Công trình nghiên cứu “Vắc xin ho gà trên phụ nữ có thai tại Việt Nam: kết quả của một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên" đã đưa ra các bằng chứng khoa học chứng minh tiêm phòng ho gà (vắc xin ho gà vô bào) cho phụ nữ có thai là an toàn và có thể sử dụng để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh ho gà ở trẻ nhỏ.
Nghiên cứu do GS. TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương làm chủ nhiệm, được thực hiện từ năm 2012 – 2016. Đề tài nằm trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Bỉ và Việt Nam (FWO-NAFOSTED), do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương là đơn vị chủ trì vinh dự được là một trong những đề cử được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017.
Lần đầu tiên được tiến hành tại Việt Nam
GS. TS. Đặng Đức Anh cho biết, ho gà là bệnh truyền nhiễm ở đường hô hấp và là một trong những nguyên nhân chính gây nên tỉ lệ mắc, chết ở trẻ em, đặc biệt trẻ nhũ nhi. Hàng năm ước tính trên toàn thế giới có khoảng 50 triệu ca mắc ho gà, trong đó 95% ở các nước đang phát triển và xấp xỉ 300,000 ca tử vong. Mặc dù trẻ em đã được tiêm phòng nhiều thập kỷ qua nhưng bệnh vẫn tái xuất hiện kể cả ở các nước phát triển và được coi là nguyên nhân gây ra tỉ lệ mắc và tử vongở những trẻ không được tiêm phòng đầy đủ, dưới 6 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, các chiến lược nhằm sớm bảo vệ trẻ phòng bệnh ho gà đã được xem xét giữa việc giảm đi hoặc không còn kháng thể do mẹ truyền và việc trẻ được tiêm vắc xin khi mới sinh. Tiêm phòng sơ sinh đã có những thành công đáng kể. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ chỉ bắt đầu sau vài tuần, trái với miễn dịch chủ động từ kháng thể do mẹ truyền, có tác dụng bảo vệ từ những giờ đầu tiên sau sinh.
Từ đó đặt ra vấn đề cần phân tích lại yếu tố dịch tễ và các chiến lược tiêm chủng đã thực hiện bao gồm cả việc mở rộng đối tượng tiêm vắc xin ho gà vô bào cho phụ nữ mang thai. Để bảo vệ tối ưu cho phụ nữ mang thai và thai nhi chống lại các bệnh truyền nhiễm chúng ta có thể tiêm phòng vắc xin cho phụ nữ trước khi họ mang thai. Những lợi ích của tiêm chủng trong khi mang thai và cho con bú giúp phòng bệnh cho trẻ sơ sinh mang lại lớn hơn nguy cơ theo lý thuyết của các tác dụng phụ có thể xảy ra.
"Chính vì vậy, đây là công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên ở Việt Nam, áp dụng việc tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà – bạch hầu - uốn ván cho phụ nữ có thai tại thời điểm 18 - 36 tuần tuổi thai với mục đích tăng cường miễn dịch chủ động phòng bệnh ho gà từ mẹ truyền cho con, đặc biệt bảo vệ trẻ ngay từ lúc sinh và trong giai đoạn 2 tháng tuổi trước khi trẻ bắt đầu được tiêm vắc xin phòng bệnh”, GS. TS. Đặng Đức Anh chia sẻ.
Việc chọn lựa đối tượng nghiên cứu của từng nơi được thực hiện bởi từng nhóm nghiên cứu (100 đối tượng phụ nữ có thai tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà và 100 đối tượng không tiêm vắc xin).
Theo GS. TS. Đặng Đức Anh, tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu được chọn lựa tiến hành tại Hà Nam: 3 xã Bắc Lý, Đức Lý và Nhân Chính, huyện Lý Nhân, Tỉnh Hà Nam. Thời gian thực hiện tiêm phòng vắc xin, lấy máu, theo dõi cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi là từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2015.
Nhóm nghiên cứu đã chọn 2 nhóm người để tiến hành nghiên cứu. Nhóm 1: Phụ nữ có thai (18-36 tuần), tuổi từ 18 – 40 tuổi khoẻ mạnh bình thường, không có bệnh tật; Nhóm 2: Trẻ sơ sinh (được được sinh bởi những bà mẹ tham gia vào nghiên cứu) khoẻ mạnh bình thường, không có bệnh tật.
PGS.TS. Hoàng Thị Thu Hà trong phòng thí nghiệm
Nhóm phụ nữ có thai tham gia nghiên cứu sẽ được quản lý trước/sau khi tiêm, lấy máu và theo dõi tại địa phương (theo quy định “thực hành lâm sàng tốt” của Bộ Y tế - đối với đối tượng tham gia nghiên cứu tại Việt Nam). Nhóm trẻ sơ sinh tham gia nghiên cứu cũng sẽ được quản lý trước/sau khi lấy máu và theo dõi tại địa phương (theo quy định “thực hành lâm sàng tốt” của Bộ Y tế và chương trình tiêm chủng Quốc gia do tiêm phòng vắc xin theo chương trình).
Tiêm phòng cho đối tượng nghiên cứu phải tuân theo quy tắc, đó là tuyệt đối tuân thủ qui trình chuẩn của Hội động Y đức Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Bộ Y tế Việt Nam và Hội đồng Y đức trường Đại học Anwerpt, Vương quốc Bỉ qui định. Trẻ em tiêm phòng vắc xin ho gà theo khuyến cáo chính thức của Bỉ tại tuần tuổi thứ 8, 12, 16 (vắc xin hexavalent). Tại Việt Nam, trẻ em tiêm phòng vắc xin vắc xin hexavalent theo lịch tiêm chủng quốc gia (EPI) tại tháng tuổi thứ 2, 3 và 4.
