Thông qua việc triển khai, thực hiện Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đã giúp cho năng lực công nghệ của doanh nghiệp được nâng lên đáng kể. Doanh nghiệp đã làm chủ công nghệ thiết kế, sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, các doanh nghiệp khi tham gia Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như: hàng trăm công nghệ, quy trình công nghệ được hấp thu và làm chủ; hàng chục bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ; năng suất lao động trung bình tăng 2,4 lần; khối lượng sản phẩm làm ra ngày càng nhiều và chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước; doanh thu của các doanh nghiệp tăng lên gấp khoảng 2 lần, lợi nhuận tăng khoảng 2,4 lần so với trước.
Ông Tạ Việt Dũng đã đưa ra ví dụ trong ngành nông nghiệp, có thể thấy rõ hiệu quả tại Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ ứng dụng công nghệ mới, Viện đã tạo thành công 06 giống lúa thuần có khả năng chịu mặn và hạn, với năng suất và chất lượng tương đương các giống chất lượng cao, đặc biệt chịu được mặn ở mức 6 ÷ 8‰ (các giống lúa chịu mặn hiện chỉ chịu được đến ngưỡng 4‰), thời gian chịu hạn không dưới 30 ngày, phục vụ canh tác trên diện tích bị nhiễm mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đã được công nhận là giống quốc gia. Đặc biệt 2 trong 6 giống mới này đã vượt qua những đợt ngập mặn và hạn hán kéo dài tại Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2015 và 2016, sản lượng và chất lượng gạo đảm bảo. Các giống lúa thuần mới sẽ góp phần đáng kể giải quyết bài toán của gần 150.000 ha ngập mặn và trên 30.000 ha canh tác bị hạn hàng năm tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Thông qua dự án đổi mới công nghệ để sản xuất giống rau, Công ty TNHH Việt Nông đã chọn tạo thành công 12 giống rau màu điển hình đạt chuẩn giống quốc gia từ hơn 3.000 giống cây rau màu ở Việt Nam, từ các nước trong khu vực và thế giới. Kết quả của dự án không chỉ đóng góp vào tăng trưởng của doanh nghiệp (10%/năm), mà còn giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa giống rau màu trên thị trường thêm hơn 12 %.
Đối với lĩnh vực thủy - hải sản, như chúng ta đã biết câu chuyện Tập đoàn Sao Mai áp dụng công nghệ 4.0 biến mỡ cá tra thành dầu ăn cao cấp không còn xa lạ với tất cả mọi người. Đây là một trong nhiều hướng đi tất yếu mà không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực thực hiện. Thực tiễn đã cho thấy, Sao Mai đã đóng góp tích cực thay đổi cục diện cho ngành hàng cá tra theo định hướng phát triển ổn định bền vững.
Tập đoàn Sao Mai chủ động phối hợp với các nhà khoa học trong nước thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ thiết bị để nâng cao chất lượng dầu ăn và sản xuất shortening, margarine từ mỡ các tra” và nhận được sự tài trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020.
"Đây là một ví dụ điển hình về đổi mới công nghệ khi đầu tư nghiên cứu thành công để đổi mới và làm chủ công nghệ tinh luyện mỡ cá Tra, giúp tạo ra sản phẩm dầu ăn chất lượng cao, tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng. Sản phẩm bước đầu đã xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu về tiêu chuẩn cao như Dubai, Singapore, Hàn Quốc.., giúp doanh thu của doanh nghiệp tăng hơn 2 lần, tăng giá trị cá Tra thêm 4,67%", ông Tạ Việt Dũng chia sẻ.
Trong lĩnh vực này còn có Công ty Cổ phần Việt Nam Food với dự án đổi mới công nghệ sản xuất chitosan từ phụ phẩm tôm để tạo ra chitosan và các sản phẩm từ phụ phẩm tôm có chất lượng cao đã giúp doanh nghiệp tận thu tối đa nguyên liệu, tăng hiệu quả sản xuất. Nhờ vậy, sản phẩm chitosan được sản xuất ra có giá thành giảm 25 ÷ 30% so với các sản phẩm hiện có trên thị trường.
Hệ thống sấy lúa vỉ ngang
Về lĩnh vực công nghiệp, Doanh nghiệp tư nhân Năm Nhã đã làm chủ được quy trình chế tạo và lắp đặt thành công hệ thống sấy lúa vỉ ngang năng suất 150 tấn/mẻ với tỷ lệ nội địa hóa 90%, cải tiến công đoạn sấy giúp giảm tổn thất lúa gạo sau thu hoạch, nâng thời gian bảo quản, góp phần chủ động việc dự trữ lúa gạo quốc gia. Đổi mới công nghệ đã giúp doanh nghiệp tăng doanh thu hơn 3 lần, lợi nhuận tăng 10 lần, thị trường trong nước không ngừng mở rộng và bước đầu đã xuất khẩu sang thị trường nước ngoài là Campuchia và Myanma.
Cũng nhờ đổi mới thành công 4 nhóm công nghệ chủ yếu trong việc chế tạo một số sản phẩm điển hình từ hợp kim nhôm và hợp kim kẽm (công nghệ nấu luyện biến tính hợp kim nhôm; công nghệ chế tạo đúc áp lực cao; công nghệ phần mềm tính toán; công nghệ xử lý bề mặt), Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Hưng Yên đã rút ngắn thời gian sản xuất, tiết kiệm chi phí, giảm 70% tỷ lệ hàng hỏng, năng suất tăng 30%, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Thông qua đổi mới từ kỹ thuật thiết kế đến công nghệ chế tạo lắp ráp và kiểm tra chất lượng, Công ty Cổ phần kết cấu thép và thiết bị nâng Việt Nam (Vinalift) đã nâng cao năng lực gia công cơ khí chính xác, chế tạo hàng loạt cụm bánh xe di chuyển, cụm dầm cân bằng, khung xe chạy có chất lượng cao, ổn định. Tăng giá trị sản phẩm thêm 22%, năng suất tăng thêm 30÷40%, có khả năng đáp ứng 40% nhu cầu đầu tư phát triển các cảng biển trong nước.
Sẽ không thể liệt kê hết những kết quả đáng ghi nhận của các tập đoàn, doanh nghiệp khi đổi mới dây chuyền, thiết bị, công nghệ; đổi mới quy trình sản xuất để tăng năng suất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng chính là thành quả khi chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng hành với doanh nghiệp trong những giai đoạn khó khăn, cùng doanh nghiệp giải bài toán khó về vốn cho công nghệ.
Bài, ảnh: Hà Chi