Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 09:01 am
Cập nhật : 10/06/2013 , 16:06(GMT +7)
Người dân sẽ không còn nỗi lo “được mùa, mất giá”
Công nghệ bảo quản tiên tiến đảm bảo nông dân sẽ có được sản phẩm nông sản có giá trị tối đa
Từ nhiều năm qua do hạn chế về công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm nông sản sau thu hoạch khiến người nông dân gánh nặng nỗi lo “được mùa, mất giá”. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã giải đáp một số câu hỏi của người nông dân liên quan đến vấn đề hỗ trợ công nghệ cho người dân trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” ngày 9/6 tại Hà Nội trên sóng truyền hình VTV1.

PV: Người dân Hải Dương phản ánh dưa hấu tại ruộng có giá bán 1.000 đồng/1 kg, không chỉ dưa hấu mà nhiều loại nông sản khác có giá trị kinh tế cao như vải thiều, nhãn lồng, người nông dân đôi khi cũng phải chấp nhận bán chạy bán tháo vào thời điểm được mùa mất giá. Những người nông dân đặt câu hỏi khi nào Nhà nước sẽ hỗ trợ công nghệ bảo quản sau thu hoạch để họ không phải chịu cảnh thất bát trên chính mảnh ruộng của mình?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề chế biến, bảo quản sau thu hoạch để hỗ trợ cho nông dân. Tuy nhiên, nguồn lực nhà nước có hạn, công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch của nước ta hiện nay chưa theo kịp với trình độ và năng lực sản xuất của nông dân. Vì thế người nông dân rơi vào cảnh được mùa - mất giá trở nên phổ biến. Trước đây chúng ta từng chứng kiến vải thiều Lục Ngạn, bây giờ là dưa hấu, thậm chí sắp tới là gạo cũng sẽ rơi vào tình trạng như vậy. Chính vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ  phối hợp đưa đến cho nông dân công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch. Bộ đã huy động tối đa nguồn lực này. Hiện nay, thông qua hợp tác quốc tế, Bộ đang nghiên cứu và đưa vào Việt Nam những công nghệ bảo quản tiên tiến nhất của Nhật Bản, của Israel để đảm bảo nông dân sẽ có được sản phẩm có giá trị tối đa.

PV: Vậy khi nào công trình nghiên cứu này sẽ có kết quả đầu tiên, thưa Bộ trưởng?

-Hiện sản phẩm lúa, gạo đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là một trong những sản phẩm quốc gia cần đầu tư để có chuỗi công nghệ từ khâu làm giống đến khâu xuất khẩu. Chúng tôi tin tưởng rằng với công nghệ bảo quản lúa gạo sau thu hoạch, chất lượng phục vụ cho xuất khẩu sẽ được bảo đảm. Riêng về rau quả, hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang hợp tác với đối tác Nhật Bản, họ đã sẵn sàng chuyển giao công nghệ bảo quản rau quả cho Việt Nam. Đây là công nghệ rất hiện đại nên việc đầu tư là không nhỏ. Bộ đang có dự án trị giá 1 triệu USD để nghiên cứu và chuyển giao công nghệ này của Nhật Bản. Nếu dự án này thành công, quả dưa hấu của nông dân Hải Dương sẽ được bảo quản không chỉ một vài tháng mà có thể tới vài năm.

PV:  Là một trong những mặt hàng nông sản chiến lược nhưng giá lúa của Việt Nam lại thấp hơn so với Nhật Bản và Thái Lan.... Xin Bộ trưởng cho biết khi nào chúng ta mới có công nghệ chế biến để nâng cao giá trị kinh tế cho mặt hàng nông sản chiến lược của đất nước?

- Đây cũng là đặc điểm của nền kinh tế bắt đầu bước vào kinh tế thị trường. Trước đây, đất nước thiếu đói nên mục tiêu là phải làm sao có đủ gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Chính vì thế, chúng ta đi theo hướng nâng cao nâng suất và mở rộng diện tích để đảm bảo sản lượng tối đa. Với hướng đi này, chúng ta đã thành công và đến nay Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nhưng có một vấn đề đặt ra là giá gạo của Việt Nam rất thấp so với các nước đứng đầu, điều này là do khi chạy theo sản lượng thì việc đảm bảo mức độ đồng đều về giống, chất lượng hạt gạo, cũng như bảo quản chế biến sau thu hoạch chưa đồng nhất.

Chính vì thế chúng ta cần cân nhắc lại việc chạy theo sản lượng. Trong thời gian tới không nên chạy theo sản lượng mà cần nâng cao chất lượng hạt gạo thì doanh thu từ xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục tăng trong khi không phải mở rộng diện tích trồng lúa. Điều này buộc các nhà khoa học phải quan tâm tạo ra giống phù hợp, đồng thời, toàn bộ diện tích trồng lúa phải tương đối đồng nhất về giống để đảm bảo chất lượng hạt gạo xuất khẩu của Việt Nam thì mới có thể có được giá xuất khẩu tốt.

Để thực hiện được mục tiêu này, công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch vô cùng quan trọng, đặc biệt là công nghệ chế biến. Hiện nay, gạo Thái Lan có giá trị hơn gạo Việt Nam do khâu chế biến của Thái Lan đảm bảo cả về hình thức, chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng của hạt gạo. Đã đến lúc Việt Nam phải đi theo con đường này để không chỉ hạt gạo mà còn cả cà phê, hồ tiêu của Việt Nam có chất lượng đồng đều, có thương hiệu góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Phương Nga (lược ghi)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner