Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 27/11/2024 , 09:12 am
Cập nhật : 18/08/2011 , 09:08(GMT +7)
Người mười năm đeo đuổi… ruồi
ThS Lê Quốc Điền theo dõi sự sinh trưởng của cây thanh long ruột đỏ sau khi dùng chế phẩm sinh học.
Một trong những người có công giúp cây trái miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long có mặt trên thị trường thế giới là một nhà khoa học còn rất trẻ: ThS Lê Quốc Điền, với chế phẩm sinh học chống loài ruồi đục quả.

Diệt ruồi bằng bã bia

Vùng chuyên canh trồng sơri xuất khẩu của hơn 100 hộ dân tại huyện Gò Công (Tiền Giang) nay đã “lấy lòng” được thị trường thuộc loại khó tính nhất: Nhật Bản, mang về ngoại tệ chứ không còn là “đồ bỏ” như trước. Từ 30 tấn hàng đầu tiên xuất sang Nhật vào tháng 3.2009, đến nay cứ định kỳ, sơri (6.000 đồng/kg) sẽ đi Nhật qua đầu mối thu mua là công ty TNHH Thịnh Phát. Với ThS Điền, đó là một kết thúc đẹp cho “cuộc chiến” với loài ruồi.

Không riêng gì sơri, trước đây nhiều loại trái cây đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long muốn chu du nước ngoài nhưng bị “chiếu bí” vì chứa ấu trùng, dư thừa vi lượng thuốc hoá học… Chàng sinh viên mới tốt nghiệp đại học Cần Thơ khi đó lờ mờ hiểu phải giúp nông dân giàu lên từ chính nông phẩm của họ, nên đầu quân về viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam. Cũng từ những chuyến thăm vườn, anh phát hiện: để trừ sâu hại, dân phun thuốc hoá học. Trái cây đỡ bị côn trùng phá hoại nhưng rớt giá thê thảm bởi không ai dám ăn. “Phải dẹp được ổ dịch mà quan trọng là xác định được ngưỡng dịch cho từng loại trái cây, nếu không, dù có chuyển giao công nghệ mới hay phun thuốc trừ sâu cũng không ăn thua, mà lại hại cho con người và môi trường”, Điền đúc kết. Rồi anh phát hiện thủ phạm chính là loài ruồi đục quả: “Ruồi đục quả lợi hại vì ký chủ phong phú, khả năng đẻ trứng cao (ruồi cái đẻ 300 trứng/lần), vòng đời ngắn, từ đó có thể tạo thành quần thể lớn trong một thời gian ngắn, nhóm này cũng có khả năng lây nhiễm cao do có khả năng di chuyển rất xa”. Ruồi đục quả phá hại ngay từ giai đoạn ấu trùng. Với những thị trường khó tính (Mỹ, Nhật, Úc…), ruồi là rào cản chủ yếu. Từ kinh nghiệm những chuyến thực tế, lục lọi tất tần tật các tài liệu trong và ngoài nước, Điền lao vào nghiên cứu. Sau rất nhiều đêm thao thức với thí nghiệm, công thức, bẫy ruồi, nuôi ruồi... anh đã sáng chế ra loại chế phẩm diệt ruồi mang tên SOFRI Protein mà nguyên liệu là bã nấm bia, chỉ cần pha với nước phun cho đến khi thu hoạch.

“Cứu tinh” của trái cây miệt vườn

Thế nhưng mọi chuyện đâu dễ dàng. Chế phẩm này cần áp dụng trên diện rộng, trong khi các nhà vườn chưa quen tập quán liên kết nhóm với tổ chức địa phương, thời gian phun lại không giống nhau. Cách để nhà khoa học trẻ thuyết phục người dân chịu dùng sản phẩm của mình là tổ chức tập huấn, lân la bàn chuyện với họ như vầy: “Tui nói thiệt bụng, bà con muốn sơri bán 500 hay 6.000 đồng? Bán được thì bà con lợi hay tụi tui lợi?” Điền cho thử nghiệm phòng trừ tổng hợp hai loài ruồi Bactrocera dorsalis Hendel và Bactrocera correcta Bezz gây hại trên quả sơri và thanh long (tại Tiền Giang), cho hiệu quả phòng trừ ruồi đến 90%. Năm 2005, một thử nghiệm phòng trừ ruồi hại quả sơri trên diện tích 100ha tại Gò Công, cho thấy tỷ lệ hại giảm xuống còn 4%, trong khi ở vùng đối chứng tỷ lệ này là 100%.

Một sáng chế rất có ý nghĩa

“Chế phẩm sinh học SOFRI Protein là một sáng chế rất ý nghĩa. Chúng tôi đã cho triển khai các mô hình điểm về cây ăn trái và hiệu quả rất tốt. Điều đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường. Hiện chế phẩm này đang được bán rộng rãi và nhiều người đang dùng để bảo vệ cây trái”

Ông Cao Văn Hoá, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tiền Giang.

Sau đó hai năm, với sự hỗ trợ về kỹ thuật của ACIAR và đầu tư của công ty cổ phần hoá chất bảo vệ thực vật Hoà Bình, viện Bảo vệ thực vật đã xây xưởng sản xuất bã protein tại nhà máy bia An Thịnh (Từ Sơn, Bắc Ninh). Xưởng có công suất 200 tấn/năm, sản phẩm có tên thương mại Entopro đủ cung cấp cho các tỉnh phía Bắc và các tỉnh miền Trung. Do chủ động nguồn bã protein, năm 2007 nhiều mô hình phòng trừ ruồi hại quả được thử nghiệm tại các tỉnh phía Bắc. Mô hình phòng trừ ruồi hại quả hồng tại Hoà Bình giảm tỷ lệ thiệt hại từ 26% xuống còn 1%. Các mô hình phòng trừ ruồi hại quả ổi, mướp đắng tại Thanh Hà (Hải Dương), Hương Trà (Huế) đều cho kết quả tốt, mở ra một hướng mới cho quản lý ruồi hại quả ở nước ta. Thế nhưng, với hành trình mười năm đeo đuổi ruồi đục quả, nhà khoa học trẻ cho rằng: “Cần có những nghiên cứu chuyên sâu nhằm xây dựng quy trình cụ thể cho việc sử dụng bã phòng trừ ruồi cho từng loại cây ở từng vùng khác nhau”.

Gặp Điền những ngày này, anh đang đầu tắt mặt tối với bao dự án cá nhân lẫn cộng đồng. Trong đó, có một chiến dịch quy mô lớn là trị bệnh chổi rồng trên cây nhãn đang được xúc tiến tại nhiều nhà vườn miền Tây. Điền nói: “Có nhiều kinh nghiệm trị sâu bệnh của người dân rất hiệu quả mà lại không gây hại cho môi trường, như dùng khói một số đông dược để trị côn trùng hại dừa, tiếc là những kinh nghiệm ấy không có ai tiếp thu nên mất dần. Cứ xuống gặp người dân, họ sẽ kể nhiều chuyện hay hơn tôi nói nhiều”. Có lẽ, nhà khoa học trẻ này cũng đã học được rất nhiều từ những chuyến “dân vận” như thế, bởi hơn ai hết anh biết dân cần gì.

 

 


 



 

Nguồn tin: Sài gòn tiếp thị

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner