Sáng ngày 27/03, tại Viện Khoa học Thủy lợi đã diễn ra buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu tiềm năng “Nghiên cứu giải pháp đập ngầm trữ nước ngăn mặn vùng ven biển Bình Thuận – Ninh Thuận” (KC.08.TN1/11-15) do TS. Nguyễn Cao Đơn – Đại học Thủy lợi làm chủ nhiệm đề tài.
Đề tài được thực hiện từ tháng 1/2012 – 12/2012.
Theo đó, Đề tài nhằm nghiên cứu giải pháp xây dựng thử nghiệm đập ngầm khai thác sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước dưới lòng đất ở vùng thường xuyên bị hạn, ven biển và hải đảo để phát triển bền vững tài nguyên nước.
TS.Nguyễn Cao Đơn cho biết, qua một năm nghiên cứu, đề tài đã đạt được một số kết quả ấn tượng như: Xây dựng được cơ sở khoa học nghiên cứu xây dựng đập ngầm, phân tích những điều kiện cần thiết để xây dựng đập ngầm; Giải pháp xây dựng đập ngầm trong đề tài một giải pháp hữu ích, đơn giản về mặt kỹ thuật, yêu cầu chi phí thấp và mang tính bền vững về mặt môi trường xã hội...
Bên cạnh đó, trên cơ sở đánh giá, phân tích các quá trình động lực dòng chảy của nước ngầm cũng như đánh giá sự dịch chuyển biên mặn - nhạt và tính toán cân bằng nước bằng mô hình số tại khu vực đảo Phú Quý, đề tài đã đề xuất giải pháp xây dựng đập ngầm để có thể làm gia tăng trữ lượng nước ngầm.
Đây cũng là lần đầu tiên đề tài đã lượng hóa được hiệu quả của việc xây dựng đập ngầm về: khả năng dâng cao mực nước ngầm; khả năng gia tăng trữ lượng nước ngầm; khả năng gia tăng thể tích nước nhạt. Phương pháp tính toán này hoàn toàn có thể áp dụng trong tính toán tương tự.
Dự án cũng được minh chứng có tính khả thi về các mặt kỹ thuật, kinh tế, ít tác động môi trường khi xây dựng và có các tác động tích cực tới môi trường tự nhiên và xã hội.
Tin, ảnh: Hoàng Anh