Nhiều thách thức trong cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL
Cơ giới hóa trong nông nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp (ảnh minh họa)
Cơ giới hóa trong sản xuất là một trong những khâu quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Các chuyên gia xác định, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp là yêu cầu cấp bách, đặc biệt trong quá trình hội nhập nhanh chóng hiện nay. Tuy nhiên, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay quá trình này đang diễn ra khá chậm chạp. Đây là những thách thức không nhỏ đối với nền nông nghiệp ở khu vực này.
Cơ giới hóa thiếu và yếu
ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước, có tổng diện tích gieo trồng khoảng 3,85 triệu hecta/năm với sản lượng hằng năm khoảng trên 21 triệu tấn, chiếm khoảng 53% tổng sản lượng lúa của cả nước. Những tỉnh có sản lượng lúa lớn như Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang,.. ĐBSCL hiện có 2,8 triệu hộ làm nông nghiệp (hơn 50% trồng lúa, đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu). Tuy nhiên số hộ có máy kéo và máy nông nghiệp còn khá thấp, bình quân khoảng 62 hộ/1 máy kéo. Mặc dù có cao hơn cả nước (1,16HP/hecta) nhưng vẫn còn thấp hơn so với các nước trong khu vực ở Thái Lan là 4HP/hecta, Hàn Quốc đạt 4,2HP/hecta, Ấn Độ và Trung Quốc đạt trên 6HP/hecta.
Bên cạnh đó, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở ĐBSCL cũng còn thấp và không đồng đều giữa các khâu trong đó làm đất đạt cao nhất đáp ứng 90% so với nhu cầu; các khâu như gieo sạ, cấy, làm cỏ, và phun thuốc có mức độ cơ giới hóa rất thấp, lao động thủ công vẫn là chủ yếu.
TS. Phạm Văn Tấn – Phân Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch cho biết: Sản xuất lúa của ĐBSCL trong những năm gần đây có những bước phát triển đáng kích lệ, đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực quốc gia. Mặc dù vậy, do khâu cơ giới hóa còn thấp nên tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao, chuỗi giá trị lúa gạo còn nhiều điểm chưa hợp lý, thị trường gạo vùng này chủ yếu là thị trường gạo cấp thấp và thiếu tính ổn định, đời sống của nông dân trồng lúa chưa được cải thiện tương xứng với đóng góp của họ.
TS Tấn cho rằng: nguyên nhân dẫn đến tình trạng cơ giới hóa trong nông nghiệp ở Việt Nam mà cụ thể là ở ĐBSCL còn yếu là do đầu tư cho nông nghiệp nông thôn của Việt Nam còn quá thấp. Quy mô sản xuất của nông hộ còn nhỏ, giá máy kéo, máy nông nghiệp còn quá cao so với thu nhập của người nông dân; trình độ sản xuất công nghiệp, cơ khí chế tạo máy nước ta còn nhiều hạn chế. Lực lượng lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn còn thấp là một trong những trở ngại trong việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Khắc phục điểm yếu cơ giới hóa
Để cơ giới hóa trở thành “bệ phóng” cho ngành nông nghiệp, theo TS. Phạm Văn Tấn cần phải có chiến lược phát triển dài hạn và các chương trình cấp nhà nước để đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa sản xuất lúa, nhất là cho ĐBSCL. Bên cạnh việc khuyến khích đầu tư vào các dự án chế tạo máy nông nghiệp; nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ các cơ sở chế tạo máy móc nông nghiệp hiện có để nâng cấp công nghệ chế tạo, nhất là công nghệ luyện kim và đúc kim loại; mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chú trọng khuyến khích hơn nữa công tác nghiên cứu – phát triển (R&D) và thực hiện tốt sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm máy móc thiết bị nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ thích đáng và có hiệu quả cho các nhà máy chế tạo máy nông nghiệp Việt Nam để họ đầu tư công nghệ, phát triển sản xuất và mở rộng thị trường.
Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL hiện nay việc tăng cường cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp phải khẩn trương thực hiện để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn hội nhập. Theo đó, Nhà nước cần đẩy mạnh quy hoạch xây dựng mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" nhằm phát huy tối đa vai trò liên kết 4 nhà, đặc biệt là vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo trong việc đầu tư hệ thống sấy lúa, kho lúa... để thu mua tồn trữ lúa, nhất là giai đoạn thu hoạch rộ. Đây chính là giải pháp thiết thực góp phần ổn định sản xuất, khắc phục tình trạng được mùa mất giá.
Tăng cường công tác cơ giới hóa trong canh tác lúa sẽ giúp giải quyết các công việc đồng áng, nhất là các khâu gieo trồng, tưới nước, chăm sóc và thu hoạch kịp thời và nhanh chóng. Điều này không chỉ giúp sử dụng giống, nước, phân bón và thuốc trừ sâu hiệu quả hơn để nâng cao năng suất, chất lượng của cây trồng, mà còn hạn chế tác động đối với sức khỏe của nông dân và môi trường tự nhiên ở nông thôn.
Trong tiến trình hội nhập kinh tế như hiện nay, việc đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất lúa ở ĐBSCL vừa là nhu cầu nhưng cũng là động lực để phát triển ngành nông nghiệp chế tạo máy kéo và máy nông nghiệp trong nước. Nó góp phần thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, phát triển các ngành nghệ phụ để chuyển dịch nhanh hơn cơ cấu kinh tế và hiện hóa nông thôn.