Ninh Thuận: Không phát hiện thấy đồng vị phóng xạ nhân tạo
Mô phỏng đám mây phóng xạ cho khu vực Đông Nam Á tính toán ngày 21/4)
Báo cáo của Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong sol khí ở Ninh Thuận, chỉ quan trắc thấy các đồng vị phóng xạ tự nhiên là: Be-7 (có nguồn gốc từ tia vũ trụ), K-40, Th-232 và U-238 (có nguồn gốc từ bụi đất).
Kết quả quan trắc của Viện Nghiên cứu hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) tại Đà Lạt cho thấy trong sol khí ở Đà Lạt, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là Be-7 (có nguồn gốc từ tia vũ trụ), K-40, Th-232 và U-238 (có nguồn gốc từ bụi đất); còn tiếp tục ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo I-131, ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
Các giá trị đo tại trạm quan trắc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) cho thấy không có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 19/4/2011 so với các ngày trước.
Tại Nhật Bản, ngày 17/4, TEPCO đã sử dụng người máy để thăm dò mức độ bức xạ, nhiệt độ và mật độ khí ôxi bên trong các tòa nhà lò. Kết quả đo mức độ bức xạ đo được bên trong tòa nhà lò của Tổ máy số 1 là 10-49 mSv/h, của Tổ máy số 3 là 28-57 mSv/h (giới hạn an toàn cho trường hợp khẩn cấp đối với nhân viên làm việc tại nhà máy là 250 mSv); nồng độ ôxi bên trong cả hai tòa nhà lò là khoảng 21%, đủ để nhân viên làm việc bên trong.
Từ ngày 15-17/4, I-131 trong đất chỉ còn được phát hiện tại 1 tỉnh vào ngày 15/4 với giá trị là 4,1 Bq/m2, còn Cs-137 được phát hiện tại 8 tỉnh với tổng lượng phóng xạ trong khoảng 2,3-66 Bq/m2.
Kết quả phân tích các mẫu thực phẩm tại 9 tỉnh lấy ngày 16/4 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy không phát hiện được I-131, Cs-137, Cs-134 hoặc ở dưới mức cho phép.
Tại tỉnh Fukushima, chính quyền đã dỡ bỏ việc hạn chế lưu thông rau kakina, ngò tây và rau bina (trừ tại các thành phố Kitaibaraki và Takahagi).
TEPCO đã tăng số điểm lấy mẫu nước biển ngoài khơi và gần bờ từ 10 lên 16 (4 điểm cách bờ 3 km và 2 điểm cách 8 km). Qua phân tích các mẫu cho thấy nhìn chung, nồng độ phóng xạ trong nước biển tiếp tục giảm.