Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 02:37 pm
Cập nhật : 14/09/2015 , 23:09(GMT +7)
"Nhà khoa học hãy nghiên cứu bằng chính con tim"
ThS. Trương Hải Nhung
Là một trong những nhà khoa học trẻ xuất sắc của Việt Nam, ThS. Trương Hải Nhung cho rằng, yếu tố quan trọng nhất ở một người nghiên cứu trẻ đó là nhiệt huyết và cống hiến.

Sinh năm 1985, ThS Trương Hải Nhung là giảng viên Bộ môn Động vật và Sinh lý, nghiên cứu viên Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM. Là nhà khoa học nữ trẻ nhất trong buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với các nhà khoa học trẻ vào ngày 11/9 vừa qua, ThS Nhung đã có 9 đề tài, dự án tham gia và làm chủ nhiệm, 14 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế, 8 bài báo đăng trên tạp chí trong nước, hai chương sách nước ngoài và một sách chuyên khảo trong nước, 12 báo cáo hội nghị, hội thảo quốc tế.

Tạp chí Khám Phá đã có buổi trò chuyện với ThS Trương Hải Nhung và được nghe những chia sẻ chân tình của chị về lĩnh vực nghiên cứu của mình.

Thưa Ths. Trương Hải Nhung, chị có thể chia sẻ những khó khăn, thử thách trong quá trình nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ tế bào gốc. Tại sao chị lại lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu trên trong khi nhiều sinh viên, học sinh nữ thường lựa chọn các ngành nghề khác có thể coi là “nhàn” như: Kế toán, kinh tế, ngân hàng,…?

Công nghệ sinh học (CNSH) và công nghệ tế bào gốc (TBG) là những lĩnh vực tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Hiện tại, nghiên cứu TBG ở Việt còn khá phân tán, lực lượng nghiên cứu chưa nhiều, thiếu nhiều chuyên gia đầu ngành. Do vậy, khi tiếp cận lĩnh vực này, bản thân Nhung và nhiều bạn đồng nghiệp khác cũng khá lúng túng. Thời kì đầu, việc tìm nguồn kinh phí cũng khá khó khăn, máy móc thiết bị chuyên dụng cho nghiên cứu tế bào gốc chưa nhiều, nên các nghiên cứu chưa thể triển khai chuyên sâu được. Mình nhớ khi ấy còn là sinh viên năm thứ 3, mình và các bạn phải mang chuột về nhà chăm sóc vì phòng thí nghiệm (PTN) không đủ chỗ, thầy phải liên hệ nhiều bệnh viện và trung tâm để sang sử dụng nhờ thiết bị nghiên cứu. Với nỗ lực của thầy Phan Kim Ngọc và thầy Phạm Văn Phúc thì PTN tế bào gốc đầu tiên tại Việt Nam đã ra đời (2007).

PTN đầu tiên trong cả nước được Đại học Quốc Gia Tp.HCM đầu tư đồng bộ về trang thiết bị cho nghiên cứu. Khi đó mình được giữ lại công tác tại trường và may mắn là một trong những thành viên đầu tiên được thừa hưởng thành quả này. Mặc dù công việc nghiên cứu đôi khi không theo thời gian thường nhật, phải thức đêm hoặc làm suốt tuần, suốt tháng không nghỉ, nhưng Nhung và các bạn đồng nghiệp đều rất hăng say. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất của người phụ nữ có gia đình như mình khi làm nghiên cứu đó chính là cần dung hòa thời gian giữa công việc nghiên cứu và gia đình.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các nhà khoa học trẻ tại buổi gặp mặt ngày 11/9/2015

Hiện tại, việc nghiên cứu tương đối tốt hơn vì điều kiện cơ sở vật chất có cải thiện, nhưng muốn công nghệ tế bào gốc Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, thì việc tiếp tục đầu tư là vấn đề quan trọng. Đầu tư cần tập trung, đánh mạnh vào đặt hàng nghiên cứu để thu được sản phẩm.

Mà làm sao để kêu gọi được nhà đầu tư, tìm được nguồn kinh phí là thách thức không nhỏ. Kinh phí đào tạo nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực này cũng chưa có, hầu hết các nhà nghiên cứu đều tự trang bị kiến thức, tìm kiếm thông tin nên đôi khi, nguồn nhân lực không tập trung vào các hướng cần đẩy mạnh.

Có nhiều người hỏi mình sao không làm các công việc nhàn hạ hơn, theo giờ hành chính mà lại làm công việc nghiên cứu. Mình chỉ cười và nói đó là cái nghiệp của từng người, mình thích nghiệp nghiêp cứu này. Mình làm vì cái tâm, vì yêu thích nó chứ không suy nghĩ về việc cực hay không so với công việc khác. Mình nghĩ mỗi công việc đều có cái cực, cái khó khác nhau, và mỗi người cảm nhận nó theo tinh thần và thái độ khác nhau.

Chị có thấy hối tiếc bởi sự lựa chọn của bản thân? Để vượt qua những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, chị đã nhận được hỗ trợ gì từ phía các cơ quan chức năng, đặc biệt là từ phía Bộ KH&CN. Bộ đã có những hỗ trợ cụ thể gì thưa chị?

Nhung chưa bao giờ hối tiếc. Con người ta chỉ hối tiếc khi chọn sai, hoặc làm sai điều gì đó. Đến bây giờ mình vẫn làm được việc mình thích, có được các kết quả mà bản thân mình lấy làm động lực để cố gắng tiếp. Hối tiếc thì không, nhưng cảm giác buồn hay thất vọng thì có. Đó là những khi công việc nghiên cứu bị dừng lại vì những lý do mình không muốn, vì không nhập được hóa, vì không có thiết bị, và vì nhiều lý do khác nữa.

Nhung cảm thấy mình cũng có nhiều may mắn khi được học tập và cộng tác cùng các thầy có tâm huyết với lĩnh vực tế bào gốc. Các thầy đã hỗ trợ để Nhung có thêm động lực tiếp tục phát triển trên con đường này. Ngoài ra, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Tp.HCM và Sở KHCN Tp.HCM cũng đã giúp đỡ cho những người trẻ như mình rất nhiều. Mình cũng được tham gia và chủ nhiệm một số chương trình nghiên cứu, đề tài nghiên cứu của các cấp và Bộ KH&CN, việc này giúp mình trưởng thành hơn trong công tác nghiên cứu.

PTN của mình rất may mắn khi được nhà trường, ĐHQG và Bộ KH&CN quan tâm đầu tư. Nguồn kinh phí chính cho hoạt động nghiên cứu mà mình đang được thụ hưởng là từ kinh phí ngân sách. Thầy trò PTN luôn tâm niệm rằng, “chúng ta nhận tiền đầu tư này là của nhân dân, nên phải làm bằng cái tâm để xứng đáng với công sức của nhân dân, nếu không là có tội với nhân dân”. Mình hy vọng trong thời gian tới, Nhà nước và Bộ KH&CN tiếp tục quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho PTN Tế bào gốc để tụi mình yên tâm nghiên cứu và cống hiến.

Chị đánh giá như thế nào về các hoạt động KH&CN trong thời gian qua? Đặc biệt là các cơ chế chính sách đổi mới từ phía Bộ KH&CN nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ có điều kiện, cơ hội thể hiện bản thân trong hoạt động nghiên cứu?

Gần đây mình có được dự hội thảo về triển khai thông tư 55 của Bộ KH&CN và Bộ tài chính về hướng dẫn giải ngân kinh phí đề tài. Mình thấy có nhiều điểm mới, hay và cải cách được những bất cập của các thông tư trước đây. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn cụ thể để việc thực hiện ở các cơ quan chủ trì được đúng như tinh thần của thông tư. Bộ KH&CN cũng có nhiều chương trình hay, phù hợp cho các nhà khoa học trẻ như Nafosted. Trong thời gian tới mình sẽ tham gia đăng kí chương trình đề tài này của Bộ KH&CN.

Rút từ kinh nghiệm bản thân, theo chị, yếu tố quan trọng nhất cần có ở nhà nghiên cứu trẻ là gì? tại sao?

Yếu tố quan trọng nhất ở một người trẻ nói chung hay một người nghiên cứu trẻ đó là nhiệt huyết và cống hiến. Nhiệt huyết là động lực để bạn không bao giờ nản chí khi gặp khó khăn. Làm nghiên cứu là tìm tòi cái mới, và trong quá trình đó thì thất bại luôn sẵn sàng chờ đón bạn. Không có nhiệt huyết bạn sẽ bỏ cuộc và nếu vậy sẽ không bao giờ có những nhà khoa học đoạt giải Nobel. Trong khoa học, nếu nhiệt huyết là điều kiện cần thì cống hiến là điều kiện đủ để những nhà nghiên cứu trẻ thành công. Tinh thần cống hiến sẽ giúp bạn chiến thắng và luôn làm vì cái đúng.

Là một trong những nhà khoa học trẻ có mặt trong buổi gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9 tới, chị có chia sẻ gì với các bạn trẻ (sinh viên, học sinh) đã và đang lựa chọn cho mình con đường nghiên cứu khoa học?

Trước tiên, mình cảm thấy rất vinh dự khi có được cơ hội này và mình cũng thấy rất vui vì biết được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với khoa học công nghệ. Buổi gặp gỡ sẽ tiếp thêm nhiệt huyết để những người trẻ như mình tiếp tục cống hiến. Bên cạnh việc là người nghiên cứu trẻ, Nhung còn là một giảng viên, vì vậy, Nhung luôn cố gắng truyền nhiệt huyết nghiên cứu cho các thế hệ sinh viên của mình. Nhung luôn có một lời khuyên cho các bạn trẻ đã và đang lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học là: “hãy sống và nghiên cứu bằng chính con tim của bạn, cố gắng tìm cách duy trì lửa trong bạn bởi nghiên cứu luôn là công việc cao quý nhưng khó nhọc”.

Ngũ Hiệp

Nguồn tin: khampha.vn

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner