Sau hai năm thực hiện (2011-2012) đề án “Thí điểm xây dựng nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH-CN) tiềm năng” đã có nhiều đề tài KH-CN tiềm năng được ứng dụng, triển khai vào thực tiễn.
Ông Nguyễn Thiện Thành, Phó giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước đã cho biết như trên tại Hội nghị “Đánh giá việc thực hiện đề án thí điểm xây dựng nhiệm vụ KH-CN tiềm năng” tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Khả năng ứng dụng cao…
Cụ thể, một số kết quả của Đề án đã được ứng dụng ngay trong thực tế như: Hệ thống thu thập dữ liệu liên tục về khí tượng thủy văn và hỗ trợ trực tuyến cảnh báo lũ (ĐH Nông lâm Tp.HCM) đang được ứng dụng để cảnh báo lũ cho cứ dân tại lưu vực sông Vu Gia, tỉnh Quảng Nam; hay “Hệ thống thu thập xử lý thông tin tại Trung tâm quản lý tình huống biển đảo” do Học viện Kỹ thuật quân sự thực hiện đang được triển khai tại Quân chủng hải quân tỉnh Hải Phòng để xử lý vấn đề tác chiến…
Đặc biệt, Hội đồng tư vấn của Đề án cũng đánh giá các đề tài có thể hỗ ứng dụng và phát triển vào thực tiễn như: “Nghiên cứu, chế tạo vật liệu composite trên cơ sở nhựa polylefin và bột gỗ, ứng dụng làm vật liệu xây dựng, kiến trúc nội - ngoại thất” do TS. Nguyễn Vũ Giang Viện công nghệ vật liệu- Viện KH-CN Việt Nam thực hiện.
Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, vật liệu composite có triển vọng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực sản xuất trong nước và tiến tới xuất khẩu như: Làm tấm lát sàn, ốp tường, hàng rào... cho công trình xây dựng; phụ kiện chi tiết cho công nghiệp sản xuất ôtô, tàu hỏa; thay thế hàng ngoại nhập với giá thành chỉ dao động từ 250-300 nghìn/m 2 (sản phẩm nhập ngoại giá khoảng 1 - 1,5 triệu/m 2 ). Hiện vật liệu này đã thử nghiệm thành công tại Phòng thí nghiệm hóa lý vật liệu phi kim loại của Viện Kỹ thuật nhiệt đới; bắt đầu đầu triển khai sản xuất quy mô công nghiệp tại nhà máy thuộc Công ty CP Xây dựng phát triển nhà và Thương mại Hà Nội.
Hay đề tài tiềm năng “Nghiên cứu chế tạo thiết bị pha dịch lọc tự động dùng cho máy chạy thận nhân tạo” do TS. Vũ Duy Hải, trường Đại học Bách khoa Hà Nội làm chủ nhiệm, đã mở ra triển vọng mới cho ngành y học và tiết kiệm chi phí cho người nghèo. TS. Hải chia sẻ, theo tính toán sơ bộ, nếu sử dụng thiết bị pha dịch lọc tự động của đề tài, trung bình có thể tiết kiệm được 5.000đồng/lít dịch lọc. Vì vậy, mỗi năm ngành Y tế có thể tiết kiệm khoảng 700 tỷ đồng cho việc nhập dịch lọc. Quan trọng hơn là với việc triển khai thành công đề tài sẽ đưa nền y học Việt Nam tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo và triển khai thử nghiệm thiết bị tự động pha dịch lọc công suất lớn có thể cung cấp trực tiếp đồng thời cho nhiều hệ thống chạy thận nhân tạo với nhiều chế độ pha khác nhau, phù hợp với nhiều hệ thống chạy thận đang sử dụng tại các cơ sở y tế của Việt Nam hiện nay.
Đề tài “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm synbiotic từ vi khuẩn sinh bào tử và cám gạo” do nhóm nghiên cứu trẻ thuộc Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN việt Nam thực hiện cũng được đánh giá cao vì đã mở ra triển vọng cho việc sử dụng cám gạo và nguồn phụ thải trong nông nghiệp phong phú trong nước để tạo ra chế phẩm giúp tăng cường khả năng miễn dịch, cải thiện hệ tiêu hóa cho những người bị bệnh đường ruột. Hiện tại, đề tài đang có kế hoạch xây dựng quy trình ổn định ở quy mô phòng thí nghiệm cho phép sản phẩm đáp ứng các yêu cầu công nghệ và chất lượng sản phẩm.
Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh thành công của một số đề tài tiềm năng, tại Hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến nhằm nâng cao chất lượng của Đề án. Theo các đại biểu, để các đề tài tiềm năng đạt hiệu quả, cần có tiêu chí đánh giá kết quả một cách cụ thể, chi tiết; Cần đổi mới hơn nữa cơ chế quản lý các đề tài của nhà khoa học trẻ, đặc biệt là cơ chế tài chính để cán bộ trẻ có nhiều thời gian hơn nữa cho công tác chuyên môn.
Ngoài ra, kinh phí cũng là vấn đề khiến các đơn vị thực hiện “đau đầu” khi bình quân mỗi đề tài được nhận kinh phí 770 triệu đồng, nhưng quá nửa là dành để mua nguyên vật liệu phục vụ nghiên cứu. Một vấn đề đặt ra nữa là trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu còn thiếu thốn và kinh nghiệm tổ chức thực hiện đề tài của chủ nhiệm đề tài còn ít, đa số phần lớn các phòng thí nghiệm chưa đáp ứng được với yêu cầu của công tác nghiên cứu nên đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đề tài.
Theo ông Nguyễn Thiện Thành, để khắc phục tình trạng trên, trong vài năm trở lại đây, Bộ KH-CN đã chú trọng đến việc khuyến khích các cán bộ khoa học trẻ thực hiện ý tưởng mới thông qua chương trình ươm tạo công nghệ dành cho các trường đại học. Tuy nhiên, số lượng cán bộ khoa học tham gia vào chương trình này vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân trên cũng một phân là do phần đông các nhà khoa học trẻ vì nhiều lý do khác nhau chưa được tiếp cận với các nhiệm vụ KH-CN, hoặc kinh phí dành cho các nhiệm vụ cấp Bộ, cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, vì vậy cho dù nhiều cán bộ trẻ có nhiệt huyết với công tác nghiên cứu khoa học chưa có điều kiện để tham gia.
Đặc biệt, trong các Viện nghiên cứu, thực trạng đội ngũ cán bộ nghiên cứu trẻ cũng không khác nhiều với bức tranh chung của các trường đại học. Số lượng các nhà khoa học trẻ đầu ngành đã đến tuổi vể hưu ngày càng nhiều. Trong khi đo lực lượng trẻ có nhiệt huyết nhưng vẫn còn thiếu kinh nghiệm và năng lực nghiên cứu, vì thế mà số Viện nghiên cứu mạnh đủ năng lực để đảm đương nhiệm vụ đặt ra ngày càng ít.
Không ít cán bộ trẻ tại các trường dại học, Viện nghiên cứu cho biết, toàn bộ việc chuẩn bị cho việc triển khai đề án chỉ được thực hiện trong vòng 3 tháng. Đây là khoảng thời gian quá ngắn cho việc xây dựng một đề án từ khâu chuẩn bị cơ sở pháp lý, xây dựng nội dung và lộ trình thực hiện. Bên cạnh đó, cơ chế tài chính còn nhiều bất cập như việc cấp kinh phí còn chậm không theo được đúng với kế hoạch ban đầu. Bởi theo đề cương thực hiện, các đề tài tiềm năng sẽ đưa vào thực hiện ngay từ tháng 7/2011 và Đề án sẽ được đánh giá vào tháng 12/2012 để có thể kịp thời có phương án cho việc xây dựng kế hoạch vào năm 2014.
Tuy nhiên do rất nhiều nguyên nhân khác nhau nên đến tận tháng 1/2012 việc phân bổ kinh phí mới được thực hiện. vì vậy mà việc tổng kết đề án bị chậm lại cho đến thời điểm này. Ngoài ra việc phân bổ kinh phí chậm làm đảo lộn lộ trình thực hiện của một số đề tài dự án thậm chí đã gây ra tâm lý dao động cho các chủ nhiệm đề tài.
Vì vậy hầu hết các đại biểu để đề xuất, cần xây dựng một chương trình (trong 5 năm đến 10 năm) nhằm hỗ trợ phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ, tiềm năng từ các trường đại học, viện nghiên cứu làm hạt nhân để hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, hướng tới hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Và theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, mặc dù được triển khai với nhiều khó khăn nhưng cho đến nay có thể khẳng định Đề án thí điểm xây dựng nhiệm vụ KH-CN tiềm năng đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Kết quả mà các nhà khoa học trẻ đạt được trong thời gian vừa qua thực sự đóng góp quan trọng trong việc hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh và sau này trở thành những tập thể khoa học mạnh của các trường trọng điểm trong cả nước.