Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 11/4/2012 một lần nữa khẳng định KH&CN giữ một vai trò đặc biệt quan trọng tạo nên bước đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước. Vậy làm thế nào để KH&CN thực hiện được những nhiệm vụ này một cách hiệu quả?
Để trả lời câu hỏi trên, mới đây Hệ Phát thanh có hình của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV TV) đã tổ chức tọa đàm xoay quanh vấn đề này với sự tham gia của TS. Nguyễn Quân, Ủy viên Trung Ương Đảng (UVTW Đảng), Bộ trưởng Bộ KH&CN; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, UVTW Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; TSKH. Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN xin lược ghi lại nội dung buổi tọa đàm này qua loạt bài dưới đây.
Bài 1:
Ba yếu tố đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược phát triển KH&CN
- Xin Bộ trưởng cho biết mục tiêu phát triển KH&CN của Chiến lược đến năm 2020 là gì?
- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Xuất phát từ bối cảnh hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh sự phối hợp giữa các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên và KH&CN để đến năm 2020 KH&CN Việt Nam sẽ có vị trí tương xứng với tầm vóc của đất nước, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có một số lĩnh vực đạt trình độ khu vực và thế giới.
Có ba mục tiêu chúng tôi cho là rất quan trọng. Thứ nhất, làm sao để tổng đầu tư của xã hội cho KH&CN đạt trên 2% GDP quốc gia, trên cơ sở vẫn duy trì 2% tổng chi ngân sách của nhà nước (NSNN) cho KH&CN nhưng phải huy động được đầu tư của xã hội, của doanh nghiệp nhiều hơn rất nhiều lần so với đầu tư từ NSNN. Thứ hai, làm sao để giá trị sản xuất những sản phẩm ứng dụng công nghệ cao chiếm tỉ trọng trên 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của đất nước. Thứ ba là một số mục tiêu cụ thể như tốc độ tăng trưởng của thị trường công nghệ, tốc độ tăng trưởng của công bố quốc tế, đăng ký sáng chế, tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Những mục tiêu này thực hiện được chắc chắn sẽ đảm bảo thực hiện thành công Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI và đến năm 2020 chúng ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
- Để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, rõ ràng KH&CN giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, hiện sự phát triển KH&CN chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn. Có năm điểm bất cập khiến KH&CN vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn thời gian qua, đó là: Cơ chế quản lý các hoạt động KH&CN mặc dù đã được cải tiến nhưng nhìn chung vẫn nặng tính bao cấp, tính hành chính và là một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển KH&CN trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay; Đội ngũ cán bộ KH&CN tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng vẫn còn thấp, bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề; Công tác quy hoạch về phát triển nhân lực trình độ cao chưa được quan tâm đúng mức, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực còn yếu nên chưa có sự chủ động trong việc chỉ đạo đường lối giữa các cơ quan ban ngành cũng như khai thác hiệu quả sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, các nhà khoa học việt kiều; Cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học đã được đẩy mạnh đầu tư, nhưng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao; Thủ tục cơ chế đầu tư cho KH&CN chưa được cải tiến, chưa phù hợp với đặc thù của ngành.
- Bộ trưởng có bình luận gì về những bất cập được đề cập trên?
- Chúng tôi thấy những ý kiến của phóng viên nói về những bất cập này hoàn toàn chính đáng. Bản thân chúng tôi là những người làm quản lý KH&CN cũng đã xác định được những điểm bất cập này. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh ba trong năm điểm bất cập này đó là đầu tư của chúng ta cho KH&CN chưa đủ về số lượng nên chưa đảm bảo được thông lệ quốc tế. Chúng ta có mức đầu tư trên đầu người còn quá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới, trong đó chủ yếu dựa vào NSNN, còn chưa huy động được đầu tư của xã hội.
Thứ hai, nhận thức của giới quản lý đối với vai trò của KH&CN trong quá trình hiện đại hóa đất nước chưa được thực hiện đầy đủ. Vì thế, chúng ta không tiếp cận với thông lệ quốc tế trong khi đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Lẽ ra phải áp dụng những thông lệ quốc tế, ví dụ như cấp phát kinh phí cho nghiên cứu thông qua các quỹ KH&CN hoặc những cơ chế tài chính cho KH&CN phải theo thông lệ quốc tế.
Bất cập thứ ba là nguồn nhân lực có trình độ cao còn thiếu rất nhiều, chưa có những tập thể nghiên cứu mạnh và những công trình nghiên cứu có kết quả xứng tầm với sự phát triển của đất nước. Đặc biệt chưa gắn kết giữa nguồn cung với nguồn cầu trong thị trường công nghệ, không nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp. Vì thế, trong Chiến lược, Chính phủ yêu cầu phải khắc phục tất cả những bất cập này.
- Thưa Bộ trưởng, với cương vị là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN, ông đưa ra những giải pháp gì để đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong doanh nghiệp?
