Các nhà khoa học tiếp xúc với truyền thông đại chúng có năng suất và ảnh hưởng khoa học cao hơn những đồng nghiệp ngồi trong "tháp ngà".
GS Nguyễn Văn Tuấn là chuyên gia về Y khoa, đang làm việc ở Úc nhưng luôn có những bài báo tâm huyết vì sự phát triển khoa học nước nhà. Đặc biệt, khi có thời gian, ông không bao giờ từ chối trả lời báo chí, đặc biệt là các tờ báo không được bao cấp.
Ngày 8/3, sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) công bố Chiến lược KHCN, đề xuất "Ngày khoa học Việt Nam", danh hiệu "Nhà khoa học Nhân dân", GS Nguyễn Văn Tuấn cho biết: "Tôi thấy khoa học càng ngày càng được báo chí quan tâm; và đó là một tín hiệu tốt".
Tuy nhiên, ông lại mong muốn có những giải thưởng của các đồng chí lãnh đạo cho các nhà khoa học.
Giới khoa học hay bị chỉ trích là sống trong tháp ngà, chẳng biết hay quan tâm gì đến thế giới bên ngoài. Nhưng điều này có lẽ chỉ đúng với thời xưa, thời mà giới học thuật ngự trị trong các đại học, tự do theo đuổi những ý tưởng có khi chẳng liên quan gì đến thực tế. Họ cũng không chịu sự ảnh hưởng của chính quyền.
Nhưng thời nay thì khác. Vì các đại học khuyến khích (hay yêu cầu thì đúng hơn) các nhà khoa học nên tiếp xúc với giới truyền thông đại chúng thường xuyên. “Tiếp xúc” ở đây có nghĩa là nói chuyện trong các tổ chức cộng đồng, nói chuyện (như “truyền lửa”) cho học sinh trung/tiểu học, viết bài cho báo chí, trả lời phỏng vấn của giới truyền thông, viết sách khoa học phổ thông... Tất cả những hoạt động đó được xem là đóng góp cho cộng đồng.
Ngày nay, đóng góp cho cộng đồng được xem là một trong những tiêu chuẩn để đề bạt các chức danh khoa bảng. Thật vậy, một trong những tiêu chuẩn cho đề bạt các chức danh khoa học là “đóng góp cho cộng đồng”, hiểu theo nghĩa quảng bá khoa học và báo cáo cho công chúng biết mình đã nghiên cứu cái gì, đạt được những thành tựu nào. Tuy tiêu chuẩn này không quan trọng bằng tiêu chuẩn học thuật, nhưng bất cứ hội đồng khoa bảng nào cũng đòi hỏi ứng viên giáo sư phải chứng minh được rằng mình đã có tương tác với công chúng và cộng đồng ngoài khoa học.
Ở Viện Garvan, chúng tôi có người chuyên làm về giao tiếp cộng đồng (public relation) hay PR, nên mỗi khi một nghiên cứu quan trọng nào được công bố thì người PR sẽ ra thông cáo báo chí (press release). Sau đó là hàng chục đài truyền hình, báo chí đến xin phỏng vấn. Thật ra, nói thế là hơi “tự tin”, vì trong thực tế không phải nghiên cứu nào giới báo chí cũng chú ý; họ chỉ chú ý những nghiên cứu mà họ có thể… bán báo. Chẳng hạn như ăn chay và loãng xương, như beta-blockers và gãy xương, genes... Do đó, tôi cũng có dịp xuất hiện trên truyền hình và báo chí quốc tế nói về nghiên cứu của mình.
Nhưng có một quan điểm khác trong giới khoa học cho rằng tiếp xúc với giới truyền thông đại chúng là vô bổ. Có người không ưa giới truyền thông đại chúng cho rằng các phóng viên là người có thể giúp nhưng cũng có thể làm tiêu tan sự nghiệp của nhà khoa học! Một quan điểm phổ biến khác cho rằng những nhà khoa học làm việc phổ thông hoá khoa học là những người kém cỏi, hạng làng nhàng, hoặc vì hết ý tưởng nên mới làm mấy việc “tào lao” như thế.
Theo quan điểm này, nhà khoa học xuất hiện trên hệ thống truyền thông đại chúng là không có lợi. Đồng nghiệp sẽ nghĩ khác về mình, có thể họ ghét vì đơn giản là ghét thấy mặt trên báo. Cũng có thể họ ganh tị. Dù lí do gì thì việc đồng nghiệp không ưa là không có lợi cho nhà khoa học vì có thể ảnh hưởng đến việc xin tài trợ cho nghiên cứu. Đó là một quan điểm khá phổ biến trong giới khoa học.
Carl Sagan, một nhà khoa học nổi tiếng vì những cuốn sách phổ thông, không được Đại học Harvard cho vào biên chế (tenure). Viện hàn lâm khoa học Hoa Kì cũng bác bỏ đề cử Sagan chức danh viện sĩ. Tài liệu của Royal Society của Anh (tương đương với Viện hàn lâm) cho rằng những người viết sách khoa học phổ thông (giống như Carl Sagan) là “those who are not good enough for an academic career” (những người không đạt chuẩn cho sự nghiệp hàn lâm).
