Năm 2005, khi Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) chính thức cho phép thuốc Crila được bào chế từ các alcaloid có hoạt tính sinh học chiết suất từ lá trinh nữ hoàng cung lưu hành toàn quốc cũng là khi những bệnh nhân bị phì đại tuyến tiền liệt và u xơ tử cung có thêm niềm tin được chữa khỏi bệnh. Đây là kết quả sau nhiều năm trăn trở, tìm tòi, nghiên cứu của TS.DS.Nguyễn Thị Ngọc Trâm (Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2) cùng cộng sự trong và ngoài nước.
Mặc dù đến nay, thành quả đã nhìn thấy rõ nhưng TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm vẫn chưa thôi trăn trở. Bà vẫn khát khao đưa những viên thuốc sản xuất từ thảo dược Việt Nam đến với thị trường dược phẩm thế giới.
“Hữu duyên” với… trinh nữ hoàng cung
Ước mơ đi tìm một cây thuốc trong dân gian từ họ hoa hồng để giúp chị em phụ nữ tránh thai tuy không thành hiện thực, nhưng chính khát vọng nghiên cứu khoa học cháy bỏng từ những năm mới ra trường ấy đã dẫn dắt cô con gái của GS.TS khoa học Nguyễn Văn Trương, nguyên Tổng biên tập Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam đến với cây trinh nữ hoàng cung.
Năm 1990, tình cờ bà có dịp nghe và tiếp xúc với một loại cây mang tên trinh nữ hoàng cung cùng nhiều giai thoại về loài cây này. Với những tài liệu
được ghi trong sách vở còn quá ít, chưa đủ để có thể khẳng định công dụng của trinh nữ hoàng cung nhưng bà vẫn có niềm tin mãnh liệt vào sự thành công của loại cây này trong việc điều trị bệnh u xơ tử cung thông qua kết quả nghiên cứu sàng lọc tác dụng sinh học ức chế sự phát triển của tế bào u lành tính và ác tính. Do đó, bà đã quyết tâm nghiên cứu cây thuốc này với niềm tin và đam mê hiếm có.
Khó khăn đầu tiên trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu đó là việc tìm kiếm chọn đúng giống cây trinh nữ hoàng cung có hoạt tính sinh học điều trị bệnh ung bướu. Bởi đây là cây hoang dại có hình thái thực vật giống với 7 cây náng ở Việt Nam và trong số đó có những cây gây độc với gan, thận ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh. Để chọn đúng giống cây trinh nữ hoàng cung Việt Nam có tên khoa học Crinum latifolium.L bà đã nghiên cứu đặc tính di truyền riêng biệt ADN(gene) và dựa vào sự khác biệt của hệ số tương đồng.
Khu vực bảo tồn gien trinh nữ hoàng cung
Cùng với đó, bà đã nghiên cứu về thổ nhưỡng, khí hậu và chọn vùng trồng thích hợp cho sự phát triển của cây, xác định được thời điểm thu hoạch lá trinh nữ hoàng cung cho năng suất cao và đạt hàm lượng hoạt chất sinh học để có nguyên liệu phục vụ nghiên cứu. Bà đã trồng thử loại cây này ở những điều kiện thổ nhưỡng khác nhau như Hà Bắc, Đà Lạt, Tây Ninh, Tp. HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Đồng Nai và đã chọn huyện Long Thành – Đồng Nai để phát triển dược liệu và vùng trồng ổn định, xây dựng quy trình trồng, chăm sóc, thu hái theo tiêu chí GAP – WHO. Đến nay, diện tích trồng cây trinh nữ hoàng cung đã được mở rộng ra 30ha.
Để tạo được viên thuốc Crila điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung, từ năm 1990 đến nay TS Trâm cùng các cộng sự của Viện hàn lâm khoa học Bungari, Trường tổng hợp Innsbruck Áo, các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước đã nghiên cứu về thực vật học, thành phần hoá học, tác dụng sinh học của các alcaloid và flavonoid được chiết suất từ lá cây trinh nữ hoàng cung, nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ chiết suất alcaloid, bào chế, đánh giá tác dụng lâm sàng theo quy chế 371 của Bộ Y tế tại các bệnh viện trên hàng ngàn bệnh nhân đã được thử nghiệm. Có những bệnh nhân kích thước khối u là 63mm có chỉ định mổ, sau thời gian điều trị, kích thước khối u giảm xuống còn 25mm. Hay bệnh nhân u xơ tử cung có khối u với 5 đa nhân xơ, uống thuốc một thời gian chỉ còn l -2 nhân hoặc hết...
Niềm tin đã được đền đáp
Sau 15 năm miệt mài, âm thầm nghiên cứu trên đất Bungaria và cả tại Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã chiết xuất, bào chế thành công viên nang Crila 100% chiết xuất từ lá cây trinh nữ hoàng cung, điều trị u xơ tử cung và u xơ tuyến tiền liệt.
Viên nang Crila đã được Cục Quản Lý Dược – Bộ Y tế cho phép lưu hành toàn quốc từ tháng 7/2005 và đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Đây là viên thuốc đầu tiên trên thế giới điều trị u xơ tử cung từ dược thảo. Hiệu quả điều trị đạt 89,18% đối với u xơ tuyến tiền liệt, 79,5% đối với u xơ tử cung. Kết quả này được đánh giá thông qua Hội đồng Khoa học – Bộ Y tế và đã được thử nghiệm lâm sàng tại nhiều bệnh viện trong nước.
Viên nang Crila ra đời đã góp phần vào kho tàng thuốc điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt với giá thành rẻ hơn và hiệu quả điều trị bệnh tương đương với sản phẩm thuốc nhập ngoại. So với viên Tadenan của Pháp sản xuất được chiết xuất từ cây mận gai Châu Phi để điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt, trong một năm, người bệnh sử dụng Crila từ 8-12 tuần với tổng chi phí gần 1.080.000 đồng. Trong khi đó, chi phí điều trị bằng viên Tadenan cho một năm điều trị là 3.960.000 đồng. Vậy, một người bệnh sẽ tiết kiệm được 2.880.000 đồng cho một năm điều trị. Theo ước tính, nếu có khoảng 10.000 người sử dụng viên nang Crila thay cho Tadenan để điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt thì chi phí tiết kiệm được cho năm điều trị là gần 29 tỷ đồng.
Khát khao xuất khẩu dược liệu
Công trình nghiên cứu về cây trinh nữ hoàng cung với những sản phẩm cụ thể như viên nang Crila, Crilin và trà túi lọc được đánh giá có giá trị khoa học rất lớn. Bởi công trình đã đưa ra một hướng mới trong nghiên cứu khoa học, đó là từ thiên nhiên, con người sẽ thu được những hoạt chất có hoạt tính sinh học mạnh không thua kém các sản phẩm thuốc từ tổng hợp hóa học, ít tác dụng phụ, hiệu quả điều trị cao.
Thành công ấy đã được Hội đồng khoa học cấp Nhà nước thẩm định, đánh giá cao và được xem như là một trong những thành tựu lớn của nền y học. “Cụm các công trình nghiên cứu về cây trinh nữ hoàng cung (Crinum latifolium) Việt Nam” của TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm và cộng sự đã được Chủ tịch nước kí quyết định trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2010.
Chia sẻ nguyện vọng khi nhận đuợc Giải thưởng, TS Trâm bày tỏ mong sản phẩm nhanh chóng được tham gia thị trường dược phẩm thế giới và mong Nhà nước có chính sách ưu tiên cho phát triển dược liệu trong nước, hình thành các vùng trồng dược liệu để có thể tự chủ được phần lớn thuốc trong nước, giảm nhập khẩu nguyên liệu cũng như sản phẩm thuốc từ nước ngoài. Có thể ví dụ, từ năm 1952, Ấn Độ đã có chính sách ưu tiên phát triển dược liệu trong nước, bảo vệ quyền tác giả cho các sáng chế và thành lập viện nghiên cứu cây thuốc, viện sản xuất thuốc. Đến nay, Ấn Độ đã xuất khẩu nhiều loại thuốc từ dược thảo trên thị trường quốc tế. “Việt Nam với rất nhiều cây thuốc, điều kiện tự nhiên, khí hậu và con người đều thuận lợi,
tại sao vẫn phải nhập khẩu rất nhiều thuốc”, TS Trâm chia sẻ.
Tuy nhiên, theo TS Trâm, những năm gần đây chúng ta đã có nhiều bước tiến nhảy vọt trong lĩnh vực này. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế đã có những đổi mới rất lớn trong vấn đề quản lý khoa học trong y – dược, tập trung vào vấn đề bảo tồn nguồn gien thuốc quý, có những chính sách về nghiên cứu khoa học để phát triển ngành y – dược. TS Trâm và các cộng sự cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời từ Bộ Khoa học và Công nghệ khi gặp khó khăn về tài chính và cơ sở vật chất, trang thiết bị dành cho nghiên cứu. Một số nhiệm vụ, dự án Bộ đã giao thực hiện như nhiệm vụ quốc tế về khoa học công nghệ theo Nghị định thư giữa Việt Nam và Bungaria; dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước KC.10.DA17 “Hoàn thiện quy trình công nghệ chiết xuất hoạt chất từ cây trinh nữ hoàng cung để sản xuất viên nang điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt”; dự án “Phát triển nguồn gen cây trinh nữ hoàng cung để có nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung”.
Các nhiệm vụ, dự án nói trên đã giúp bà và cộng sự hoàn thiện và đưa ra một tài liệu khoa học về cây thuốc mới – trinh nữ hoàng cung khá đầy đủ, hoàn thiện quy trình công nghệ chiết xuất loại thuốc hỗ trợ điều trị ung thư. Theo bà, đó là sự hỗ trợ rất kịp thời và được bà ví von bằng hình ảnh “bơi từ biển vào bờ, chỉ còn một khoảng cách ngắn nữa nhưng nếu không có Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế thì chắc chỉ ở ngoài biển, không vào bờ được”.
Hiện các dự án bà chủ trì, tham gia đã và đang phát triển rộng hơn. Một số nước trên thế giới cũng đã có đơn đặt hàng và một doanh nghiệp của Mỹ đã đặt vấn đề hợp tác lâu dài. Điều đó đã minh chứng cho năng lực sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật y dược Việt Nam và khẳng định niềm tin sắt đá của bà về tác dụng của cây trinh nữ hoàng cung trong điều trị bệnh. Hy vọng, TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm nói riêng và đội ngũ các nhà khoa học trong lĩnh vực y dược nói chung sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa để tiếp tục nghiên cứu về loài cây trinh nữ hoàng cung cũng như các cây thuốc quý khác, để người Việt có cơ hội được sử dụng chính sản phẩm làm từ dược liệu trên đất nước mình.
Nguyễn Hạnh