Dự kiến, Nhà máy Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận I sẽ được khởi công vào tháng 12-2014, vận hành thương mại tổ máy số 1 vào năm 2020. Thời gian này không còn bao xa, việc đầu tư đào tạo nhân lực để bảo đảm hoạt động an toàn cho hệ thống này đặt ra gấp rút hơn bao giờ hết.
Thiếu chuyên gia giỏi
Không giống các ngành công nghiệp khác, ĐHN liên quan đến an toàn phóng xạ nên những người tham gia lĩnh vực này phải được đào tạo bài bản. Nhiều sự cố của các nhà máy ĐHN trên thế giới bắt nguồn từ sự bất cẩn của người vận hành, chứ không phải do thiết kế, kỹ thuật... "Nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam do Nga xây dựng theo diện "chìa khóa trao tay", tức là nước bạn xây dựng hoàn chỉnh, ta tiếp quản. Vì thế, khó khăn trước mắt của ta là nhân lực vận hành và hệ thống quy phạm pháp luật điều chỉnh" - PGS-TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử (NLNT) Việt Nam cho biết.
Mặc dù hiện nay, Việt Nam đã hình thành được đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ sư về NLNT đang làm việc tại nhiều cơ sở nghiên cứu, cơ quan quản lý, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số trường ĐH. Song, theo như TS Trần Đại Phúc (Tổ tư vấn hạt nhân Việt Nam - Pháp), đến nay Việt Nam mới chỉ có một số người học tập, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học về hạt nhân, còn những người làm về công nghệ hạt nhân như xử lý sự cố thì nước ta chưa có. Hiện Việt Nam mới có được khoảng 300-500 chuyên gia, nhưng chủ yếu là trong lĩnh vực vật lí hạt nhân chứ không phải công nghệ hạt nhân.
TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục NLNT (Bộ KHCN) cho biết, nhân lực cho dự án ĐHN chỉ tính riêng những người phục vụ việc vận hành nhà máy ĐHN sau này sẽ cần khoảng 2.000 cán bộ kỹ thuật cho hai nhà máy Ninh Thuận I và Ninh Thuận II. Mỗi nhà máy có hai lò phản ứng. So với nhu cầu, Việt Nam rất thiếu nhân lực cho quản lý, giám sát và xây dựng các nhà máy, nhân lực cho thực hiện các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) và hỗ trợ kỹ thuật, nhân lực cho vận hành và bảo trì nhà máy ĐHN... Đặc biệt, Việt Nam rất thiếu chuyên gia công nghệ và vận hành trình độ cao, đủ tầm xử lý sự cố xảy ra trong khi vận hành, thiếu những kỹ sư đặc thù cho ngành ĐHN như: chuyên viên di chuyển nhiên liệu, bảo vệ phóng xạ...
Tiếp cận mọi kênh để đào tạo nhân lực
TS Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm, để bảo đảm kịp thời nguồn nhân lực chất lượng cho các cơ quan liên quan, Việt Nam sẽ có các chính sách khuyến khích đặc biệt đối với sinh viên, cán bộ, và chuyên gia trong lĩnh vực ĐHN. Đồng thời, Việt Nam cũng đang khẩn trương đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với Cơ quan NLNT quốc tế (IAEA), các nước có nền công nghệ hạt nhân tiên tiến, đặc biệt là các nước sẽ xây dựng nhà máy ĐHN cho Việt Nam.
TS Trần Đại Phúc kiến nghị: "Những bước xây dựng, vận hành đầu tiên có thể nhờ sự hỗ trợ của quốc tế, nhưng chúng ta cần tự đào tạo để từng bước làm chủ công nghệ vận hành nhà máy ĐHN một cách an toàn". Được biết, các đơn vị như Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện NLNT Việt Nam đã và đang tìm mọi kênh để đào tạo cán bộ cho cơ quan pháp quy như cử một số cán bộ sang Mỹ và Nga để học hỏi, trao đổi để sớm phục vụ việc thẩm định việc xây dựng nhà máy ĐHN.
Bên cạnh đó, Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT" cũng đã được thông qua và EVN sẽ cùng với Bộ GD-ĐT thực hiện. Hiện những học viên đầu tiên được cử đi đào tạo kỹ sư ĐHN theo chương trình hợp tác đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực NLNT của Việt Nam, giữa Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) đã đến ĐH Tổng hợp nghiên cứu hạt nhân quốc gia Nga (MEPHI)... Đặc biệt mới đây, một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực đã được ký kết giữa Bộ GD - ĐT và EVN nhằm mục tiêu hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực ĐHN chuẩn bị cho chương trình phát triển ĐHN quốc gia đến năm 2020 nói chung và cho nhà máy ĐHN Ninh Thuận nói riêng. Hàng năm Bộ GD - ĐT phối hợp với EVN và các đơn vị liên quan tuyển sinh cán bộ, sinh viên đi đào tạo kỹ sư, thạc sỹ các chuyên ngành ĐHN tại MEPHI. Trong đó, kinh phí đào tạo do Rosatom tài trợ 50%, EVN đài thọ 50%. EVN cũng sẽ cấp bổ sung tiền sinh hoạt phí 200 USD/người/tháng cho cán bộ, sinh viên có cam kết làm việc lâu dài cho EVN. Trường ĐH Điện lực thuộc EVN cũng là một trong sáu cơ sở đào tạo được Chính phủ cho phép đào tạo chuyên ngành ĐHN và đây cũng là đơn vị sẽ tham gia các dự án, chương trình hợp tác và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ĐHN với MEPHI.
Sự cố ĐHN tại Nhà máy ĐHN Fukushima số 1 tại Nhật Bản gần đây cho thấy, công nghệ hiện đại chỉ là yếu tố cần nhưng chưa đủ trong kế hoạch phát triển ĐHN. Do đó, việc có được đội ngũ nhân lực ĐHN chất lượng cao sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong lộ trình xây dựng các nhà máy ĐHN thời gian tới.
Minh Châu