Viện Hóa học môi trường quân sự (MTQS) là cơ sở đầu ngành của Binh chủng Hóa học và quân đội về nghiên cứu khoa học-công nghệ (KHCN) các trang bị hóa học, các biện pháp kỹ thuật phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn, nghiên cứu công nghệ và tổ chức xử lý môi trường trong các hoạt động quân sự...
Những năm qua, Viện Hóa học MTQS đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, cho ra đời nhiều công trình mang đậm tính nhân văn.
Theo Thượng tá Nguyễn Khánh Hưng, Viện trưởng Viện Hóa học MTQS: Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Viện Hóa học MTQS luôn đánh giá đúng tình hình, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Bộ tư lệnh (BTL) Hóa học tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành nhiều chủ trương, quyết định quan trọng, mang tầm chiến lược, như: Chương trình hành động phòng ngừa, phát hiện và chuẩn bị ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân giai đoạn 2019-2025; Chương trình nghiên cứu kỹ thuật, an toàn hạt nhân bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cho quân đội giai đoạn 2016-2020 và định hướng những năm tiếp theo...
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu KHCN, Viện Hóa học MTQS luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ với nhiều hình thức, giải pháp, như: Gửi đi đào tạo trong và ngoài nước; cử cán bộ tham gia các hội thảo khoa học để lĩnh hội kiến thức, tiếp thu kinh nghiệm; bồi dưỡng thông qua hoạt động thực tế, cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, người đi trước truyền đạt kinh nghiệm cho người đi sau. Đồng thời, viện luôn quan tâm đổi mới phương pháp quản lý, phát huy sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, đầu tư nâng cao chất lượng các phòng thí nghiệm...
Năm 2020, BTL Hóa học khởi công dự án xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay A So (A Lưới, Thừa Thiên Huế). Với diện tích ô nhiễm hơn 5ha, chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7m, nhiều năm qua, người dân sinh sống trên địa bàn quanh sân bay phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam/dioxin. Thực hiện nhiệm vụ, Binh chủng Hóa học mà nòng cốt là Viện Hóa học MTQS đã áp dụng những công nghệ mới, hiện đại với mục tiêu xử lý triệt để ô nhiễm tại sân bay này, giúp người dân yên tâm sinh sống và phát triển kinh tế-xã hội. Chứng kiến niềm vui của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương về hy vọng một ngày không xa được sống trong an toàn, chúng tôi mới cảm nhận hết ý nghĩa quan trọng, tình cảm, trách nhiệm của bộ đội hóa học, của những công trình khoa học vì nhân dân, vì đất nước mà cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Viện Hóa học MTQS chung tay, góp sức.
Trên thực địa là thế, đến thăm phòng nghiên cứu của Viện Hóa học MTQS, chúng tôi thấy rõ hơn sự khó khăn, vất vả, hiểm nguy của những nhà khoa học áo lính. Trong căn phòng đầy máy móc, thiết bị, hóa chất, đội ngũ cán bộ khoa học đang tập trung cao độ cho công việc nghiên cứu, thử nghiệm. Trung tá, TS Hoàng Kim Huế, nghiên cứu viên chính, vừa tiến hành thí nghiệm phân tích mẫu đất nhiễm dioxin, vừa nói với chúng tôi: “Các nhà khoa học của Viện Hóa học MTQS không chỉ làm việc đầu óc mà "kiêm" công việc chân tay. Việc xách đất, xách nước phục vụ nghiên cứu là chuyện thường ngày. Vất vả, khó khăn nhưng không ai dứt ra được bởi đây là công việc mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần xóa bớt nỗi đau cho các nạn nhân da cam/dioxin".
Chúng tôi được biết, chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, Viện Hóa học MTQS đã và đang triển khai thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học, trong đó có 2 đề tài cấp Nhà nước, 19 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng, tiêu biểu như: Đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe phân tích chuyên dụng phát hiện các tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân phục vụ quốc phòng an ninh" cấp Nhà nước; Đề tài "Nghiên cứu làm chủ công nghệ xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh và các hợp chất hữu cơ khó phân hủy bằng giải pháp oxy hóa có sử dụng xúc tác hóa học, nhiệt độ và áp suất cao" cấp Bộ Quốc phòng, cùng nhiều đề tài, nhiệm vụ độc lập và đề tài cấp cơ sở.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Khánh Hưng tự hào: "Viện Hóa học MTQS có rất nhiều đề tài được ứng dụng trong thực tiễn, phục vụ các hoạt động quân sự, đồng thời góp phần quan trọng bảo đảm an toàn môi trường, xử lý sự cố hóa học, bảo đảm an toàn để các địa phương phát triển kinh tế-xã hội. Phát huy truyền thống, thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của viện sẽ không ngừng phấn đấu vươn lên, giành nhiều thành tích mới, xứng đáng với niềm tin của cấp trên và nhân dân dành cho đơn vị".
Với những thành tích tiêu biểu trong nghiên cứu KHCN, giai đoạn 2016-2020, Viện Hóa học MTQS được Bộ KHCN tặng bằng khen; 3 công trình nghiên cứu khoa học được tặng Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam (Giải thưởng VIFOTEC), 6 công trình được tặng Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội.