Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi (giai đoạn 2011-2015) mặc dù mới đi được hơn nửa chặng đường nhưng đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại 60 tỉnh, thành trên cả nước nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất góp phần nâng cao trình độ sản xuất, dân trí và cải thiện đời sống nhân dân.
Nhiều dự án được triển khai
Ông Nguyễn Thế Ích, Chánh Văn phòng Chương trình nông thôn miền núi (NTMN), cho biết, từ năm 2011 đến nay, Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương phê duyệt 278 dự án, triển khai tại 60 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí 1.300 tỷ đồng. Các dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi chủ yếu tập trung giải quyết 3 nhóm vấn đề: Chuyển giao và tiếp nhận công nghệ; Đào tạo kỹ thuật và tập huấn cho nông dân; Ứng dụng công nghệ vào thực tế. Trong đó, các dự án được thực hiện từ năm 2011- 2013 đã huy động được khoảng 600 lượt cán bộ khoa học từ 86 tổ chức KH&CN của trung ương và địa phương trong cả nước về phục vụ tại địa bàn NTMN, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, các dự án đã giúp địa phương tiếp nhận và làm chủ được 661 công nghệ, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng KH&CN vào đời sống và sản xuất. Các dự án cũng đã tạo kênh kết nối giữa tổ chức KH&CN với địa bàn nông thôn, miền núi; giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân.
Tiêu biểu như dự án “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại Hà Nam” do Công ty mây tre xuất khẩu Ngọc Động (Hà Nam) chủ trì thực hiện với tổng kinh phí là 8,5 tỷ đồng. Tính đến nay, đã có trên 400 hộ dân tham gia vào việc trồng nấm, góp phần giải quyết được trên 800 lao động nông nhàn ở địa phương, với mức thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/tháng. Dự án đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho người nông dân, giải quyết được lao động nông nhàn, nâng cao đời sống, ổn định xã hội cho người dân tại địa phương.
Hay dự án “Xây dựng mô hình nhân nhanh giống mía mới bằng công nghệ nuôi cấy mô tại Bình Định” thực hiện từ tháng 4/2011 – tháng 3/2014. Kết quả của dự án đã triển khai mô hình nhân giống mía bằng phương pháp nuôi cấy mô cho 2 giống mía. Mô hình trồng mía thương phẩm này đã đạt năng suất 110- 120 tấn/ha so với trồng đại trà đạt 60 -70 tấn/ha.
Còn rất nhiều dự án khác phải kể đến như dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tổng hợp trong sản xuất lúa tại vùng lúa chất lượng cao ở 4 huyện vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An" thực hiện năm 2011-2013, đã triển khai thực hiện 90 ha lúa bằng công nghệ san phẳng mặt ruộng. Sử dụng công nghệ này mặt ruộng được san phẳng từ mức ban đầu là 30-35cm xuống chỉ còn khoảng 3cm. Đây là điều kiện lý tưởng cho sản xuất lúa nước, mặt ruộng bằng phẳng giúp cho chi phí sản xuất giảm được từ 3-7,7 triệu đồng/ha, tăng năng suất lúa từ 1.000-1.500 kg/ha.
Hiệu quả cao
Cũng theo ông Nguyễn Thế Ích, các dự án thuộc chương trình NTMN đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, tạo thêm nhiều sản phẩm mới, việc làm mới, góp phần giải quyết lao động nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, từng bước hình thành thị trường công nghệ ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN vào sản xuất thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực NTMN.
Bên cạnh đó, chương trình cũng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hoặc hỗ trợ hình thành một số ngành nghề mới ở nông thôn, làm cho nghề truyền thống, cây trồng đặc sản địa phương phát triển (chè, cà phê, tiêu, bưởi, chuối…); phát triển chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, bảo quản chế biến nông lâm hải sản, sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; giải quyết nước sạch quy mô hộ gia đình, xử lý môi trường làng nghề, phát triển công nghệ sử dụng năng lượng điện mặt trời, cung cấp thông tin KH&CN cho vùng nông thôn miền núi…
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tổng hợp trong sản xuất lúa tại vùng lúa chất lượng cao
Ông Mai Thanh Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ: Chương trình nông thôn miền núi đã đưa tiến bộ KH&CN vào sản xuất đời sống, tạo ra sản phẩm mới cho địa phương, giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi… Do vậy rất mong Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh thực hiện các dự án về chuyển giao công nghệ, phương thức sản xuất mới…
Hiện nay với 278 dự án được triển khai của giai đoạn này đã góp phần xây dựng được 696 mô hình, thu hút được 80.000 người dân tham gia trực tiếp sản xuất trên các địa bàn NTMN. Các mô hình này đều là những mô hình mẫu cho các tổ chức, cá nhân học tập, tạo được sự lan tỏa, nhân rộng các mô hình tốt cho các tổ chức, cá nhân khác tự bỏ kinh phí để tổ chức sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Dự kiến, khi các dự án kết thúc sẽ chuyển giao 961 công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, huy động khoảng 600 lượt cán bộ khoa học từ 86 tổ chức KHCN của Trung ương và địa phương cả nước về phục vụ tại địa bàn nông thôn và miền núi. Đồng thời, đào tạo được 2.650 kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn kỹ thuật cho khoảng 61.500 lượt nông dân…
Trong thời gian tới, để bảo đảm hiệu quả của việc chuyển giao công nghệ vào khu vực nông thôn, miền núi, theo ông Nguyễn Thế Ích, mỗi dự án triển khai phải chủ động được từ khâu sản xuất giống, vùng nguyên liệu, chế biến sản phẩm và phải gắn với thị trường tiêu thụ nhằm ổn định sản xuất. Các mô hình phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời, cần huy động được các nguồn lực tại chỗ vào việc xây dựng mô hình.
Bài, ảnh: Đăng Minh