Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Năng lượng nguyên tử Thứ bảy, 23/11/2024 , 07:29 am
Cập nhật : 16/03/2011 , 15:03(GMT +7)
Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận: Đã tính toán độ an toàn cao nhất
Phối cảnh Nhà máy Điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận.
Những ngày qua, thảm họa do động đất (ĐĐ), sóng thần xảy ra ở Nhật Bản đã dẫn tới mối quan ngại có tính chất toàn cầu là những vụ nổ tại các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) có gây nhiễm xạ trên diện rộng hay không? Với Việt Nam, sự kiện này dẫn đến câu hỏi: thời điểm khởi công xây nhà máy ĐHN đầu tiên tại Ninh Thuận không còn xa, vậy những yếu tố bảo đảm an toàn cho nhà máy này đã được tính đến hay chưa?

Không phải là Chernobyl thứ hai
Đến thời điểm này, các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Nhật Bản đều khẳng định, sự cố từ các vụ nổ tại hai nhà máy ĐHN Fukushima Daiichi và Fukushima Daini có thể kiểm soát được và sẽ không có một Chernobyl thứ hai. Thảm họa Chernobyl (Ucraina) xảy ra ngày 26-4-1986 là do bị nổ hơi, nhà máy bị cháy lớn làm phát tán phóng xạ ra nhiều vùng ở Nga, các nước Bắc Âu, miền Nam nước Pháp và một số nước khác. Nguyên nhân do cả lỗi thiết kế - hầu như không có lớp bảo vệ, lẫn lỗi của công nhân vận hành. Công nghệ được sử dụng tại Chernobyl là lò phản ứng thế hệ hai RBMK.
 

Các nước xây nhà máy ĐHN đầu tiên là Mỹ (1951), Liên Xô cũ (1954), Anh, Pháp (1956), Đức (1961)... Đến nay, khoảng gần 40 nước sản xuất ĐHN với tổng số khoảng 440 lò, trong đó các nước có số lò vận hành lớn là Mỹ (103 lò), Pháp (59), Nhật Bản (54)...

Nguồn:
Cục An toàn bức xạ và hạt nhân

Theo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VAEC), sự cố phóng xạ tại Nhật Bản hiện được xếp ở mức 4 (trong các mức thang sự cố theo quy định của IAEA), tức là tai nạn chỉ gây hậu quả trong khu vực. Trong khi đó, phóng xạ trong tai nạn Chernobyl được xếp ở mức 7. Ngoài ra, công nghệ, thiết kế của tòa nhà lò phản ứng tại Nhật Bản là tương đối tốt, chịu được ĐĐ 9 độ richter và sóng thần. Những nhà máy này được xây dựng vào những năm 70 và 80 của thế kỷ XX, dùng công nghệ lò phản ứng thế hệ hai. Song điểm yếu của hệ thống giải nhiệt dư dẫn đến nổ khí hydro như vừa qua là do vẫn sử dụng nguyên lý an toàn chủ động, tức là hệ thống làm nguội lò phản ứng phải sử dụng nguồn năng lượng điện từ máy phát diezen trong trường hợp khẩn cấp. Đây được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự cố tại hai nhà máy ĐHN của Nhật Bản vừa qua.


Theo TS Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KHCN), với công nghệ ĐHN hiện tại đã được cải tiến nhiều về an toàn sau khi phân tích sự cố Chernobyl, có thể khẳng định sẽ không thể xảy ra vụ việc tương tự. Tuy nhiên, sự cố hạt nhân vẫn luôn tiềm ẩn và đe dọa gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho con người và môi trường. Do đó, bảo đảm an toàn hạt nhân luôn là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Địa điểm xây nhà máy là tối quan trọng
Việt Nam đã quyết định xây nhà máy ĐHN đầu tiên tại xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận). Dự kiến công trình này sẽ khởi công trong năm 2014 và có thể hòa lưới điện quốc gia năm 2020. Nga được chọn là đối tác xây nhà máy này.

