Anh Nguyễn Văn Liền (38 tuổi) chế tạo máy tách vỏ hạt điều cải tiến, dẫn động trực tiếp không dùng nhông xích, cho năng suất 9-10 tấn trong 8 giờ hoạt động.
Hiện nay, nhiều máy tách vỏ hạt điều là loại dẫn động bằng nhông xích. Chỉ sau hơn một năm sử dụng độ bền máy giảm vì hệ thống dẫn động bị giãn, khiến chủ máy phải thay dây hoặc tăng xích. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động máy, khiến nông dân chế biến điều phải thay máy mới chỉ sau hơn một năm sử dụng, dẫn đến chi phí tăng cao. Nhận thấy vấn đề này, anh Nguyễn Văn Liền (TX Phước Long) với kiến thức chuyên môn từng học ngành cơ khí chế tạo máy Cao đẳng công nghệ Lilama 2 (Đồng Nai) đã nghiên cứu cách khắc phục nhược điểm của máy.
Trong hai năm, anh và các cộng sự ở công ty cơ khí Gia Bảo đã nhiều lần thử nghiệm hệ thống dẫn động trực tiếp bằng bánh răng của máy tách vỏ hạt điều tại xưởng cơ khí ở phường Long Phước, TX Phước Long. Kết quả cho thấy khi cải tiến hoạt động máy tách vỏ hạt điều giúp loại bỏ hoàn toàn hệ thống nhông xích trên các máy thế hệ cũ, tăng độ bền máy, năng suất tăng gấp đôi so với các máy dùng nhông xích.
Máy được nhóm thiết kế có kích thước dài 0,9 m, rộng 0,8 m, cao 1,1 m, làm bằng thép, trọng lượng gần 1,5 tấn. Thân máy bố trí 16 dao chẻ xoay tròn trong một lồng sắt dẫn động bằng bánh răng, dùng mô tơ điện xoay chiều. Hệ thống dao với cơ chế chẻ dọc theo hình cong hạt với đường cắt dài hơn so với máy nhông xích giúp điều ít bị vỡ, tỷ lệ hao hụt thấp, dưới 0,5%.
Khi thử nghiệm, trên hệ thống hai đầu máy chẻ hạt điều loại A (kích thước hạt lớn nhất) cho năng suất 9-10 tấn trong 8 giờ hoạt động, tỷ lệ hạt vỡ dưới 3%, tỷ lệ hạt sót chỉ từ 1-3%. Các loại hạt điều kích thước nhỏ hơn cho năng suất thấp hơn.
Anh cho biết, trên thị trường máy có giá khoảng 800 triệu đồng. Máy của nhóm có năng suất và độ bền cao hơn so với các máy cũ, được bán khoảng 980 triệu đồng, bao gồm đầu máy và hệ thống dây chuyền sản xuất gồm cấp liệu, băng chuyền, máy sàng... "Ngoài thị trường trong nước, dự kiến sản phẩm sẽ xuất khẩu sang Ấn Độ, một số nước châu Phi...", anh cho biết.
Ông Nguyễn Minh Thi, chủ cơ sở chế biến điều ở huyện Bù Đăng, Bình Phước cho biết, các máy chẻ hạt điều trước đây sử dụng nhông xích, sau một thời gian hay bị hỏng vặt, khiến chi phí sửa chữa tăng cao. "Máy chẻ điều cải tiến này vừa tăng năng suất, vừa độ bền cao khắc phục những nhược điểm máy chạy bằng nhông xích", ông Thi nói.
Đánh giá về sản phẩm, ông Chu Bá Long, Phó chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp khoa học công nghệ TP HCM, cho biết điểm khác biệt của máy là cơ chế dẫn động trực tiếp làm cho thiết kế gọn hơn so với các máy dẫn động bằng nhông xích. Cơ chế tách vỏ của máy sử dụng 16 dao với đường chẻ dài cho năng suất cao hơn, tỷ lệ hao hụt thấp.
"Sản phẩm này có thể thay đổi hệ thống gia công tách hạt điều đang sử dụng hiện nay với những ưu điểm trên, nên tiềm năng thị trường rất lớn", ông Long nói và cho biết Hiệp hội sẽ giới thiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp thành viên và mở rộng cho các doanh nghiệp khác để sản phẩm đi vào cuộc sống.
Sản phẩm máy tách vỏ hạt điều được Cục Sở hữu Trí tuệ chấp nhận đơn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp hồi tháng 9/2021.
Bình Phước được coi là "thủ phủ điều" của Việt Nam với diện tích hơn 141.000 ha và sản lượng điều thô hơn 200.000 tấn mỗi năm, lớn nhất nước. Đây cũng là địa phương duy nhất được công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cây điều.
Theo Cục Thống kê tỉnh, điều đang là cây trồng chủ lực tại các huyện: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đốp... Toàn tỉnh có 280 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở kinh doanh, chế biến hạt điều, trong đó có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Bình Phước đã thành lập hơn 40 tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất điều với hơn 500 hội viên nhằm đạt mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu điều đạt 1 tỷ USD mỗi năm.