019.
Ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, các học viên gọi Thượng tá, Tiến sĩ Ngô Thị Lan là người “truyền lửa” đầy nhiệt huyết và đam mê. Dáng người nhỏ nhắn, tác phong mạnh mẽ, dứt khoát; thế nhưng khi đứng trên bục giảng, chị như một con người khác, có sức cuốn hút lạ kỳ mà như nhiều người nhận xét “ngoài vốn kiến thức sâu, cách truyền đạt dễ hiểu, lại thêm giọng nói như có “lửa” khiến học viên không thể rời bài giảng”.
“Phụ nữ công tác trong môi trường quân đội, lại có niềm đam mê dành cho nghiên cứu khoa học, điều này có trái với truyền thống xưa nay?” - Đem thắc mắc này trao đổi với Thượng tá, Tiến sĩ Ngô Thị Lan, chị mỉm cười khẳng định: “Quả thực, phụ nữ đi theo con đường này có rất nhiều khó khăn và thử thách. Để vượt qua, bạn cần có niềm đam mê, nhiệt huyết, sự nhẫn nại và quyết tâm cao. Bên cạnh đó, bạn cần nhận được sự ủng hộ của gia đình người thân, đồng chí đồng đội và sự tạo điều kiện của lãnh đạo chỉ huy các cấp. Với tôi, bên cạnh nghiên cứu khoa học còn nhiệm vụ chuyên môn trong giảng dạy. Tôi có suy nghĩ rằng, muốn học viên hứng thú trong học tập và nghiên cứu khoa học thì giảng viên phải là người truyền cảm hứng, thắp ngọn lửa sáng tạo cho các em. Và không có nguồn cảm hứng nào mạnh mẽ bằng chính niềm đam mê, nhiệt huyết của bản thân người đứng trên bục giảng”.
|
Thượng tá, TS Ngô Thị Lan (thứ 3, từ phải sang) chụp ảnh cùng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong dịp nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2019.
|
Từ suy nghĩ đó, chị đã không ngừng tìm tòi và áp dụng những phương pháp giảng dạy tích cực phù hợp với từng đối tượng học viên, cố gắng phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học viên để đạt kết quả cao nhất. Ở mỗi bài giảng, mỗi tiết dạy chị luôn đề cập tới những vấn đề thực tế để học viên suy nghĩ, tìm hiểu, sử dụng những tài liệu mới nhằm giúp sinh viên hiểu bài và nắm chắc kiến thức. Mỗi bài giảng đều được chị thể hiện sinh động, hấp dẫn kết hợp với trình chiếu slide kèm hình ảnh và các video minh họa, góp phần kích thích hứng thú của học sinh, qua đó nâng cao chất lượng của công tác giảng dạy.
Niềm đam mê, nhiệt huyết của chị dành cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học được nuôi dưỡng từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường. Theo thời gian, niềm đam mê cứ lớn dần để rồi tốt nghiệp THPT, Ngô Thị Lan chọn Khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Tốt nghiệp ra trường, chị Lan đầu quân về Học viện Kỹ thuật Quân sự. Công tác trong môi trường quân đội, chị luôn cố gắng hết mình, nỗ lực phấn đấu, không ngừng nghiên cứu học hỏi để hoàn thiện bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ghi nhận những nỗ lực của chị, năm 2014, Thượng tá, Tiến sĩ Ngô Thị Lan được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ Phó chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Hóa học, Khoa Hóa - Lý kỹ thuật, Học viện Kỹ thuật Quân sự. Từ giảng viên giữ vai trò quản lý, công việc càng bộn bề, vất vả. Chị vừa duy trì các hoạt động chuyên môn của cả bộ môn, hoạt động khoa học của Học viện… nhưng không hề sao nhãng công tác giảng dạy. Hằng năm, chị vẫn đảm nhiệm 300 tiết/năm với chất lượng cao.
Bên cạnh công tác giảng dạy, chị Lan còn tích cực tham gia, hướng dẫn thí nghiệm, nghiên cứu khoa học giúp sinh viên tăng cường khả năng nghiên cứu. Đồng nghiệp vẫn bảo nhau, chị có niềm đam mê đặc biệt cho công tác nghiên cứu khoa học (NCKH). Còn bản thân chị coi đó vừa là nhiệm vụ chính trị đồng thời cũng là sự thử thách với chính mình. Nhẩm tính sơ sơ, hiện Thượng tá, TS Ngô Thị Lan sở hữu trong tay 8 đề tài NCKH có giá trị (trong đó có 4 đề tài cấp học viện, 4 đề tài cấp Bộ Quốc phòng), thuộc các lĩnh vực Điện hóa và các lĩnh vực đặc thù trong quân sự. Có một điều rất lạ, các đề tài nghiên cứu của chị dường như đều có sự “ưu ái” đặc biệt đối với tên lửa. Tiêu biểu phải kể đến như đề tài: Nghiên cứu chế tạo cụm bản cực cho bộ nguồn tên lửa IGLA; hoàn thiện công nghệ chế tạo pin nhiệt 9B239VN cho tên lửa phòng không tầm thấp; nghiên cứu chế thử theo mẫu bộ nguồn 8Ì-AÁ̀ cho tên lửa X-29T; nghiên cứu thiết kế, công nghệ chế tạo pin nhiệt theo mẫu 9B248-1cho tên lửa Kh-35E; nghiên cứu chế tạo bản cực âm dùng trong bộ nguồn 20A4 của tên lửa phòng không; nghiên cứu thiết kế chế thử bộ nguồn tên lửa phòng không kiểu 20A4...
Các nghiên cứu này đã được áp dụng trong một số đơn vị của Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân, giúp nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu của các trang bị, khí tài quân sự. Đặc biệt, Thượng tá, TS Ngô Thị Lan có một đề tài được đăng ký bằng sáng chế, đó là đề tài “Quy trình sản xuất điện cực dương của pin chì dự trữ năng lượng cao”. Nói về công trình dày công sức này, Thượng tá, TS Ngô Thị Lan trải lòng: “Đây là đề tài tôi vô cùng tâm huyết, “tiêu tốn” của tôi gần 10 năm trong phòng thí nghiệm”. Có những giai đoạn nghiên cứu quan trọng, 27-28 Tết đồng nghiệp trong cơ quan vẫn thấy chị miệt mài trong phòng thí nghiệm; để rồi, mồng 3, mồng 4 Tết, khi hoa đào hoa mai chưng ngày Tết trong nhà vẫn còn bung nở rực rỡ, chị đã vội vã quay lại phòng thí nghiệm cho kịp tiến độ.
Không nói về những khó khăn, vất vả trong quá trình nghiên cứu, chị chỉ say sưa nói về ý nghĩa của đề tài. Sáng chế đã đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo nguồn điện đặc chủng cho quân sự; đáp ứng bước đầu yêu cầu về sửa chữa, thay thế các bộ nguồn loại này hiện đã hư hỏng hoặc quá hạn sử dụng trong trang bị của các quân binh chủng: Phòng không-Không quân, Pháo binh; mở ra khả năng chủ động tự sản xuất bộ nguồn điện dự trữ đặc chủng hệ Pb|H2SiF6|PbO2 tại Việt Nam; từ đó nâng cao trình độ trong lĩnh vực chế tạo nguồn điện chì dự trữ, dùng một lần và góp phần nâng cao năng lực về khoa học kỹ thuật công nghệ của công nghiệp quốc phòng nước ta; góp phần tiết kiệm ngoại tệ trong việc nhập khẩu các loại nguồn đặc chủng cho quân đội. Thành công của đề tài và việc ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài trong thực tiễn cũng góp phần bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.
Công việc bộn bề là vậy, những chị luôn thu xếp việc chung việc riêng một cách hài hòa, hợp lý và bố trí thời gian để tự nghiên cứu và học tập. "Mỗi ngày tôi cố gắng giành hai giờ để học tiếng Anh online với giáo viên người nước ngoài. Không có ngoại ngữ, mình không tiếp nhận được kiến thức mới, trở nên lạc hậu. Quan điểm của tôi, muốn nghiên cứu được tài liệu nước ngoài, mình cần phải giỏi ngôn ngữ của họ".
Với tâm huyết, trách nhiệm, niềm say nghề và những đóng góp tích cực trong công tác quản lý, giảng dạy, 20 năm qua, Thượng tá, TS Ngô Thị Lan đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý như: Bằng khen của Bộ Quốc phòng (năm 2014); Bằng khen của Tổng cục Chính trị (năm 2017); Bằng khen của Hội LHPN Việt Nam về thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05 đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (năm 2018); Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (giai đoạn 2010-2015) cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác. Đặc biệt, năm 2019, chị là một trong 10 cá nhân được vinh danh tại lễ trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam.