Mới đây, tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn Đại sứ mới được bổ nhiệm.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong cho biết, thời gian qua ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị là ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam. Bộ trưởng hi vọng thời gian tới quan hệ ngoại giao về KH&CN sẽ ngày càng được đẩy mạnh, xứng tầm với các quan hệ ngoại giao khác. Bộ trưởng chúc mừng các Đại sứ với cương vị, trọng trách mới, bề dày kinh nghiệm, sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Ông Phạm Xuân Sơn- Đại sứ mới được bổ nhiệm tại Liên Bang Nga bày tỏ mong muốn chia sẻ, đóng góp một phần nhỏ bé của mình hỗ trợ Bộ KH&CN hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Theo Ông, ngoài nỗ lực của các nhà khoa học trong nước thì những vấn đề hợp tác quốc tế, tiếp thu những trí tuệ, kinh nghiệm của thế giới có vai trò rất quan trọng.
Hiện Bộ KH&CN đang trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Hội nhập quốc tế về KH&CN và xây dựng Chương trình triển khai để đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KH&CN với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước mạnh trong một số lĩnh vực KH&CN vào năm 2020, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, rút ngắn khoảng cách về trình độ KH&CN của nước ta với khu vực và thế giới.
Kinh nghiệm của các nước phát triển và đang phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan… cho thấy việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KH&CN có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhiều chương trình đang được triển khai như: đẩy mạnh các chương trình hợp tác nghiên cứu chung song phương và đa phương với mục tiêu giải quyết các nhiệm vụ KH&CN ở trình độ quốc tế; tăng cường nguồn lực thông tin KH&CN cho các nhà khoa học Việt Nam. Mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam (VinaRen) đã cho phép cộng đồng khoa học Việt Nam tiếp cận khai thác các nguồn tin và kết nối với trên 45 triệu đồng nghiệp của hơn 8.000 trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu của khu vực và thế giới.
Đặc biệt, chương trình tìm kiếm bí quyết, giải mã và làm chủ công nghệ của nước ngoài nhằm nâng cao năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam đang được triển khai. Qua đó, tiếp cận với công nghệ tiên tiến, công nghệ quản lý, quản trị doanh nghiệp của thế giới.
Bộ KH&CN cũng đang đẩy mạnh hợp tác với Nga, Hoa Kỳ và Nhật Bản về chương trình hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phục vụ mục đích hòa bình nhằm phục vụ cho chương trình điện hạt nhân của Việt Nam… Một số nước tiên tiến đang đẩy mạnh hợp tác KH&CN với Việt Nam và chủ động đề xuất thành lập các phòng thí nghiệm hỗn hợp và các trung tâm khoa học tại Việt Nam hoặc các nước.
Với những nội dung, nhiệm vụ, chương trình mà Bộ KH&CN đang xây dựng thì hoạt động hội nhập quốc tế rất cần sự phối hợp chặt chẽ với các Đại sứ và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ về hợp tác KH&CN với gần 70 nước, tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ. Hơn 80 Hiệp định hợp tác KH&CN cấp Chính phủ và cấp Bộ đã được ký kết và đang thực hiện. Việt Nam đang là thành viên của gần 100 tổ chức quốc tế và khu vực về KH&CN. Từ năm 2000 đến nay có hơn 540 thỏa thuận, hợp đồng hợp tác quốc tế về KH&CN được thực hiện tại các cơ sở nghiên cứu triển khai các cấp, hơn 400 nhiệm vụ nghiên cứu song phương giữa các tổ chức KH&CN Việt Nam với các tổ chức KH&CN của các nước đã và đang được thực hiện từ năm 2005 được Bộ KH&CN cấp kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Phương Nga