Chia sẻ với phóng viên báo ĐBND về công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, CỤC TRƯỞNG CỤC AN TOÀN BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN VƯƠNG HỮU TẤN cho biết, để có thể thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao học tập, nghiên cứu trong lĩnh vực nguyên tử, điện hạt nhân, nhà nước cần có chính sách đột phá về lương cũng như xây dựng môi trường làm việc tốt. Nếu có chính sách ưu đãi xứng đáng, Việt Nam có thể thu hút được nhiều Việt kiều đang làm việc, nghiên cứu tại các trung tâm, các viện nguyên tử điện hạt nhân hàng đầu thế giới trở về góp sức cho quê hương.
- Thưa Cục trưởng, Cục trưởng đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực điện hạt nhân của nước ta hiện nay?
- Nhìn chung, nguồn nhân lực điện hạt nhân của Việt Nam hiện đang rất thiếu, kể cả số lượng và năng lực, trình độ để có thể phục vụ cho nhu cầu phát triển. Nguồn nhân lực hiện đang là một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân đầu tiên tại nước ta. Ngay sau khi QH phê duyệt chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, nhận thức tầm quan trọng của công tác phát triển nguồn nhân lực, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1558/QĐ-TTg ngày 18.8.2010 ban hành Đề án phát triển nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Đề án xác định rất rõ nhu cầu nhân lực cho các tổ chức, các cơ quan có liên quan trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân như chủ đầu tư, cụ thể là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN); các cơ quan quản lý như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương; các cơ quan nghiên cứu phát triển và các cơ sở đào tạo. Đề án cũng đã giao nhiệm vụ cho 7 cơ sở có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân cho đất nước là ĐH Điện lực, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, ĐH Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, ĐH Đà Lạt, ĐH Đà Nẵng và Trung tâm Đào tạo hạt nhân của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Nguồn kinh phí dành cho việc thực hiện Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là 3.000 tỷ đồìng, trong đó Chính phủ chi 2.000 tỷ đồìng, 1.000 tỷ đồìng còn lại do chủ đầu tư là EVN chi.
Trên cơ sở Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từng bộ, ngành cũng như chủ đầu tư đều đã xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực theo nhiệm vụ được giao trong chương trình phát triển điện hạt nhân. Bộ GD – ĐT cũng đã có kế hoạch đào tạo nhân lực như gửi cán bộ, nghiên cứu sinh ra nước ngoài tham quan, học tập mô hình đào tạo của quốc tế. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã gửi cán bộ sang các nước đối tác phát triển điện hạt nhân là Nga, Nhật Bản và các quốc gia khác để học tập về chuyên ngành, chuyên môn quản lý, pháp quy, nghiên cứu phát triển, thẩm định an toàn, thanh tra an toàn…
- Trong mùa tuyển sinh vừa qua, số lượng thí sinh đăng ký vào các trường điểm được Chính phủ giao đào tạo nhân lực điện hạt nhân đều rất thấp với điểm đầu vào không cao (từ 15 - 17 điểm). Theo Cục trưởng vì sao các thí sinh chưa mặn mà với chuyên ngành năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân?
- Theo tôi, việc các bạn trẻ chưa mặn mà với chuyên ngành điện hạt nhân là do công tác truyền thông và việc công khai chính sách đãi ngộ làm chưa được tốt. Ngoài ra, có lẽ các chế độ đãi ngộ cũng chưa đủ mạnh để tạo sức hút cho người học và người làm trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Nhà nước đã ban hành luật, cũng như nghị định hướng dẫn thi hành, trong đó đã có chính sách ưu đãi cho chuyên gia trình độ cao, chính sách ưu đãi thu hút người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, chính sách với người học và chính sách ưu tiên tuyển dụng cán bộ vào làm việc trong các cơ quan của nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, cho đến nay các văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể vẫn chưa được triển khai. Thực tế, nếu được ưu đãi cho người làm trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử như quy định của luật thì lương cũng chỉ tăng thêm 1,7 lần so với hiện nay. Mức ưu đãi này cũng chưa tạo được sức hấp dẫn đối với thế hệ trẻ. Người học chưa được miễn học phí, người làm việc thì chế độ lương bổng còn quá thấp so với một lĩnh vực đặc thù nhiều áp lực và rủi ro.
Việc chậm trễ công khai chính sách ưu đãi thời gian qua đã hạn chế rất nhiều số lượng các bạn trẻ theo học ngành điện hạt nhân cũng như chưa thu hút được những người giỏi tốt nghiệp các trường đại học trong và ngoài nước vào làm việc và nghiên cứu chuyên ngành này. Điểm sáng trong công tác đào tạo vừa qua đến từ trường Đại học Đà Lạt. Trường đã đi trước trong việc ban hành chính sách ưu đãi cho người học trong lĩnh vực hạt nhân như miễn học phí, cung cấp chỗ ở miễn phí cho học sinh theo học ngành hạt nhân. Vì vậy khóa tuyển sinh năm 2011 - 2012 của Trường đã tuyển được 30 học sinh trong đó có những học sinh đạt 23 - 24 điểm. Nếu các trường đại học khác cũng có được các chính sách ưu đãi như vậy thì có thể số học sinh theo học ngành hạt nhân cũng như điểm trúng tuyển sẽ cao hơn.
- Theo Cục trưởng, để thu hút nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử, điện hạt nhân, các chính sách đãi ngộ cần xây dựng theo hướng như thế nào?
- Chính sách hiện hành quy định người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng tại các cơ sở của Nhà nước được hưởng phụ cấp ưu đãi 70% mức lương hiện hưởng. Thực tế, mức hỗ trợ này còn quá thấp và chưa đủ lực để thu hút người tài. Vì thế, để có thể thu hút và chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng cho lĩnh vực này, điểm mấu chốt là cần phải nâng các chế độ đãi ngộ một cách thích đáng. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cũng đã khẳng định rằng, cần phải có sự đột phá trong các chế độ ưu đãi, chẳng hạn với mức lương 1.000 USD/tháng hiện nay thì chắc chắn sẽ thu hút được người tài vào làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và nhà máy điện hạt nhân. Khi đó, cán bộ mới có thể yên tâm để làm việc nghiên cứu cũng như quản lý trong ngành năng lượng ngyên tử. Còn nếu mức lương vẫn cứ đều đều 3 - 5 triệu đồìng/tháng thì rất khó có thể thu hút được người tài.
Bên cạnh ưu đãi về lương, cũng cần phải tạo dựng một môi trường làm việc tốt để cán bộ có thể phát huy được năng lực của mình. Môi trường làm việc bao gồm cả môi trường về vật chất tức là trang thiết bị, phương tiện làm việc và môi trường về tinh thần, ở đó cán bộ được tự do sáng tạo, được tôn trọng, được giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm với các đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Cùng với đó, công tác truyền thông về năng lượng nguyên tử, điện hạt nhân cũng cần phải được đẩy mạnh để tạo sự đồng thuận sâu rộng trong cộng đồng xã hội về chủ trương phát triển điện hạt nhân và việc tuyên truyền về các chính sách ưu đãi cho cán bộ học và làm việc trong ngành năng lượng nguyên tử cũng phải được đẩy mạnh hơn nữa.
- Hiện đang có rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu chuyên ngành năng lượng nguyên tử, điện hạt nhân là Việt kiều đang làm việc và nghiên cứu ở nước ngoài. Theo Cục trưởng cần có chính sách gì để thu hút nguồn nhân lực quý giá này trở về góp sức cho điện hạt nhân nước nhà?
- Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, để phát triển ngành điện hạt nhân, nước này đã ban hành chính sách trả lương cho các Hàn kiều không thua kém gì lương họ được hưởng ở các quốc gia họ đang làm việc cùng các điều kiện, môi trường làm việc tốt nhất. Và thực tế, Hàn Quốc đã rất thành công trong việc thu hút nhân lực từ các trung tâm nguyên tử lớn của thế giới về cống hiến cho đất nước. Đây chính là động lực để Hàn Quốc nhanh chóng làm chủ và phát triển công nghệ điện hạt nhân và hiện nước này đã trở thành quốc gia xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân. Chúng ta có thể xem xét để học tập kinh nghiệm này, xây dựng các chính sách thu hút Việt kiều trở về góp sức xây dựng ngành điện hạt nhân của đất nước.
Tuy nhiên, việc bảo đảm thu nhập và điều kiện làm việc cho các nhà khoa học là Việt kiều hoặc các nhà khoa học nước ngoài đến giúp chúng ta phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân tại Việt Nam trong điều kiện còn nghèo là một bài toán không hề dễ dàng. Vì vậy, bên cạnh ngân sách nhà nước, chúng ta cũng đã tận dụng sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và các nước như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA), Ủy ban châu Âu (EC) và các nước để có thể có được nhiều hơn sự tham gia của Việt kiều và người nước ngoài trong các dự án điện hạt nhân hiện nay.
Về phía Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, chúng tôi dự kiến trong đầu năm 2013 sẽ tổ chức Hội nghị các nhà khoa điện hạt nhân Việt Nam ở nước ngoài để có thể tư vấn và có các hỗ trợ, đóng góp cho quá trình xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta.
- Xin cám ơn Cục trưởng!