Để đảm bảo nội dung y đức của đề tài, sau giai đoạn nghiên cứu, trẻ sẽ được theo dõi một thời gian và được tiêm bổ sung 01 liều vắc xin hexavalent tại thời điểm tháng 18-24 (trước tiêm phòng) và tháng thứ 19 -25 (sau khi tiêm phòng).
Các mẫu máu được phân tích tại phòng thí nghiệm khoa Vi khuẩn, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Trường Đại học Antwerp, Vương quốc Bỉ. Kết quả phòng thí nghiệm được xử lý và phân tích số liệu để công bố bài báo khoa học tại Việt Nam và Vương quốc Bỉ trong các năm từ 2013-2016.
Ý nghĩa lớn về khoa học và đời sống
PGS.TS. Hoàng Thị Thu Hà, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, công trình nghiên cứu mang lại các kết quả có ý nghĩa khoa học như công trình đã đánh giá được tính an toàn của vắc xin phòng ho gà – bạch hầu – uốn ván (là loại vắc xin hấp phụ, giải độc tố uốn ván, giải độc tố bạch hầu giảm liều và ho gà vô bào) trên phụ nữ có thai tại Việt Nam. Đây là bằng chứng góp phần khuyến cáo sử dụng vắc xin này cho phụ nữ có thai nhằm phòng bệnh ho gà – bạch hầu – uốn ván, với một liều duy nhất.
Công trình cũng đã đánh giá đáp ứng kháng thể ho gà ở máu bà mẹ và cuống rốn sau khi tiêm phòng vắc xin ở thời kỳ mang thai. Sau khi tiêm vắc xin đáp ứng miễn dịch tốt, nồng độ kháng thể kháng ho gà, bạch hầu, uốn ván ở các bà mẹ đều tăng cao so với trước khi tiêm. Đồng thời, nồng độ kháng thể ở máu cuống rốn cao hơn rõ rệt ở nhóm trẻ là con của những phụ nữ được tiêm vắc xin phòng bệnh khi mang thai và chứng minh khả năng bảo vệ trẻ ở giai đoạn khi mới sinh và trước khi tiêm mũi vắc xin phòng bệnh ho gà đầu tiên theo lịch của chương trình Tiêm chủng quốc gia. Đánh giá việc tiêm phòng đủ 3 mũi theo lịch của chương trình Tiêm chủng quốc gia đã đảm bảo hiệu quả phòng bệnh ho gà ở trẻ sau tiêm. Nghiên cứu cũng chỉ ra được sự tương tác khi tiêm nhiều kháng nguyên và ảnh hưởng của kháng thể do mẹ truyền đối với đáp ứng vắc xin bạch hầu và uốn ván.
Thêm nữa, đây cũng là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam mô tả sự đáp ứng kháng thể bà mẹ và trẻ sinh ra đã tiêm phòng vắc xin ho gà vô bào của các hãng khác nhau. Sự ảnh hưởng của việc sử dụng các kháng nguyên khác nhau trong công thức sản xuất vắc xin về độ chuẩn, ái lực của kháng thể, cũng như tác động ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của trẻ cần được tiếp tục nghiên cứu so sánh trong tương lai.
Nghiên cứu này cũng đưa ra các bằng chứng khoa học chứng minh tiêm phòng ho gà (vắc xin ho gà vô bào) cho phụ nữ có thai là an toàn và có thể sử dụng để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh ho gà ở trẻ nhỏ. Đây cũng chính là tiền đề để thực hiện các nghiên cứu tiếp theo.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã mở ra các hướng nghiên cứu khác, không chỉ tập trung ở bệnh ho gà mà còn cung cấp các thông tin về mức tồn lưu kháng thể kháng bạch hầu ở các phụ nữ Việt Nam là thấp không đủ khả năng phòng bệnh. Thêm nữa, với các kết quả nghiên cứu, đặc biệt ở khía cạnh chẩn đoán huyết thanh học và dịch tễ học, đề tài sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, giám sát dịch bệnh trong quá trình nghiên cứu bệnh lâu dài, đồng thời nâng cao chất lượng phòng và ngăn ngừa bệnh lây lan trong cộng đồng, là một trong những mục tiêu then chốt của ngành Y tế.
Box: Tại Việt Nam, sau khi vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván được đưa vào sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) hơn 30 năm nay, số trường hợp mắc ho gà trên 100,000 dân giảm từ 90 (năm 1981) đến 0,06 (năm 2013). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ho gà vẫn là mối quan tâm của Việt Nam vì ca bệnh ho gà vẫn xảy ra mặc dù những nỗ lực của chương trình tiêm chủng mở rộng duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao hơn 90% trên quy mô toàn quốc trong hơn 20 năm nay. Tỉ lệ mắc bệnh ho gà tiếp tục tăng ở những trẻ còn quá nhỏ, chưa đủ tuổi để được tiêm chủng vào lúc 2 tháng tuổi hoặc được tiêm chủng đầy đủ 3 liều vắc xin cơ bản phòng bệnh ho gà. Điều đáng lo ngại là đa số các trường hợp mắc ho gà nặng và tử vong xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ là đối tượng chưa được tiêm phòng.
Bài, ảnh: Hoàng Anh