Chiều ngày 9/11, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Ủy ban KH, CN và Môi trường của Quốc hội đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Thực thi Luật Chuyển giao công nghệ của Việt Nam”. Ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban KH, CN và Môi trường của Quốc hội và ông Nguyễn Quân, Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Bộ KH&CN, đại diện các Bộ, ngành, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, sở KH&CN, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp,…
Hội thảo được tổ chức để các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức KH&CN, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN) có điều kiện đánh giá, nhìn nhận lại thực trạng hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam thời gian qua, những tồn tại, vướng mắc, qua đó rút kinh nghiệm, đề xuất giải pháp, nội dung cần sửa đổi đối với Luật Chuyển giao công nghệ.
Theo ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ, Luật CGCN đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI ngày 29/11/2006 và chính thức có hiệu lực ngày 01/7/2007. Luật quy định thống nhất về hoạt động CGCN tại Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam.
Luật CGCN năm 2006 được đánh giá là đã bao quát các vấn đề cơ bản về hoạt động CGCN, có những bước đột phá nhằm tạo nguồn vốn, cơ chế tài chính và động lực cho tổ chức, cá nhân hoạt động CGCN; thể hiện được chính sách của Nhà nước là trao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp, không can thiệp sâu vào quyền tự quyết của tổ chức, cá nhân khi mua bán công nghệ; tháo gỡ một số vướng mắc trước đây các tổ chức, cá nhân thường gặp khi tham gia hoạt động CGCN;…
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân và Chủ nhiệm Uỷ ban KH, CN và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng chủ trì hội thảo.
Tuy nhiên, hiện hệ thống văn bản pháp quy về hoạt động CGCN khá tản mạn ở nhiều ngành luật, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau; công tác quản lý nhà nước của nhiều Bộ, ngành với lĩnh vực này có lúc còn chồng chéo; các quy định pháp luật hiện hành về CGCN còn chưa thống nhất, đồng bộ; Luật CGCN cũng bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục;…
Nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động CGCN, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động này, đặc biệt trong bối cảnh mới khi Việt Nam vừa trở thành thành viên TPP, việc xem xét, sửa đổi và đưa vào thực thi Luật CGCN trong giai đoạn hội nhập mới thực sự cần thiết.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận, đóng góp ý kiến liên quan đến các nội dung: CGCN tại Việt Nam, những tồn tại về cơ chế, chính sách; thực thi chính sách thuế khuyến khích hoạt động CGCN; CGCN trong các dự án FDI – tiếp cận từ phía Việt Nam tham gia liên doanh; CGCN từ viện, trường tới doanh nghiệp, từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp; CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài, từ nước ngoài vào Việt Nam;…
Các đại biểu cho rằng, cần có hình thức quản lý đối với CGCN tại Việt Nam, dự thảo Luật CGCN sửa đổi cần tập trung vào những nội dung còn hạn chế và đề xuất giải pháp thực hiện, có nội dung phát triển thị trường vốn đầu tư mạo hiểm, bổ sung quy định về phát triển thị trường công nghệ; cần thống nhất quan điểm ưu đãi trong Chiến lược thuế và Chiến lược Phát triển KH&CN, trên cơ sở đó thiết kế các biện pháp ưu đãi mang tính dài hạn để sửa đổi, bổ sung kịp thời trong hệ thống pháp luật về thuế, KH&CN và CGCN; xác định đúng địa chỉ ưu đãi thuế để tránh việc lợi dụng bởi CGCN rất đa dạng và không dễ trong định giá công nghệ; danh mục công nghệ cần khuyến khích chuyển giao phải được quy định cụ thể với những điều kiện, tiêu chí rõ ràng để làm cơ sở cho việc thiết kế các quy định pháp luật về ưu đãi thuế đối với CGCN; nên hướng vào ưu đãi thuế thu nhập hơn là ưu đãi thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng;…
Qua thảo luận, những vấn đề kiến nghị sửa đổi, bổ sung của Luật CGCN 2006 gồm: Bổ sung quy định về CGCN trong nước, trong đó, nghiên cứu kỹ quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với kết quả nghiên cứu có sử dụng nguồn vốn Nhà nước. Quy định về chuyển giao công nghệ từ kết quả nghiên cứu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; bổ sung quy định về chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài và sửa đổi một số quy định về chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bổ sung quy định về cơ chế phối hợp trong quá trình quản lý công nghệ và CGCN; sửa đổi quy định về phân cấp quản lý hoạt động CGCN; sửa đổi quy định về thẩm quyền ban hành 3 danh mục công nghệ; quy định về việc vay vốn từ Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ để tạo cơ hội cho doanh nghiệp có thể tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ; đồng thời bổ sung thêm quy định về tổ chức dịch vụ CGCN.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, để có thể trình Luật Chuyển giao Công nghệ sửa đổi mới ra Quốc hội cần thời gian dài với khối lượng công việc rất nặng, bởi khi trình Luật cần có cả dự thảo các Nghị định và Thông tư hướng dẫn kèm theo. Tuy nhiên, Bộ KH&CN, với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật này sẽ tổng hợp ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, sớm xây dựng Luật Chuyển giao Công nghệ sửa đổi để có thể trình Quốc hội xem xét vào cuối năm 2016 và có hiệu lực năm 2017 đúng với tiến độ dự kiến.
Tin, ảnh: Hạnh Nguyên