Làm khoa học phải có đam mê và biết nuôi dưỡng nó, đó là lời khuyên của giáo sư Douglas D. Osheroff, nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lí năm 1996, trong chuyến thăm Việt Nam hai ngày.
Giáo sư Osheroff, đại học Stanford, Mỹ đến Hà Nội hôm 13/12 để tham dự chuỗi sự kiện "Cầu nối – cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình" lần thứ 4 tại Đông Nam Á. Chiều qua, ông có buổi nói chuyện về chủ đề "Khoa học thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào" với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông Osheroff chia sẻ rằng cuộc sống của ông đã thay đổi sau khi đạt giải Nobel. Đó là bước ngoặt trong cuộc đời ông, không chỉ lĩnh vực khoa học mà còn ở nhiều khía cạnh khác, nhất là việc ông gặp gỡ nhiều người và có thêm nhiều cái nhìn mới mẻ.
Nói về khoa học của các nước trên thế giới, giáo sư Osheroff nhận định, trình độ khoa học ở các nước khác nhau. Ông minh chứng, ở trường đại học nơi ông làm việc có phòng thí nghiệm với thiết bị có trị giá rất lớn, trong khi ở Brazil điều kiện thí nghiệm của các nhà khoa học còn vô cùng thiếu thốn.
Tiếp xúc với sinh viên trường Đại học quốc gia Hà Nội chiều nay, trước câu hỏi của một sinh viên nội dung ở Việt Nam xu hướng nghiên cứu khoa học ứng dụng đang chiếm ưu thế so với khoa học cơ bản, trong khi em học sinh đó thích lĩnh vực này, giáo sư Osheroff khuyên: "Em hãy cứ đi theo ngành khoa học mà em đam mê, mặc dù đạt giải Nobel Vật lý, trên thực tế tôi không có nhiều quỹ nghiên cứu vì tôi đang làm khoa học cơ bản, tuy nhiên không phải vì điều đó mà tôi dừng con đường nghiên cứu khoa học của mình vì tôi thích nó".
"Làm khoa học phải có đam mê và biết nuôi dưỡng nó", ông nói.
"Tôi từng làm thí nghiệm khoa học khi mới 6 đến 8 tuổi, bố tôi khi đó luôn động viên và khuyến khích tôi làm khoa học, sự quan tâm đó khiến tôi có đam mê khoa học từ bé", Osheroff nói thêm.
Để khoa học Việt Nam phát triển, giáo sư đạt giải Nobel Vật lý 1996 cho rằng, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích học sinh, sinh viên lấy nghiên cứu khoa học là đích đến, niềm đam mê. "Đây không phải chỉ là công cụ để sau này đi ra ngoài kiếm tiền mà còn là tìm ra được phát minh gì đó trong khoa học”, ông nói.
Ông cho rằng, phương pháp tốt nhất để Việt Nam sở hữu nhiều nhân tài khoa học, ngay bây giờ Việt Nam cần có kế hoạch trao đổi công nghệ với các nước phát triển. "Chính phủ cần cử những người có khả năng, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi sang các nước trao đổi thêm kỹ năng, vì khoa học ở những nước đó rất phát triển", Osheroff nhấn mạnh.
Với hành động này, sinh viên Việt Nam sẽ có cơ hội học hỏi thêm kinh nghiệm của các nước và ngược lại. Tuy nhiên, để tránh việc sinh viên đi học nước ngoài và không trở về nước, giáo sư Osheroff đề xuất, Việt Nam cần có sự phối hợp với các nước khác để đảm bảo lợi ích hai bên.
Giáo sư Osheroff là nhà khoa học thứ 3 đến thăm Việt Nam trong vòng một tháng, sau hai chuyến thăm của giáo sư Roger B.Myerson, đoạt giải Nobel kinh tế và giáo sư Harald zur Hausen đoạt giải Nobel Y học.
Ông giành giải Nobel Vật lí năm 1996 với phát hiện về tính siêu lỏng của Hê-li 3. Nghiên cứu này của ông được đánh giá là một bước đột phá của vật lí nhiệt độ thấp. Trong quá trình nghiên cứu, giáo sư Osheroff phát triển nên dạng sơ khai của kĩ thuật hình ảnh cộng hưởng một chiều.
Chương trình "Cầu nối – Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình" lần thứ tư tại Đông Nam Á nối tiếp sự thành công của chuỗi 450 sự kiện "Cầu nối" của Quỹ Hòa bình Quốc tế được tổ chức tại Thái Lan, Philippines, Malaysia và Campuchia từ năm 2003. Tham dự chương trình có 38 người đoạt giải Nobel, 18 diễn giả và các nghệ sĩ khác như tiến sĩ Hans Blix, diễn viên Jackie Chan, mục sư Jesse Jackson, Vanessa – Mae, Jessye Norman, Oliver Stone và tiến sĩ James Wolfensohn, nhằm mục đích phát triển giáo dục trong khu vực Đông Nam Á. Chuỗi sự kiện tại Thái Lan được hoàng hậu Sirikit và công chúa Maha Chakri Sirindhorn chủ trì thu hút 140.000 người tham dự.
|