Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã tổ chức Khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ đất hiếm tại Hà Nội.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng tài nguyên đất hiếm rất lớn nhưng chưa có mỏ đất hiếm nào được đưa vào khai thác và sản xuất. Với sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ đất hiếm sẽ giúp Việt Nam thực hiện nghiên cứu chế biến quặng đất hiếm, ứng dụng đất hiếm vào ngành công nghệ cao, và chuyển giao công nghệ đất hiếm nhằm xây dựng nền công nghiệp đất hiếm bền vững, có hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường và phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương có mỏ quặng.
Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ đất hiếm được thành lập trên cơ sở Bản thỏa thuận giữa chính phủ Nhật Bản và chính phủ Việt Nam về hợp tác phát triển ngành công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam được ký vào tháng 10/2011. Trung tâm được thành lập với những nhiệm vụ chính như: hỗ trợ công tác thăm dò tài nguyên đất hiếm; nghiên cứu và phát triển công nghệ về lĩnh vực tuyển khoáng; nghiên cứu và phát triển công nghệ thủy luyện tinh quặng, phân chia, tinh chế đất hiếm đạt độ sạch cao, chế tạo kim loại và hợp kim đất hiếm; quản lý và xử lý chất thải phóng xạ sinh ra từ quá trình chế biến quặng đất hiếm…
.jpg)
Kiểm tra vận hành của lò nung quặng phân huỷ (AT).
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đánh giá: Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ đất hiếm sẽ trở thành đơn vị đi đầu trong nghiên cứu chế biến quặng đất hiếm ở Việt Nam, góp phần xây dựng ngành công nghiệp của nước ta hiện đại, có hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường và tạo nguồn thu phát triển kinh tế - xã hội các địa phương có mỏ quặng.
Dự kiến Trung tâm sẽ thực hiện thử nghiệm, chuyển giao công nghệ từ nay đến năm 2014 để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy chế biến quặng đất hiếm đầu tiên tại tỉnh Lai Châu.
Hải Ngọc