Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam: mỗi năm thuốc lá cướp đi sinh mạng gần 8 triệu người trên thế giới. Một triệu người trong số đó vô tội. “Họ là những người hút thuốc lá thụ động”. Những con số thống kê liên quan đến việc sử dụng thuốc lá gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác hại của thuốc lá đến môi trường sống và sinh mệnh của con người.
Theo kết quả điều tra của WHO, trên thế giới trung bình mỗi phút có 2 người tử vong do những bệnh liên quan đến thuốc lá ở khu vực Tây Thái Bình Dương, 50% số người hút thường xuyên chết vì thuốc lá.
Những người hút thuốc lá có thể giảm thọ từ 8 đến 23 năm, thế giới mỗi năm có trên 6 triệu người chết do liên quan đến thuốc lá. Chỉ tính riêng trong thế kỷ 20 đã có 110 triệu người chết do thuốc lá. Người ta ước tính thế kỷ 21 này sẽ có khoảng 1 tỷ người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Điều đặc biệt là tình trạng hút thuốc lá hiện nay tiếp tục gia tăng ở các nước đang phát triển; trong khoảng 25 năm, tính từ năm 2005 – 2030 trên thế giới sẽ có hơn 175 triệu người chết do tác hại của thuốc lá. Đây là những con số hết sức nguy hiểm và có ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế, xã hội ở các nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao.
Đối với những người hút thuốc lá thụ động, tính mỗi năm trên thế giới có 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động (trong đó có 200.000 ca tại nơi làm việc; 64% số người tử vong do hút thuốc thụ động là nữ (WHO)).
Ở Việt Nam, thuốc lá đã và đang gây ra tổn thất to lớn về sức khỏe, kinh tế và môi trường. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới; tỷ lệ nam giới hút thuốc là ở nước ta là 47,4%.
Việt Nam hiện có khoảng 15,3 triệu người (trên 15 tuổi) hút thuốc; 56% người hút thuốc trước tuổi 20; 33 triệu người hút thuốc lá thụ động tại nhà; 5 triệu người không hút thuốc lá bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nơi làm việc trong nhà. Theo điều tra năm 2014: 47,7% học sinh lứa tuổi 13 – 15 phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà; 66,5% phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nơi công cộng trong nhà. Thuốc lá không chỉ có tác hại đối với người hút mà những người xung quanh cũng bị ảnh hưởng, nhiễm độc. Đặc biệt người hít phải khói thuốc có nguy cơ bị bệnh cao gấp 10 lần người hút thuốc.
Hàng năm Việt Nam có trên 40.000 người tử vong do các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030 con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Gánh nặng bệnh tật từ các bệnh không truyền nhiễm mà nguyên nhân chính là từ thuốc lá đang tăng nhanh chóng. Nếu như tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm giảm từ 55% năm 1976 xuống còn 19,8% năm 2010 thì tỉ lệ mắc bệnh không lây nhiễm gia tăng từ 42,6% năm 1976 lên 71,6% năm 2010.
Khói thuốc lá hủy hoại môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Khoa học và thực tế đã chứng minh rằng người hút thuốc lá thường xuyên trong nhiều năm thì tuổi thọ sẽ giảm đi rất nhiều so với người không hút thuốc lá.
PV