Nhưng có thật sự họ là những người “chưa đạt” không? Trong thực tế, khi người ta xem lại lí lịch của Carl Sagan thì thấy tính từ 1957 đến 1996, ông công bố trung bình 1 bài bào khoa học mỗi tháng! Xin nhấn mạnh là bài báo khoa học, chứ không phải bài báo trên báo chí đại chúng. Đó là một năng suất rất đáng nể. Từ đó, người ta nghĩ rằng việc ông bị bác bỏ vào Viện hàn lâm Khoa học Hoa Kì là đơn giản vì ông bị … ghét. Ghét vì thấy ông cứ xuất hiện trên hệ thống truyền thông và viết sách làm cho ông… nổi tiếng!
Trong thực tế, những người thường tiếp xúc với truyền thông đại chúng không hề kém cỏi. Đó là kết luận của một nhóm nhà khoa học Pháp, những người đã làm một nghiên cứu trên 3659 nhà khoa học thuộc CNRS (một cơ quan giống như liên viện nghiên cứu của Pháp) từ 2004 đến 2006. Các nhà khoa học này thuộc 5 ngành chính: khoa học tự nhiên, y sinh học, kĩ thuật, hoá học và khoa học vật lí địa cầu. Họ chia thành 2 nhóm: nhóm có tiếp xúc với truyền thông đại chúng, và nhóm không tiếp xúc.
Sau đó, họ truy tìm trong cơ sở dữ liệu của Web of Science (Thomson ISI) về thành tích công bố khoa học của từng người. Họ tính chỉ số Hy cho từng nhà khoa học. Nhà khoa học có chỉ số Hy càng cao là người có ảnh hưởng cao trong chuyên ngành. Kết quả cho thấy những người tiếp xúc với truyền thông đại chúng có chỉ số Hy cao hơn những người ngồi trong tháp ngà (bảng 1).
Bảng 1. Chỉ số Hy cho 5 nhóm nhà khoa học có và không có tiếp xúc với truyền thông đại chúng
Lĩnh vực
|
Chỉ số Hy của các nhà khoa học tháp ngà
|
Chỉ số Hy của các nhà khoa học tiếp xúc với truyền thông
|
Trị số P
|
Khoa học tự nhiên (n=669)
|
0.68
|
0.73
|
0.036
|
Y sinh (n = 1275)
|
0.75
|
0.81
|
0.0018
|
Kĩ thuật (n = 504)
|
0.50
|
0.52
|
0.38
|
Hoá học (n = 848)
|
0.73
|
0.74
|
0.54
|
Khoa học trái đất (n = 363)
|
0.69
|
0.77
|
0.037
|
Bảng trên cho thấy mức độ khác biệt khá đáng kể trong ngành khoa học tự nhiên, y sinh và khoa học trái đất. Riêng hai ngành kĩ thuật và hoá học, mức độ khác biệt không đáng chú ý.
Ai là những người hay tiếp xúc giới truyền thông đại chúng? Phân tích sâu thêm, các tác giả có thể phác hoạ “chân dung” của những nhà khoa học đó như sau: Giữ vị trí cao trong bậc thang khoa học; người ở vị trí càng cao càng hay tiếp xúc với truyền thông; người càng trẻ tuổi càng tiếp xúc nhiều hơn so với người trên 60 tuổi; và nữ thường tích cực hơn nam trong giao tiếp với giới truyền thông.
Những kết quả trên cho thấy rõ ràng là quan điểm rằng những nhà khoa học hay tiếp xúc với truyền thông đại chúng là xoàng hay làng nhàng là hoàn toàn sai. Nếu xem Hy là một thước đo của thành tích và uy danh khoa học thì dữ liệu thực tế cho thấy nhà khoa học hay tiếp xúc với truyền thông đại chúng thật ra có thành tích khoa học cao hơn và năng suất khoa học cao hơn so với nhữn người ngồi trong tháp ngà.
Ý kiến cho rằng những nhà khoa học tiếp xúc truyền thông là người sắp nghỉ hưu cũng hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Ngược lại, người hay tiếp xúc truyền thông thường là các nhà khoa học tương đối trẻ. Ngoài ra, giả thuyết cho rằng phổ thông hoá khoa học là do nhu cầu của giới khoa học tinh hoa (elite) có vẻ nhất quán với kết quả phân tích.
Tóm lại, kết quả phân tích của các nhà khoa học Pháp cho thấy phổ thông hoá khoa học (như GS Trịnh Xuân Thuận hay Carl Sagan làm) và tiếp xúc với truyền thông đại chúng có lợi cho chính các nhà khoa học. Các nhà khoa học tiếp xúc với truyền thông đại chúng không phải là những người xoàng; ngược lại, họ có năng suất khoa học cao hơn và ảnh hưởng khoa học cao hơn so với các đồng nghiệp ngồi trong tháp ngà.
GS Nguyễn Văn Tuấn