Việc chọn địa điểm trên có bảo đảm an toàn cao nhất trước thảm họa ĐĐ, nước biển dâng hay không?  Theo PGS-TS Vương Hữu Tấn (Viện trưởng VAEC), việc chọn điểm xây nhà máy ĐHN là vấn đề quan trọng có liên quan đến sự an toàn của nhà máy. Việc lựa chọn địa điểm căn cứ trên ba nhóm tiêu chí chính. Thứ nhất, yếu tố tự nhiên như ĐĐ, núi lửa, sóng thần... có thể làm mất an toàn cho nhà máy hay không là điều phải được nghiên cứu cẩn thận trong thời gian dài. Thứ hai là các yếu tố do con người gây ra; thứ ba là ảnh hưởng của nhà máy đối với cộng đồng dân cư trong trường hợp nhà máy hoạt động bình thường hoặc khi xảy ra sự cố. Các cơ quan chuyên môn của Việt Nam, với sự tư vấn của các chuyên gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Nga và IAEA đã chọn tỉnh Ninh Thuận sau khi cân nhắc các yếu tố trên.

Theo Viện Vật lý địa cầu (IGP), ngoài khơi khu vực Nam Trung bộ, cách bờ biển khoảng 150km có dải đứt gãy có thể gây ra ĐĐ. Một vài năm gần đây, dải đứt gãy này gây ra một số trận ĐĐ mạnh từ 4,7 đến 5 độ richter. Trong quá trình chuẩn bị dự án ĐHN, IGP được mời tham gia khảo sát khu vực này. Việc khảo sát không dừng lại ở khâu đánh giá nền đất, địa chất, đánh giá khả năng xảy ra ĐĐ mà còn quan tâm cả tới khả năng bị ảnh hưởng bởi ĐĐ từ các nơi khác lan đến. Khi xây dựng nhà máy ĐHN, đơn vị thiết kế sẽ phải cộng thêm một cấp kháng chấn so với mức độ chống chịu ĐĐ cực đại. Cụ thể là tại khu vực Ninh Thuận, nơi được xác định là vùng ĐĐ cấp 5-6 thì sẽ phải thiết kế nhà máy có mức độ chống chịu ĐĐ thấp nhất là cấp 6 hoặc cấp 7. IGP cũng đánh giá mọi rủi ro về ĐĐ, sóng thần cũng như các tác động địa chất khác ở khu vực xây nhà máy ĐHN Ninh Thuận và thấy rằng, cường độ ĐĐ ở đây, dù đạt cực đại cũng hầu như không gây thiệt hại về người, nhà cửa trong khoảng cách từ 100km đến 200km, vì thế sẽ không ảnh hưởng đến sự an toàn của nhà máy ĐHN trong tương lai.

Dùng công nghệ hiện đại nhất
Trong buổi giao lưu trực tuyến về ĐHN do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển truyền thông KHCN tổ chức ngày 11-3-2011, Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Đình Tiến cho biết, sự lo ngại về bảo đảm an toàn khi phát triển ĐHN là chính đáng, nhất là đối với những nước mới bắt đầu phát triển ĐHN như Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những thuận lợi nhất định. Chúng ta bắt đầu triển khai xây dựng nhà máy ĐHN khi công nghệ về ĐHN đã đạt trình độ khá cao. Những yếu tố an toàn đã được bảo đảm bởi các công nghệ hiện đại và các quy định về an toàn, an ninh hạt nhân trên thế giới đã được chú trọng. Sau sự cố Chernobyl, Nga đã liên tục cải tiến và hoàn thiện công nghệ để bảo đảm an toàn. Công nghệ mới nhất của họ được IAEA đánh giá là một trong những công nghệ hiện đại và an toàn nhất hiện nay. Trong khi đó, dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận số 2 sẽ có đối tác là Nhật Bản. Đây là nước có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành và quản lý nhà máy ĐHN trong những điều kiện bất lợi như động đất, sóng thần...

Khi thông qua việc xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận, Quốc hội đã khẳng định phải sử dụng thế hệ lò phản ứng hiện đại, bảo đảm độ an toàn và kinh tế. "Những lò phản ứng thế hệ thứ 3 mà chúng ta lựa chọn sẽ có đặc tính an toàn thụ động (thay vì nguyên lý "an toàn chủ động" gây nổ tại nhà máy ĐHN của Nhật Bản vừa qua - PV) thì khi xảy ra sự cố tương tự, nhà máy sẽ tự động xử lý hiện tượng giải nhiệt bằng các cơ chế tự nhiên, không cần tác động của con người cũng như không cần sử dụng nguồn điện bổ sung" - một lãnh đạo của VAEC khẳng định.

HNM


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner