Với giới KH&CN nói chung, đội ngũ cán bộ quản lý KH&CN nói riêng hầu như tất cả các ý tưởng chỉ đạo, các bài giảng và tâm huyết của Giáo sư đối với công tác quản lý KH&CN nước nhà vẫn còn nguyên giá trị.
Có thể nói sự tiến bộ và phát triển trong công tác quản lý hoạt động KH&CN trong gần 40 năm qua với sự hình thành một hệ thống đầy đủ các Luật về KH&CN, các văn bản quy phạm trong quản lý hoạt động KH&CN có sự đóng góp mang tính nền tảng của Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa.
... GS.VS Trần Đại Nghĩa có 12 năm trực tiếp làm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (giai đoạn 1965-1977), là Viện trưởng đầu tiên của Viện khoa học Việt Nam từ năm 1975 (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cũng là Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Với vai trò một vị chỉ huy xuất sắc của lĩnh vực khoa học và công nghệ nước nhà Ông đã có những đóng góp có tính nền tảng trong lĩnh vực quản lý hoạt động KH&CN và là người tiên phong tạo dựng hướng nghiên cứu về quản lý KH&CN.
Tháng 10 năm 1965, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng Trần Đại Nghĩa chính thức đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), với trách nhiệm nặng nề trước Hội đồng Chính phủ vừa về quản lý thống nhất và tập trung công tác khoa học và kỹ thuật (KH&KT), tham mưu cho Đảng và Nhà nước về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển KH&KT vừa làm công tác của của một Viện nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước về khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật nhằm thực hiện cuộc cách mạng kỹ thuật ở nước ta một cách tốt nhất, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Là một nhà quản lý KH&KT vừa sát sao với thực tiễn vừa nhìn xa, trông rộng. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Chủ nhiệm Trần Đại Nghĩa đã chỉ đạo và trực tiếp tham gia chuẩn bị để Hội đồng Chính phủ ra chỉ thị số 163/CP về phương hướng, nhiệm vụ công tác KH&KT 2 năm 1966-1967 và để Ban Bí thư ra Nghị quyết 157 NQ/TƯ về tăng cường công tác KH&KT trong tình hình và nhiệm vụ mới. Đặc biệt trong 2 năm 1966-1967, với uy tín và trách nhiệm cao của mình, Ông đã tập hợp được nhiều nhà khoa học giỏi nhất của nhiều Bộ, ngành tập trung xây dựng và trình Bộ Chính trị đề án Quy hoạch phát triển khoa học và kỹ thuật ở nước ta, trong đó đề cập một cách toàn diện về quan điểm, phương hướng, biện pháp lớn phát triển khoa học và kỹ thuật nước nhà. Rất tiếc là do bận tập trung chỉ đạo chiến tranh giải phóng miền Nam lúc đó, Bộ Chính trị chưa cho ý kiến ngay đối với văn kiện quan trọng này. Trong hoàn cảnh chiến tranh, công tác nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, trong cơ xưởng thường gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Giáo sư vẫn chỉ đạo triển khai công tác điều tra cơ bản như điều tra tổng hợp vùng biển vịnh Bắc Bộ, Phân vùng tự nhiên miền Bắc Việt Nam,…
Là người đặt nền móng phát triển toàn diện tiềm lực khoa học và kỹ thuật nước nhà, trước hết, Chủ nhiệm Trần Đại Nghĩa đặc biệt quan tâm tới công tác quản lý và phát triển đội ngũ cán bộ KH&KT trình độ cao. Theo đề xuất của Ủy ban KH&KT Nhà nước, năm 1967 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/CP về chế độ đào tạo nghiên cứu sinh ở trong nước, trong đó Ủy ban KH&KT Nhà nước và Viện KHXH Việt Nam được phân công quản lý về mặt học thuật, phân phối điều hòa các đề tài nghiên cứu, mở đầu việc đào tạo sau đại học ở nước ta.
Đầu năm 1969, mặc dù chiến tranh còn rất ác liệt, Giáo sư Trần Đại Nghĩa vẫn nghĩ đến việc bồi dưỡng kiến thức quản lý khoa học cho cán bộ. Giáo sư đã nhiều lần giảng bài tại các lớp bồi dưỡng cán bộ, với chủ đề: “Cách mạng khoa học kỹ thuật và vấn đề quản lý”. Đây là một bài giảng rất lý thú và hấp dẫn cho cán bộ quản lý ngày ấy. Nhiều vấn đề mới đặt ra cho cán bộ lãnh đạo các ngành về phương thức quản lý xí nghiệp, những nét nổi bật về ưu điểm, nhược điểm của phương thức quản lý tư bản chủ nghĩa mà bản thân Giáo sư đã kinh qua trong thời gian làm việc ở Pháp và Đức, những kinh nghiệm quý báu của công tác quản lý xí nghiệp ở Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa, nhấn mạnh vai trò quyết định của cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân lành nghề, đặc biệt là công nhân lành nghề bậc cao v.v.
Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa là người đã có công khởi xướng, đặt nền móng hướng nghiên cứu về quản lý và chính sách khoa học và công nghệ (KH&CN) ở nước ta từ đầu những năm 70 của thế kỷ 20. Tháng 12 năm 1975, Chủ nhiệm Ủy ban KH&KT Nhà nước Trần Đại Nghĩa có loạt bài giảng nổi tiếng về quản lý kéo dài 3 ngày tại Ủy ban KH&KT Nhà nước và tại Giảng đường C2 của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Bài giảng của Ông thực sự gây chấn động dư luận, vì đây là lần đầu tiên, một vị Bộ trưởng đương nhiệm đứng giữa giảng đường đại học nói về những cơ sở lý luận và kinh nghiệm cần học tập trong hệ thống quản lý của các nước thuộc khối tư bản, trong đó nhiều lần ông nhắc đến những tên tuổi như Taylor, Carnegie và Drucker.
Tháng giêng năm 1976, Chủ nhiệm Trần Đại Nghĩa đã ra quyết định thành lập Tổ Nghiên cứu Chính sách Khoa học và Kỹ thuật đặt trong Vụ Tổng hợp - Kế hoạch của Ủy ban KH&KT Nhà nước với nhiệm vụ nghiên cứu lý luận về quản lý nhà nước trong lĩnh vực Khoa học và Kỹ thuật. Tổ Nghiên cứu Chính sách KH&KT sau này chính thức trở thành Viện Nghiên cứu Quản lý KH&KT (tên thường gọi trong giao dịch là Viện Quản lý Khoa học).
Những thành tựu quan trọng đầu tiên trong công tác quản lý KH&CN mà Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa đặt nền móng chính là những biển đổi của hệ thống KH&CN với điểm đột phá là Quyết định số 175/CP năm 1981 của Chính phủ về cho phép các viện được ký hợp đồng kinh tế. Đây thực sự là một thứ “Khoán 10” trong khoa học, bởi vì, nó đã giải tỏa mọi cấm đoán cơ quan khoa học đưa những thành tựu trong ngăn kéo của mình vào phục vụ sản xuất, mang lại sức sống cho cơ quan khoa học. Tiếp theo là bước chuyển giải phóng nhiều ràng buộc hành chính trong hoạt động của cộng đồng khoa học tại Quyết định số 134/HĐBT năm 1987 của Hội đồng Bộ trưởng và chủ trương có tính khai phá con đường để khoa học đi vào mọi thành phần kinh tế tại Nghị định số 35/HĐBT năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng.
Ôn lại chặng đường đã qua, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh, nhớ về Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa, chúng ta càng thấy rõ Ông là một tấm gương trí thức sáng ngời. Dù ở cương vị nào, Giáo sư Viện sỹ Trần Đại Nghĩa cũng quy tụ được đội ngũ trí thức, đoàn kết và hướng họ vào mục tiêu xây dựng một nền khoa học Việt Nam hiện đại, đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra. Ông trở thành một trong số những người đại diện tiêu biểu của giới trí thức yêu nước Việt Nam.
(Trích tham luận của Bộ KH&CN tại buổi tọa đàm về thân thế và sự nghiệp của GS.VS Trần Đại Nghĩa nhân 100 năm ngày sinh của ông do Liên hiệp các HKHKTVN tổ chức tại Hà Nội ngày 12/9/2013)