Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh hô hấp” đã đưa ra được những kỹ thuật tiên tiến, đột phá mang tính sáng tạo, khẳng định được vị thế của y tế Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và tiệm cận trình độ quốc tế về lĩnh vực chẩn đoán, điều trị các bệnh đường hô hấp, hướng tới chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam.
Đây là Cụm công trình nghiên cứu lớn, liền mạch và xuyên suốt với ba nhóm mục tiêu cốt lõi được thể hiện trong 23 nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Viết Nhung và 24 đồng tác giả. Kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng trên 3 năm để giải quyết một vấn đề y tế cộng đồng rất khó khăn là bệnh hô hấp, đặc biệt là bệnh lao ở nước ta. Cụm công trình nghiên cứu trên phạm vi toàn quốc với số người tham gia nghiên cứu lên đến hàng trăm ngàn người, được thực hiện bởi số lượng nghiên cứu viên lớn từ trung ương đến địa phương, thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới thuộc chuyên ngành hô hấp.
Cụm công trình được chia thành 3 nhóm chính: Nhóm 1: Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm và xây dựng phác đồ mới điều trị bệnh lao (7 nghiên cứu) – Vấn đề cốt yếu để giải quyết nguồn lây và điều trị triệt để bệnh lao; Nhóm 2: Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để chẩn đoán và điều trị một số bệnh hô hấp (12 nghiên cứu) - Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để xây dựng quy trình kỹ thuật ghép phổi, chẩn đoán, điều trị, quản lý cúm A (H5N1), ung thư phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và chít hẹp khí quản/phế quản; Nhóm 3: Hoạch định chính sách hiệu quả đồng bộ nhằm chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam (04 nghiên cứu) – Thực hiện một mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.
Đây là cụm công trình nghiên cứu có giá trị cao về khoa học và công nghệ, tập trung vào những vấn đề cốt lõi cần giải quyết, với các thiết kế nghiên cứu chuẩn mực quốc tế, áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, đột phá và mang tính sáng tạo, phù hợp với điều kiện văn hóa, kinh tế - xã hội Việt Nam, sử dụng các giải pháp đồng bộ để tối ưu hóa hiệu quả trên cộng đồng. Các kết quả ứng dụng thành công kỹ thuật tiên tiến đề sàng lọc, chẩn đoán sớm, xây dựng phác đồ điều trị mới, điều trị bệnh lao giúp giảm gánh nặng của bệnh lao. Tỷ lệ tử vong do lao năm 2020 giảm 34% so với năm 2015, về dịch tễ, tỷ lệ mắc lao nuôi cấy dương tính hiệu chỉnh giảm 37,1%... Các kết quả này giúp hoạch định chính sách, chiến lược kiểm soát lao hiệu quả, đồng bộ hướng tới chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam, thúc đẩy cam kết chính trị hướng tới kết thúc bệnh lao ở Việt Nam.
Theo GS.TS. Lê Bách Quang, Cụm công trình đã đưa ra được những kỹ thuật tiên tiến, đột phá mang tính sáng tạo. Cụm công trình khẳng định được vị thế của y tế Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và tiệm cận trình độ quốc tế về lĩnh vực chẩn đoán, điều trị các bệnh đường hô hấp, hướng tới chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam.
Những đóng góp của Cụm công trình đã được các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trên thế giới công nhận. Cụm công trình có hơn 200 bài báo và báo cáo trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Trong đó, Nhóm 1 có 31 công bố quốc tế; Nhóm 2 có 18 công bố quốc tế và 98 công bố trong nước; Nhóm 3 có 61 công bố quốc tế. Đặc biệt, Cụm công trình có nhiều nghiên cứu được thiết kế khoa học, triển khai và báo cáo chuẩn quốc tế, tạo ra các bằng chứng khoa học có tính chất vượt trội, được đăng tải trên các tạp chí hàng đầu thế giới về y học như New England Journal of Medicine (chỉ số Impact Factor: 74,699) và The Lancet (chỉ số Impact Factor: 60,392) được cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao. Đồng thời, Cụm công trình đã xuất bản được 14 sách phục vụ cho công tác đào tạo đại học và sau đại học, góp phần phục vụ công tác đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực y học, gồm có 15 tiến sĩ và 01 Bác sỹ chuyên khoa cấp 2.
Theo nhận xét của PGS.TS. Đoàn Huy Hậu, Cụm công trình có ảnh hưởng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển khoa học, kinh tế và an sinh xã hội, giảm được tỷ lệ mắc lao ở cộng đồng, tạo nên lợi ích to lớn về sức khỏe và kinh tế của người dân.
Đây thực sự là công trình có tác dụng lớn, phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng trong sự nghiệp pháp triển nền kinh tế quốc dân, ứng dụng khoa học và công nghệ trong thực tiễn. Cụm công trình nghiên cứu làm nền tảng thu hút các tổ chức và các nhà khoa học hàng đầu thế giới tập trung vào Việt Nam để thực hiện các nghiên cứu và đổi mới tiếp theo. Đồng thời, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sàng lọc phát hiện bệnh lao tại cộng đồng, tiếp tục ứng dụng phác đồ điều trị mới - thuốc mới, rút ngắn thời gian điều trị lao đa kháng và siêu kháng xuống 6-9 tháng và định hướng lồng ghép quản lý các bệnh mãn tính tại cộng đồng để chủ động phát hiện bệnh lao, bệnh phổi kẽ và tái tạo phổi, kéo dài thời gian sống cho người bệnh..
Theo đánh giá của PGS.TS. Trần Quang Phục, đây là Cụm công trình khoa học đặc biệt xuất sắc, thể hiện ở các giá trị khoa học của các đề tài với quy mô lớn. Với kết quả khoa học đã được áp dụng vào thực tế ở hệ thống các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, Cụm công trình đã tác động lớn đến dịch tễ bệnh lao, bệnh COPD, bệnh hen phế quản cũng như kỹ thuật ghép phổi tại Việt nam. Đóng góp của Cụm công trình được các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trên thế giới công nhận. Các thành tựu thực tế đã đạt được đã đóng góp cho việc phát triển chính sách, chiến lược với quy mô toàn quốc, tạo nền tảng cho việc chấm dứt bệnh lao và kiểm soát tốt bệnh lý không lây nhiễm đường hô hấp cũng như kỹ thuật ghép phổi tại nước ta.
Đây là một trong số những Công trình/Cụm công trình được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực Y tế.
Bài: Trần Hà