- Doanh nghiệp không phải chỉ là nơi ứng dụng kết quả nghiên cứu mà cũng phải là nơi tạo ra sản phẩm nghiên cứu. Vì vậy, Chiến lược đã đặt ra nội dung rất quan trọng là khuyến khích các doanh nghiệp thành lập tổ chức KH&CN, tức là các viện, trung tâm nghiên cứu của mình. Đồng thời, đầu tư cho nguồn nhân lực và tài chính.
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp đã thành công trong lĩnh vực này như Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Viễn thông quân đội,… Chúng tôi cũng đã trình với Quốc hội Luật KH&CN sửa đổi, trong đó có nội dung doanh nghiệp đóng góp cho KH&CN thông qua việc trích một phần lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Đồng thời có cơ chế thông thoáng, phù hợp để doanh nghiệp sử dụng một cách hiệu quả kinh phí của quỹ này.
Thực tế cho thấy trong những năm qua, các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư rất lớn và thành lập quỹ phát triển KH&CN nhưng do cơ chế nên nhiều doanh nghiệp không sử dụng hết nguồn vốn từ quỹ này. Một trong những giải pháp để các doanh nghiệp có thể đổi mới công nghệ, nghiên cứu đưa KH&CN vào sản xuất kinh doanh là các quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp được thành lập và chi tiêu một cách hiệu quả nhất bên cạnh việc đầu tư của Nhà nước. Cùng với đó, phải đào tạo nguồn nhân lực, nhất là trong các doanh nghiệp lớn để có thể tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng và khả năng thương mại hóa cao.

Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy hoạt động KH&CN phát triển. Ảnh: Nguyễn Hạnh.
- Được biết, Bộ KH&CN đang xúc tiến liên kết với Hàn Quốc thành lập một viện nghiên cứu KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc VKIST. Bộ trưởng có thể cho biết vai trò, ý nghĩa của viện này cũng như vai trò của viện này trong việc thực hiện Chiến lược KH&CN giai đoạn 2011 – 2020?
- Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc là kết quả của sự đàm phán giữa Thủ tướng chính phủ Việt Nam và Tổng thống Hàn Quốc trong chuyến thăm Hàn Quốc năm 2012. Chúng ta hiện đang có hơn 600 tổ chức KH&CN của nhà nước gọi là tổ chức KH&CN công lập và khoảng hơn 900 tổ chức KH&CN của khu vực ngoài nhà nước nhưng hầu hết mô hình hoạt động của các tổ chức này được xây dựng theo mô hình giai đoạn chúng ta chưa vào nền kinh tế thị trường. Vì thế, hiệu quả của các tổ chức này chưa cao.
Viện KIST là một mô hình mẫu về viện nghiên cứu hoạt động theo cơ chế hợp đồng hay còn gọi là nghiên cứu theo hợp đồng. Tức là nghiên cứu phải gắn với sản xuất kinh doanh, gắn với thực tiễn và nhu cầu xã hội. Các doanh nghiệp hay tổ chức cá nhân trong xã hội có những vấn đề cần giải quyết sẽ đặt hàng theo hợp đồng. Viện KIST sẽ thực hiện hợp đồng đó và nhận được kinh phí từ doanh nghiệp, từ xã hội. Hàn Quốc đã rất thành công với mô hình này. Bằng chứng là Viện KISTđóng góp khoảng 10% giá trị gia tăng của nền kinh tế Hàn Quốc. Chúng tôi thấy Việt Nam rất cần xây dựng một mô hình như vậy. Nếu thành công, đây sẽ là một mô hình tốt cho các viện nghiên cứu công lập của chúng ta hoạt động theo mô hình này.
- Thưa Bộ trưởng, đâu là yếu tố quan trọng để chúng ta đảm bảo sẽ thực hiện thành công Chiến lược?
- Có ba yếu tố mang tính chiến lược để đảm bảo Chiến lược KH&CN của chúng ta có thể thực hiện thành công: Đầu tiên là ý chí của những người lãnh đạo từ cấp cao đến cơ sở, phải thực sự quan tâm đến KH&CN, thấy KH&CN như là sự cứu cánh, là phương tiện quan trọng nhất để đầu tư và khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư cho KH&CN. Thứ hai là nguồn đầu tư của nhà nước và xã hội. Đầu tư không chỉ cho nghiên cứu mà còn đầu tư cho hạ tầng KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và trong chừng mực nào đó, phải thu hút được đầu tư của quốc tế thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, các dự án phát triển kinh tế xã hội. Thứ ba là con người. Chúng ta phải có đội ngũ cán bộ khoa học và cán bộ quản lý khoa học tâm huyết, trí tuệ, có trình độ cao mới có thể cho ra đời những sản phẩm xứng tầm đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, làm sao có những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
Nguyễn Hạnh – Phương Nga