Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 12:39 pm
Cập nhật : 09/03/2016 , 15:03(GMT +7)
Người phụ nữ say mê “làm sạch” chất độc dioxin
GS.TS Đặng Thị Cẩm Hà và TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo vinh dự nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2015.
Một trong hai người vinh dự được trao giải thưởng Kovalevskaia 2015 là PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà (nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

 GS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đã được nhận giải Nhất Giải thưởng VIFOTEC 2001; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ Môi trường (2001); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do đạt giải thưởng cao Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (2005); Huy chương Vàng và Bạc “Các nhà sáng chế phụ nữ quốc tế” tổ chức tại Hàn Quốc (2012) và nhiều Huy chương quốc tế khác.

Nhà khoa học nữ này đã có sự nỗ lực đáng khâm phục trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những thành tựu nghiên cứu về việc ngăn chặn sự hủy diệt của chất dioxin gây ra với môi trường sống.

“Say” nghiệp bảo vệ môi trường

Trò chuyện với PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, ít ai nghĩ rằng người phụ nữ này lại là một nhà khoa học bởi đối với chúng ta, làm khoa học luôn bị coi là một nghề khó khăn, khô khan và chỉ hợp với “cánh mày râu”. Nhưng với PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, bà luôn tự nhận mình là người phụ nữ “say” khoa học và luôn coi đó như cái nghiệp của đời mình.

Bà Cẩm Hà chia sẻ: “Làm khoa học khác với ngành nghề khác. Không chỉ vất vả, nguy hiểm bởi thường xuyên tiếp xúc với các chất hóa học mà nghề này còn tiêu tốn rất nhiều thời gian như nghiên cứu, đọc tài liệu, thảo luận với đồng nghiệp, truyền thụ cho đàn em. Hơn hết còn phải thu xếp công việc sao cho chu toàn để chăm lo cho gia đình, con cái”.

Khó khăn vất vả là vậy nhưng bà đã dành hơn nửa cuộc đời mình để cống hiến cho khoa học, mà điển hình là công nghệ vi sinh vật, bảo vệ môi trường. Điểm nhấn trong sự nghiệp khoa học của PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà chính là những công trình làm sạch môi trường ô nhiễm dầu, dioxin, mang tính ứng dụng cao do thân thiện môi trường với chi phí thấp. Bà đã đầu tư công sức, cùng với học trò và đồng nghiệp sáng tạo nên nhiều công trình mà đáng chú ý phải kể đến chuỗi công trình nghiên cứu (bao gồm 12 đề tài, dự án) xử lý khử độc đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại các điểm nóng Đà Nẵng và Biên Hòa bằng công nghệ phân hủy sinh học đã được thực hiện trong 10 năm. Công trình đã đạt được một số thành công nổi bật, được đánh giá ở các cấp khác nhau trong nước và quốc tế.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà tự hào cho biết: “Chưa có một công bố nào trên thế giới về khử độc đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin có hiệu quả bằng công nghệ sinh học và thực hiện ở hiện trường qui mô lớn như ở Việt Nam. Chúng ta đã tạo ra công nghệ thông qua sự kết hợp giữa chôn lấp và xử lý bởi "nuôi" quần xã vi sinh vật bản địa bằng những "thức ăn", phụ phế liệu nông nghiệp dễ kiếm, cho chúng sinh trưởng và hoạt động phân hủy, chuyển hóa và khoáng hóa chất độc ở các điều kiện thích hợp và công nghệ này được gọi là "Chôn lấp tích cực". Với kết quả này, ''Quy trình xử lý đất ô nhiễm dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học'' đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng độc quyền sáng chế cho Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Khi được hỏi rằng bà có lo sợ khi phải thường xuyên tiếp xúc với những chất hóa học cực độc như dioxin, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà chia sẻ rằng khó khăn nhất khi thực hiện các nghiên cứu liên quan đến dioxin chính là việc làm sao để bảo vệ mình. Bà luôn trăn trở: “Mình có gia đình, có con cái rồi nên sự lo âu không đáng kể. Lo nhất là các đồng nghiệp trẻ, các học trò của mình, chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường”. May mắn rằng, cho đến thời điểm này bà cũng như những đồng nghiệp, học trò của bà vẫn bình an.

Một vài đề tài nghiên cứu khác của PGS.TS Cẩm Hà cũng hướng đến làm sạch những vùng đất ô nhiễm hóa chất khó phân hủy POPs. Bà tâm sự: “Sức khỏe muốn đảm bảo thì môi trường phải trong sạch. Hiện tại, tôi đang thực hiện một nghiên cứu cũng nhằm giải quyết một vấn đề môi trường bức xúc ở Việt Nam”. Bà luôn mong muốn sẽ tạo ra những sản phẩm mang lại chất lượng cuộc sống cao hơn cho người dân bằng những tác động của việc cải thiện môi trường.

Lấy thế hệ sau làm động lực

Cùng đạt giải thưởng Kovalevskaia năm 2015 còn có TS.BS. Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc phụ trách hệ Hồi sức cấp cứu, hệ Nội và phụ trách quản trị, kiêm nhiệm trưởng Bộ môn Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh) với những đóng góp trong lĩnh vực y học. TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo được biết đến với các công trình nghiên cứu về kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu điều trị, hồi sức bệnh nhân trong ghép thận, ghép gan...

Ở cái tuổi ngoài 60, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà hằng ngày vẫn lao động miệt mài với công việc của một nhà nghiên cứu khoa học. Hơn nửa cuộc đời thăng trầm cùng khoa học, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà không ngần ngại chia sẻ rằng, hạnh phúc nhất với một nhà khoa học nữ chính là sự thấu hiểu, ủng hộ của gia đình và người thân. “Gia đình tôi, hơn hết là hai con trai yêu quý của tôi luôn ủng hộ tôi hết mình trong mỗi bước đường. Các con luôn nói rằng, mẹ hãy làm gì khiến mẹ hạnh phúc. Và hạnh phúc của tôi chính là được cống hiến hết mình, xây dựng phúc đức cho những thế hệ sau”.

Hơn hết, với quan niệm "con hơn cha là nhà có phúc", PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà luôn khuyến khích thế hệ trẻ cần không ngừng nỗ lực học hỏi, rèn luyện, tiếp thu những kiến thức mới. Khi đã xác định được mục tiêu, cần có quyết tâm để thực hiện đến cùng. Bà đã và đang đào tạo 9 Tiến sỹ, 15 Thạc sỹ tại Việt Nam và hợp tác đào tạo Tiến sỹ với các nước: Canada, Hà Lan; giảng dạy cao học, đại học và hướng dẫn sinh viên từ nhiều trường đại học thực hiện luận án tốt nghiệp... Có như vậy, những kiến thức, những kinh nghiệm mà bà đã học hỏi và tích lũy suốt mấy chục năm qua mới được lưu giữ. Và tâm huyết của cuộc đời bà sẽ còn mãi với những thế hệ sau này.

Hơn 40 năm say mê nghiên cứu khoa học, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đã chủ nhiệm gần 30 đề tài, dự án, nhánh đề tài các cấp; công bố hơn 146 công trình khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Với những công trình nghiên cứu khoa học mang lại hiệu quả cao, góp phần bảo vệ môi trường, bà đã vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2015 – Giải thưởng tôn vinh các nhà khoa học nữ xuất sắc trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên và ứng dụng.

Nguồn tin: Hải Quan online

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner