Cụm công trình "Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học Việt Nam hiện đại", PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, là một trong 17 công trình, cụm công trình vừa được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ đợt này. Công trình đã nhận diện và lý giải thành tựu văn học thời kỳ đổi mới, định hướng phát triển lý luận văn học, tạo tiền để cho nền văn học gắn với số phận nhân dân và vận mệnh đất nước.
Công trình nghiên cứu "Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học Việt Nam hiện đại" là cụm 3 công trình tiêu biểu gồm: Những vấn đề lý luận lịch sử kịch Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20; Văn chương - tiến trình tác giả, tác phẩm; Thẩm định các giá trị văn học. Mỗi công trình có tính lịch sử ứng với mỗi giai đoạn của sự phát triển xã hội, phát triển đất nước.
Nghiên cứu mang lại giá trị cao về khoa học công nghệ
Công trình “Những vấn đề lý luận lịch sử kịch Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20” đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề xung quanh nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển kịch ở Việt Nam với tư cách là một thể loại văn học mới, đồng thời là một loại hình nghệ thuật trình diễn sân khấu mới (kịch nói). Với những dữ liệu lịch sử tin cậy, chuyên luận đã triển khai hàng loạt luận điểm và đưa ra các kết luận khoa học thuyết phục, khẳng định nguồn gốc của kịch là từ phương Tây, ra đời ở Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX như là kết quả của quá trình giao lưu, ảnh hưởng Đông Tây, trực tiếp là văn học và văn hóa Pháp. Trong bối cảnh nghiên cứu lúc đó, công trình này không chỉ là sự bổ sung mà còn là sự khám phá ở chiều sâu lịch sử văn hóa và văn hóa dân tộc. Qua đó, công trình gợi mở nhiều vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong tiến trình hình thành và phát triển của thể loại kịch ở Việt Nam. Theo PGS. TS Phạm Xuân Thạch, “cái mới của công trình này ở chỗ cho thấy các mối liên hệ nội tại giữa lịch sử kịch nói với tiến trình văn học hiện đại trong thời điểm xã hội đang chuyển từ hình thái cũ sang hình thái mới. Có thể nói, điểm mới của công trình này là cái nhìn mới đối với lịch sử dựa trên sự phân tích sâu sắc các mối quan hệ”
Đánh giá về Công trình “Văn chương - tiến trình tác giả, tác phẩm”, GS.TS Trần Nho Thìn cho biết, một phần quan trọng của tác phẩm này dành cho các nghiên cứu khái quát về tiến trình kịch nói trong suốt thế kỷ XX và nghiên cứu một số tác giả kịch bản tiêu biểu. Từ góc nhìn về thể loại kịch, tác giả đã nêu lên những đặc điểm thú vị của kịch nói trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam hiện đại, nêu vấn đề chức năng dự báo của văn học một vấn đề lý luận và thực tiễn văn học rất cơ bản. Tác giả đã đặt thể loại kịch nói vào bối cảnh giao lưu văn hóa Đông-Tây, phân tích mối quan hệ văn hóa – văn học. GS.TS Trần Nho Thìn nhấn mạnh “Công trình này có những đóng góp không thể phủ nhận không chỉ về thực tiễn văn học Việt Nam hiện đại mà còn cả lý luận văn học, mỹ học”.
Công trình “Thẩm định các giá trị văn học” gồm các tiểu luận đã công bố tại hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Nội dung xoay quanh các vấn đề của lý luận và lịch sử văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay, đồng thời tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về thể loại kịch, về tiến trình phát triển và những tác giả kịch có đóng góp quan trọng cho lịch sử văn học Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quang Long, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cụm công trình cho thấy tác giả đã nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học cụ thể, cùng với đó, các bài viết còn xoay quanh việc lý giải nhiều vấn đề lý thuyết văn nghệ trong hệ thống chặt chẽ. Phó Giáo sư Phạm Quang Long đánh giá cao ý nghĩa của công trình khi nêu đúng và trúng những vấn đề đang được quan tâm, giải quyết những vấn đề có căn cứ khoa học thuyết phục: "Trong cụm công trình của anh Phan Trọng Thưởng, những vấn đề lý thuyết, lý luận, nội dung, định hướng tư tưởng và những hiện tượng văn học tiêu biểu trong vài thập niên gần đây đã được nghiên cứu một cách cẩn thận, có cơ sở, có căn cứ khoa học và những đánh giá xác đáng. Đó không chỉ là những ý kiến của cá nhân liên quan đến một lĩnh vực hẹp mà ở vị thế của anh Thưởng, với tư cách Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, trước đấy là Viện trưởng Viện Văn học, đã nói được những nội dung cơ bản nhất của những điều đó. Các công trình đã lý giải một cách khách quan, thận trọng, có căn cứ khoa học và có tính thuyết phục."
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Thưởng
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Thưởng chia sẻ: "Trước tôi đã có nhiều bậc đàn anh, những người nghiên cứu đi trước, đã nghiên cứu về vấn đề này. Tôi cũng kế thừa những thành tựu nghiên cứu của người đi trước, tiếp thu kinh nghiệm nghiên cứu của họ và đặc biệt, chọn những vấn đề mà người đi trước đã đặt ra nhưng chưa đi đến đích, chưa giải quyết đến cùng, để tôi nghiên cứu tiếp. Tôi không phải là người đi tiên phong mà mình tiếp tục nghiên cứu bởi vì sự nghiệp nghiên cứu còn mở ra rất nhiều hướng khác nhau nữa. Càng ngày các phương pháp nghiên cứu mở rộng ra dưới nhãn quan khoa học mới, đặc biệt là dưới cái nhìn của những lý thuyết mới, lý luận mới thì vấn đề càng được nhìn nhận dưới góc độ khác nhau và sẽ tiếp tục được nghiên cứu."
Công trình nghiên cứu "Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học Việt Nam hiện đại" của PGS. TS Phan Trọng Thưởng đã được sử dụng rộng rãi trong các nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo các cấp đại học và sau đại học. Công trình nghiên cứu này đã khơi mở những vấn đề mới mẻ, sâu sắc và cấp thiết cho các nghiên cứu của các thế hệ sau.
Đánh giá về cụm công trình này, GS. TS Lã Nhâm Thìn cho biết:”Những nghiên cứu về kịch của PGS.TS Phan Trọng Thưởng không chỉ có tác dụng với các nhà khoa học mà còn ảnh hưởng tới hoạt động sáng tác, biểu diễn kịch và rộng hơn nữa là ảnh hưởng tới những hoạt động văn hóa. Cụm công trình đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, xây dựng con người Việt Nam mới”.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Thưởng đã dành nhiều năm cho sự nghiệp nghiên cứu. Ông gắn bó với công việc nghiên cứu lý luận và lịch sử từ khi bắt đầu cầm bút nghiên cứu, từ cuối những năm 70, đầu 80 đến nay. Đây cũng là một trong những lý do ông lựa chọn tên gọi của cụm công trình nghiên cứu của mình là “Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học Việt Nam hiện đại”. Phó giáo sư, Tiến sỹ chia sẻ "Trong quá trình làm việc, tôi luôn cố gắng hướng đến việc chia sẻ thành quả nghiên cứu của mình đến với mọi người, chia sẻ với công chúng văn học. Vì thế, công trình nghiên cứu vừa hướng đến số đông, nhưng đồng thời cũng hướng đến đồng nghiệp, hướng đến những người bạn nghề trên tất cả các lĩnh vực nghiên cứu. Để mọi người cùng hiểu, cùng chia sẻ với những suy nghĩ của mình, đấy là cái khó nhất của người cầm bút."
Bài, ảnh: Trần Hà