“Hiện nay, chính sách thu hút nhân lực cao cho ngành KH-CN chưa đủ hấp dẫn để giữ chân người tài. Đây là tình trạng chung trong vấn đề sử dụng nhân lực tại các Viện, trường, cơ quan nghiên cứu trong cả nước”.
PGS.TS Lê Quân, trưởng ban tổ chức Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến “Đào tạo, sử dụng nhân lực, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài về KH-CN” do Báo Đất Việt phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH-CN (Bộ KH-CN) tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Buổi giao lưu được thực hiện nhằm mục đích cung cấp thêm thông tin về việc phát triển nguồn nhân lực cho KH-CN trước khi Luật KH-CN được “ấn nút” thông qua tại kì họp thứ 4 Quốc hội khóa VIII.
Các khách mời tham dự gồm có: Ông Đỗ Việt Trung, Vụ tổ chức cán bộ, Bộ KH-CN; PGS, TS. Trần Xuân Hồng, Viện trưởng Viện ứng dụng công nghệ, Bộ KH-CN; PGS, TS. Lê Quân, trưởng ban tổ chức cán bộ -ĐHQG Hà Nội; TS. Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty Vacxin và Sinh phẩm số 1.
Trọng dụng nhà khoa học bằng cách nào?
Trả lời các câu hỏi của độc giả liên quan đến việc trọng dụng nhân lực KH-CN, TS. Đỗ Tuấn Đạt, giám đốc Công ty Vacxin và Sinh phẩm số 1 cho rằng phải luôn xác định doanh nghiệp là một trong nhũng cơ sở để đào tạo. Do các hoạt động trong doanh nghiệp đều mang tính chất chuyên môn đặc thù nên những cán bộ khi vào làm trong doanh nghiệp đều cần phải có đào tạo chuyên biệt. Sau khi được đào tạo sẽ được đãi ngộ cũng như có hướng để qui hoạch đến những vị trí chủ chốt của doanh nghiệp.
“Đối với những cán bộ khoa học có nhiều kinh nghiệm, sau khi nghỉ hưu, các doanh nghiệp nên giữ lại làm cố vấn để tận dụng các nguồn chất xám và kinh nghiệm cho công tác nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên hiện việc đặt hàng từ nhà nước hay doanh nghiệp còn rất hạn chế”, TS Đỗ Tuấn Đạt chia sẻ.
Về cơ chế đãi ngộ, PGS.TS Lê Quân, Trưởng ban tổ chức cán bộ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chỉ ra một thực trạng đáng báo động đó là việc hiện có rất nhiều các nhà khoa học trẻ Việt Nam đang nghiên cứu, học tập tại nước ngoài không muốn về nước do thiếu điều kiện, cơ chế để làm việc trong khi thu nhập lại quá thấp. Về thu nhập, theo các chế độ hiện hành, nhà khoa học trẻ thường có thu nhập rất thấp. Cụ thể, 5 năm đầu sau khi về nước tiền lương thấp (khởi đầu thang bảng lương nhà nước), lại ít có cơ hội có các đề án/đề tài/ dự án để tăng thêm thu nhập. Thêm vào đó cộng với cách quản lý còn nặng tính hành chính, bao cấp như hiện nay càng khó thu hút được nhà khoa học... đã gây tổn thất không nhỏ cho hoạt động KH-CN nước nhà.
Ngoài những lí do PGS.TS Lê Quân nêu ra ở trên, TS. Trần Xuân Hồng- Viện ứng dụng công nghệ- Bộ KH&CN cũng chỉ ra thêm nguyên nhân khó thu hút lực lượng trẻ là do đầu tư cơ sở vật chất cho ngành KH-CN còn thấp vì thế không phát triển được tính sáng tạo của họ.
Bên cạnh đó, thủ tục bố trí ngân sách cho các nhiệm vụ nghiên cứu còn quá nhiều bất cập như: kinh phí không đủ để giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu lớn, thủ tục phức tạp, tiến trình cấp phát cứng nhắc. Trong khi đó hoạt động nghiên cứu ứng dụng lại thường phát sinh do yêu cầu thực tế và có những nhiệm vụ cấp thiết cũng khó có thể bố trí được kinh phí ngay khi cần. Có thể hình dung cách quản lý cấp phát kinh phí cho hoạt động nghiên cứu hiện tại giống như quản lý kinh phí phục vụ cho xây dựng cơ bản, TS. Trần Xuân Hồng chia sẻ.
Nhưng TS. Hồng cũng cho biết đối với vấn đề này, Bộ KH-CN đã có xây dựng chủ trương chính sách đãi ngộ tôn vinh các nhà khoa học và đầu tư phát triển các viện nghiên cứu. Đây là việc làm cần thiết nhưng đòi hỏi thời gian và sự đồng thuận của các cấp bằng các chính sách đầu tư cho KH-CN.
Những kì vọng ở Luật KH-CN sửa đổi
Sau 12 năm thực hiện, Luật KH-CN đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về KH-CN trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy Dự thảo Luật KH-CN sửa đổi sẽ tập trung giải quyết 3 vấn đề lớn gồm: Phương thức đầu tư; Cơ chế tài chính và cơ chế đãi ngộ trọng dụng nhân tài. Trong đó, cơ chế đãi ngộ trọng dụng nhân tài là một trong những vấn đề quan trọng mà Luật KH-CN sửa đổi sẽ tập trung giải quyết.
Kỳ vọng vào việc sửa đổi này, TS Trần Xuân Hồng hy vọng bộ Luật về KH-CN mới sắp được ban hành sẽ có các quy định cụ thể, nhất quán để cho các nhà khoa học có cơ hội triển khai thực hiện các ý tưởng trong quá trình nghiên cứu, tránh tình trạng là chính sách thì quan trọng, nhưng thực tiễn thì rộng lớn dẫn đến các nhà khoa học mất niềm tin.
Trả lời độc giả báo Đất Việt về các chính sách đãi ngộ khách sẽ được thể chế hóa trong Luật, TS Trần Xuân Hồng cho biết: trong Dự thảo Luật KH-CN sửa đổi sẽ có một số chính sách đãi ngộ khác, ví dụ như tài sản trí tuệ (sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học) được hình thành từ ngân sách nhà nước, nhưng nhà nước sẽ giao quyền sở hữu đó cho các nhà khoa học để họ có thể chuyển giao cho doanh nghiệp, góp vốn cho doanh nghiệp và hưởng lợi nhuận tương đương với phần góp vốn của họ. Đây là một cách để các nhà khoa học sống được bằng các kết quả nghiên cứu chứ không phải sống bằng các đề tài/dự án.
Ngoài ra, Luật KH-CN sửa đổi cũng sẽ tạo nên môi trường thuận lợi để phát triển KH-CN qua đó các nhà khoa học sẽ có thị trường, đồng thời có sự điều hành hợp lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp. Nếu có một thị trường KH-CN như thế thì KH-CN sẽ có đầu ra, đó chính là động lực cho các nhà khoa học nghiên cứu tốt hơn, TS Hồng hy vọng.
Về các câu hỏi liên quan đến việc tổ chức thực hiện các quy định của Luật, TS Trần Xuân Hồng cũng cho biết, trong Dự thảo Luật, Bộ KH-CN cũng sẽ huy động những nguồn lực mà nhà nước đã giao cho Bộ KH-CN vào việc tổ chức thực hiện các quy định của Luật (ví dụ như đổi mới phương thức xây dựng các chương trình cấp nhà nước cũng như các chương trình trọng điểm quốc gia về KH-CN mà Chính phủ đã phê duyệt...) từ đó hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, các tập thể khoa học mạnh, các khu ươm tạo công nghệ, các doanh nghiệp KH-CN.
Trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đổi mới cho hoạt động KH-CN tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực KH-CN. So với năm 1996, năm bắt đầu triển khai Nghị quyết Trung ương II về KH-CN, tính đến năm 2011, số lượng các tổ chức KH-CN tăng từ 519 tổ chức lên 1113 tổ chức (gấp 3 lần). Tương đương với đó là số lượng nhân lực KH-CN cũng tăng gần 3 lần từ 22.300 người lên 60.500 người. Đặc biệt, cơ cấu trình độ được cải thiện đáng kể theo xu thế tỉ trọng cán bộ trình độ cao tăng nhanh. Số lượng Tiến sĩ, Thạc sĩ năm 2011 tăng gần 10 lần so với năm 1996.
|