Tại Hội nghị cán bộ chủ chốt của Bộ KH&CN diễn ra mới đây, Thứ trưởng Lê Đình Tiến cho biết: năm 2013, hàng loạt chính sách đổi mới hoạt động KH&CN được áp dụng vào hoạt động nghiên cứu; hàng trăm quy trình công nghệ, máy móc hiện đại, giải pháp kỹ thuật mang tính thực tiễn cao được áp dụng góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội.
Tạo hành lang pháp lý cho KH&CN
Nổi bật nhất trong năm 2013 đó là Luật KH&CN sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2013, có hiệu lực vào ngày 01/1/2014 và hoàn thành trình Chính phủ đúng tiến độ 5 dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật KH&CN (Nghị định quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN, Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN, Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Qũy phát triển KH&CN Quốc gia). Tính đến ngày 25/12/2013 đã có 42 văn bản trong lĩnh vực KH&CN đã được ban hành.
Cũng trong năm 2013, Bộ KH&CN đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện cơ bản hành lang pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của 3 chương trình quốc gia như Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020.
Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đang nỗ lực làm việc với Bộ Tài chính để thống nhất ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về định mức tiền lương, tiền công, tiền chi hoạt động bộ máy trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức KH&CN công lập; Thông tư liên tịch hướng dẫn sử dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật để xác định các yếu tố đầu vào cấu thành dự toán nhiệm vụ KH&CN.
Đến nay, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã phê duyệt các đề án khung của 3 sản phẩm quốc gia “Vắc – xin phòng bệnh cho vật nuôi”, “Thiết bị nâng hạ có sức nâng lớn” và “An ninh mạng”; Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và xem xét hai đề án khung đối với “Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao” và ‘Sản phẩm nấm ăn và nấm dược”; phối hợp với Bộ Công thương khảo sát, xây dựng dự thảo đề án khung đối “Giàn khoan khí dầu khí di động”; phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và xem xét 7 dự án KH&CN đối với sản phẩm quốc gia “Vắc - xin phòng bệnh cho người”. Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng đã phê duyệt 6 dự án thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; 8 nhiệm vụ thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia,…
Nói về những thành tựu đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, tuy còn một số tồn tại vướng mắc trong hoạt động KH&CN của Bộ nhưng cơ bản các nhiệm vụ KH&CN giao cho Bộ triển khai trong năm 2013 đã hoàn thành. Đặc biệt, trong thời gian tới nhiều văn bản về KH&CN sẽ có hiệu lực, đó sẽ là bước tạo đà cho KH&CN phát triển mạnh mẽ hơn. Hiện nay, Bộ KH&CN đang phối hợp với nhiều ban ngành trình Chính phủ ban hành 5 Nghị định, 28 dự thảo Thông tư để hướng dẫn Luật KH&CN để Luật sớm đi vào thực tiễn.
Tiếp tục đưa KH&CN vào cuộc sống
Thứ trưởng Lê Đình Tiến cũng cho biết, xác định lĩnh vực công nghiệp là lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế, trong thời gian qua KH&CN trong lĩnh vực này đã được quan tâm nhất định. Năm qua, việc chế tạo thành công giàn khoan dầu khí tự nâng 90m nước đã được thực hiện hóa bằng việc chế tạo giàn khoan 90m nước đầu tiên tại Việt Nam (Giàn khoan Tam Đảo 3) hoàn thành vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch ban đầu, đảm bảo chất lượng và được đăng kiểm quốc tế công nhận; Sản phẩm “Chế tạo thiết bị gia công lạnh phục vụ công nghệ xử lý theo sau khi tôi” được sử dụng để thay thế hàng nhập ngoại tại Bộ Quốc Phòng; Đã nghiên cứu và chế tạo được thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời với công suất hệ thống từ 100 – 200 lít/ngày đêm áp dụng hiệu quả cấp nước sinh hoạt cho dân sinh và quốc phòng trên các hải đảo...
Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp dành được sự quan tâm đặc biệt không chỉ trong năm qua mà nhiều năm trở lại đây. Trong năm 2013, lĩnh vực này đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Đã hoàn thiện được 8 quy trình kỹ thuật nhân giống lúa và các cây lương thực, thực phẩm; Áp dụng nhiều quy trình và tiến bộ kỹ thuật và giống gia súc vào sản xuất; Tiến hành công bố kết quả dự án “Giải mã genome một số giống lúa bản địa Việt Nam”. Cơ sở dữ liệu của 36 giống lúa đã giải mã là nguồn dữ liệu vô cùng quý giá để tầm soát các gen chức năng.
Sau hơn 10 năm triển khai hoạt động KH&CN về quỹ gen, công tác điều tra, thu thập và nhập nội nguồn gen thực vật và sinh vật đã được các cơ quan trong hệ thống bảo tồn quỹ gen quốc gia tiến hành trong cả nước với 9.000 gen nguồn gen cây trồng nông nghiệp; 60 loài cây lâm nghiệp; gần 500 loài cây dược liệu; 55 giống vật nuôi; 75 giống thủy sản và 2.800 chủng vi sinh vật,…Hệ thống mạng lưới quỹ gen quốc gia đã được hình thành và củng cố trên cơ sở 17 cơ quan đầu mối và hơn 70 tổ chức tham gia, phối hợp thực hiện thuộc 7 bộ, ngành trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Năm 2013 cũng ghi nhận thành tựu đáng tự hào của ngành KH&CN khi ứng dụng KH&CN vào hoàn thành công trình đã sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn tại công trình thủy điện Sơn La, đây là công trình thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á (2.400 MW), đập bê tông đầm lăn lớn nhất Đông Nam Á (trên 3 triệu m3) thời gian thi công ngắn nhất, số lượng công nhân ít nhất so với công trình có công suất tương đương; công nghệ sàn rỗng BubbleDeck để công xưởng hóa quá trình thi công sàn, nhưng giữ nguyên ưu điểm của sàn khối, giảm đến 50% trọng lượng bản thân công trình, giảm lượng tiêu thụ bê tông, giảm lao động, sử dụng bóng sàn rỗng làm từ nhựa thải tái chế.
Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, Bộ KH&CN đã phối hợp với các ban ngành có liên quan phê duyệt 278 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi được triển khai ở 60 tỉnh thành phố. Các dự án này đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực trên địa bàn thực hiện dự án, tạo thêm nhiều sản phẩm mới, việc làm mới, góp phần giải quyết lao động nông thôn, từng bước hình thành thị trường công nghệ, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN vào cuộc sống.
Bài, ảnh: Hoàng Anh