Một công nhân bên cạnh vết nứt ở hố bảo trì, dẫn tới việc rò rỉ phóng xạ (Nguồn: Reutes)
Theo thông cáo báo chí của NISA (Cơ quan An toàn công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản), khoảng 9:30 giờ Nhật Bản ngày 2/4, nhân viên TEPCO đã phát hiện một khe nứt rộng 20cm trong hầm chứa dây điện bên dưới lò phản ứng của Tổ máy số 2 mà từ đó nước nhiễm phóng xạ cao đã rò rỉ ra biển.
Báo cáo của Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I cho biết, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) chuẩn bị phun bê tông vào khe nứt để chặn rò rỉ. Tuy nhiên nỗ lực đổ bêtông lấp vết nứt đã thất bại. Hiện hãng này đang phải bơm chất hỗn hợp cao phân tử có tính hút nước và độ nở lớn ở phía trên hầm nhằm chặn nguồn nước nhiễm xạ. Độ phóng xạ đo được của nước trong hầm lên tới 1.000 mSv/h.
TEPCO sẽ được chính quyền thành phố Shizuoka hỗ trợ một bể chứa nổi bằng thép khổng lồ dài 136 m, rộng 46 m, dung tích chứa 18.000 tấn nước, để chứa nước nhiễm xạ từ nhà máy.
Khói trắng tiếp tục thoát ra từ tòa nhà lò của các tổ máy số 1, 2, 3 và 4. Nước ngọt tiếp tục được phun làm mát vào vùng hoạt lò phản ứng của các tổ máy số 1, 2, 3 và vào bể chứa nhiên liệu đã cháy của các tổ máy 1, 2, 3 và 4.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Edano cho biết, cần thêm vài tháng để ngăn rò rỉ phóng xạ. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản đang nghiên cứu các phương án khác để rút ngắn thời gian này.
Kết quả đo suất liều tại 45 tỉnh tại Nhật Bản cho thấy không có thay đổi so với ngày hôm trước và tương đương phông môi trường tự nhiên.
Theo NISA, trong số 21 nhân viên bị chiếu xạ ở mức liều trên 100 mSv (tính đến ngày 1/4), không có ai nhận quá 250 mSv, là mức giới hạn liều đối với nhân viên tham gia ứng phó sự cố.
Ngày 3/4, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano cho biết việc kiểm tra tuyến giáp cho 900 trẻ sơ sinh tại tỉnh Fukushima cho thấy không có kết quả nào vượt quá giới hạn an toàn cho phép.
Về phóng xạ trong thực phẩm, sữa và nước uống, Bộ Nông – Lâm – Ngư Nhật Bản đã thông báo với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) rằng: do điều kiện thời tiết mùa đông nên tuyệt đại đa số gia súc, gia cầm được nuôi giữ trong chuồng trại kín đáo, ăn cỏ, lá và các loại hạt khô dự trữ. Vì vậy, chúng không bị ảnh hưởng bởi phóng xạ rò rỉ từ nhà máy Fukushima I.
Số liệu hạt nhân phóng xạ môi trường từ Trung tâm dữ liệu quốc gia của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam
Nhiều trạm trắc của CTBTO vẫn tiếp tục phát hiện hạt nhân phóng xạ từ phản ứng kích hoạt và hạt nhân phóng xạ từ phản ứng phân hạch.
Nồng độ hạt nhân phóng xạ ghi nhận được cao nhất tại trạm JPP38 đặt gần nhà máy Fukushima I, tiếp đến là các trạm do Hoa Kỳ quản lý trên biển Thái Bình Dương. Các trạm quan trắc tại Châu Âu và Châu Á cũng phát hiện được hạt nhân phóng xạ, nhưng nồng độ thấp hơn mức cho phép hàng chục nghìn lần.
Tại Việt Nam chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 3/4/2011 so với ngày 2/4/2011.
Hà Giang (Tổng hợp)