Nhà khoa học trẻ tài năng sẽ được ưu tiên tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu ở trong và ngoài nước; tham gia nhóm nghiên cứu của các nhà khoa học đầu ngành...
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa trình Chính phủ dự thảo về việc ban hành nghị định quy định chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
Theo đó, nhà khoa học trẻ tài năng phải dưới 40 tuổi, có trình độ tiến sỹ, chủ trì công trình đạt giải thưởng uy tín về KHCN trong nước, quốc tế và là tác giả chính của bài báo khoa học được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành quốc tế, trong nước có uy tín, chủ biên sách chuyên khảo hoặc sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ.
Ngoài việc được ưu tiên thuê, mua nhà xã hội, các nhà khoa học trẻ tài năng được ưu tiên cấp học bổng nghiên cứu sau tiến sỹ chuyên ngành KHCN tại các cơ sở nghiên cứu trong nước và nước ngoài, được thành lập các nhóm nghiên cứu xuất sắc tại các tổ chức KHCN trong lĩnh vực chuyên môn. Cùng với đó, được hỗ trợ kinh phí sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia cũng như tham dự hội nghị, hội thảo khoa học nước ngoài với định mức không quá hai lần một năm, trừ trường hợp đặc biệt.
Với các nhà khoa học đầu ngành, ưu tiên đặc biệt là được cấp kinh phí hằng năm theo đề xuất để thực hiện các nhiệm vụ KHCN liên quan phát triển ngành. Được hưởng phụ cấp chức vụ vụ trưởng cấp bộ và nhiều chế độ khác.
Khi thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, nhà khoa học chủ trì sẽ được giao quyền tự chủ đặc biệt, toàn quyền quyết định trong nhiều vấn đề như chủ động sử dụng kinh phí được giao theo phương thức khoán chi, chủ động bố trí, sử dụng nhân sự. Ngoài ra, sẽ được bố trí đi lại, nhà ở công vụ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh các chế độ trọng dụng ba nhóm nhà khoa học trên, dự thảo nghị định cũng quy định các chính sách trong đặc cách tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ; sử dụng cá nhân hoạt động KHCN và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KHCN. Theo một số nhà khoa học, nếu làm tốt, nghị định sẽ cởi được một trong ba nút thắt lớn của nền KHCN nước nhà là chế độ đãi ngộ, bên cạnh cơ chế tài chính và phương thức đầu tư.