Nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản đã công bố kế hoạch xây dựng đường hầm dưới biển để thải hơn một triệu tấn nước nhiễm xạ đã qua xử lý ra đại dương.
Theo RT, đường hầm dài 1 km và rộng hơn 2,4 m này sẽ chạy từ các bể chứa nước tại nhà máy hạt nhân ra Thái Bình Dương. Công trình sẽ giúp Nhật Bản thải khoảng 1,27 triệu tấn nước nhiễm xạ đã qua xử lý ra biển, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng.
Nhật Bản khẳng định lượng nước sẽ được thải ra sau 2 năm nữa đã được xử lý triệt để để loại bỏ phóng xạ và hoàn toàn an toàn. Số nước này bao gồm lượng nước được dùng để làm mát các thanh niên liệu hạt nhân sau khi hệ thống làm lạnh bị trận sóng thần năm 2011 phá hủy, cũng như nước mưa và nước ngầm ngấm vào sau đó.
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) dự kiến bắt đầu xây dựng đường hầm vào tháng 3.2022 trong khi chờ đánh giá tính khả thi và các cơ quan liên quan ở Nhật Bản cho phép.
Quyết định xả thải xuống biển của Nhật Bản đã vấp phải sự phản đối của các quốc gia láng giềng và cộng đồng ngư dân. Họ lo ngại động thái này sẽ làm giảm niềm tin vào hải sản đánh bắt ở các vùng biển xung quanh.
TEPCO đã bác bỏ những lo ngại và cho rằng đường hầm này sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ nước đã qua xử lý chảy ngược trở lại bờ biển. TEPCO cũng tuyên bố chỉ tiến hành xả thải nếu công trình vượt qua được bài kiểm tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Trước đó, IAEA đã ủng hộ kế hoạch này.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng gọi kế hoạch xả thải là "nhiệm vụ không thể tránh khỏi" trong quá trình khắc phục hậu quả của trận sóng thần.
Thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011 khiến gần 20.000 người thiệt mạng dọc bờ biển của Nhật Bản và gây ra sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Đây là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sự cố Chernobyl năm 1986.