Ngày 28/8/2023, tại Hà Nội, Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa hai đơn vị giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang - Thứ trưởng Bộ KH&CN và đồng chí Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Cùng tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số Sở KH&CN và đại diện lãnh đạo Hội Nông dân của hơn 20 tỉnh, thành trong cả nước.
Hoạt động đổi mới, thiết thực và hiệu quả
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm khẳng định: KH&CN luôn có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước, trong đó có phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế hiện nay.
Thông qua Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ KH&CN đã đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân cả nước tích cực ứng dụng các tiến bộ KH&CN để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế gia đình, kinh tế tập thể, góp phần thực hiện "Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn và hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, giá trị gia tăng cao; cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm phát biểu khai mạc Hội thảo.
Trình bày báo cáo tại Hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ KH&CN đã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn về ứng dụng KH&CN cho cán bộ viên nông dân. Thời gian qua, các cấp Hội từ Trung ương đến cơ sở đã phối hợp tổ chức được 75.357 buổi cho 3.579.155 lượt hội viên, nông dân; tổ chức được 96 lớp tập huấn về nội dung "Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn quy mô nông hộ, trang trại, tổ kinh tế hợp tác, hợp tác xã" cho 5.400 lượt hội viên nông dân tại 24 tỉnh, thành phố. Hai ngành đã tích cực phối hợp hỗ trợ nông dân phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật thông qua các cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông".
Báo cáo tại Hội thảo, ông Lưu Quang Minh, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN) cho biết, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ KH&CN và Hội Nông dân Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, bám sát Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể, việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, nhất là việc triển khai ứng dụng lồng ghép vào các chương trình KH&CN cấp quốc gia và các hoạt động xúc tiến phát triển thị trường, chuyển giao tiến bộ KH&CN, xây dựng các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia theo chuỗi giá trị đã tăng lên rõ rệt; Hoạt động sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường chất lượng đã đóng góp hiệu quả đối với sản phẩm nông sản, các thương hiệu được xây dựng đã tạo thêm giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh đó, KH&CN đã góp phần thúc đẩy công tác chọn tạo giống vật nuôi, cây trồng phục vụ sản xuất. Giai đoạn 2011-2020, lĩnh vực nông nghiệp đã công nhận và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn sản xuất 529 giống mới và 273 tiến bộ kỹ thuật mới; 185 sáng chế được công nhận; 224 tiêu chuẩn kỹ thuật, 440 quy trình kỹ thuật được ban hành và áp dụng hiệu quả; nông nghiệp Việt Nam đang dần chuyển đổi từ mô hình theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ứng dụng KH&CN phù hợp với đặc thù khu vực tam nông
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đánh giá về những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế và đề xuất các giải pháp để Hội Nông dân Việt Nam và Bộ KH&CN phối hợp hiệu quả hơn trong thời gian tới. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao các nội dung, hoạt động đề ra của Chương trình phối hợp là thiết thực, phù hợp và kịp thời đáp ứng nhu cầu về KH&CN trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới hiện nay đối với hội viên nông dân.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong những giai đoạn đất nước khó khăn. Đồng thời, KH&CN cũng là yếu tố quan trọng trong chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và được quan tâm hơn trong thời gian gần đây bằng việc ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ KH&CN giai đoạn 2021-2025.
Thứ trưởng nêu lên 3 kết quả nổi bật trong Chương trình phối hợp hoạt động giữa 2 cơ quan. Thứ nhất, các chương trình kế hoạch đề ra được bám sát, triển khai đáp ứng nhu cầu về KH&CN trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Thứ hai, Hội Nông dân 63 tỉnh/thành phố đã kết hợp với Sở KH&CN có những chương trình phối hợp tích cực, có nhiều nội dung đổi mới, đạt được kết quả quan trọng. Thứ ba, thông qua chương trình phối hợp đã giúp nâng cao nhận thức của hội viên nông dân về vị trí, tầm quan trọng của KH&CN. Nông dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh những hoạt động chuyên môn, hai đơn vị đã phối hợp tổ chức các cuộc thi về sáng kiến khoa học kỹ thuật nhà nông thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu kết luận Hội thảo.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng chỉ ra những tồn tại hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như: công tác tham mưu, đề xuất về KH&CN hằng năm vẫn chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ nhân rộng ứng dụng KH&CN ở các tỉnh còn hạn chế; sự phối hợp giữa Hội Nông dân và một số Sở KH&CN còn thiếu chặt chẽ, mang tính hình thức, chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Thứ trưởng đề nghị cơ quan chuyên môn của 2 bên cần tham mưu nghiên cứu cơ chế chính sách ứng dụng KH&CN phù hợp với đặc thù khu vực tam nông, tiến tới tăng ngân sách đầu tư cho KH&CN trong lĩnh vực này; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH&CN để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; tổ chức các lớp tập huấn thường xuyên nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, tầm quan trọng của KH&CN; là đầu mối tổ chức phối hợp các doanh nghiệp KH&CN, các viện trường trong và ngoài địa bàn; đẩy mạnh các mô hình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN theo chuỗi giá trị, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, tham gia sàn giao dịch công nghệ, thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Bài, ảnh: Diệu Huyền