Việt Nam hiện có gần 60 đơn vị nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc. Với việc nghiên cứu về Tế bào gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong y học, giúp điều trị nhiều bệnh lý như thuyên tắc phổi mãn tính, các bệnh lý xương khớp… và đạt được những thành tựu bước đầu đáng ghi nhận.
Nhiều thành tựu đáng ghi nhận
Ông Nguyễn Trung Nam, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam cho biết, tế bào gốc được Viện chú trọng từ hơn 10 năm qua, đã có nhiều đề tài chủ yếu ở lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Gần đây Viện chú trọng hơn đến những nghiên cứu ứng dụng của tế bào gốc liên quan điều trị một số bệnh. Hiện Viện có nhiều đề tài các cấp Bộ, Nhà nước liên quan đến chức năng của tế bào gốc, biệt hóa tế bào gốc thành các tế bào khác nhau trong cơ thể chủ yếu liên quan đến việc chữa các bệnh về máu, xương, khớp và các bệnh liên quan đến ung thư.
Đề tài “Nghiên cứu biệt hóa tế bào chức năng gan từ tế bào gốc người và chuột” do TS. Nguyễn Văn Hạnh, Phó trường phòng Công nghệ phôi, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn Lâm KH&CN VN) thực hiện cùng các cộng sự là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam sử dụng kỹ thuật khảo sát sự di trú và định hình tế bào sau quá trình ghép vào cơ thể trong điều kiện phòng thí nghiệm thông qua đánh giá di chuyển của tế bào tới vùng định hướng đích của tế bào sau cấy ghép.
TS. Nguyễn Văn Hạnh chia sẻ, mục tiêu của đề tài là tạo tế bào chức năng gan để có thể xa hơn là ứng dụng trên người. Đề tài còn mở hướng nghiên cứu tạo các mô hình sử dụng trong việc sàng lọc các hoạt chất có hoạt tính cho các bệnh liên quan về gan, thay thế cho các nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc chủ yếu là cấy ghép theo thuốc và không đánh giá dựa trên các chỉ số lâm sàng. Đặc biệt, nghiên cứu của đề tài đã tạo mới mô hình có thể định lượng tế bào khu trú ở trong các cơ quan đích của mẫu bệnh.
Theo đánh giá của nhóm thực hiện, kết quả đạt được của đề tài tương đối khả quan. Đặc biệt nhóm đã tạo được mô hình có thể đánh giá được tế bào sau khi cấy ghép. Việc tạo ra mô hình cấy ghép tế bào gốc, tế bào gan và đánh giá trong điều kiện phòng thí nghiệm còn tạo cơ hội mở rộng nghiên cứu về khả năng ứng dụng cho cấy ghép tế bào gốc, tế bào gan biệt hóa từ tế bào gốc phục vụ chữa bệnh liên quan đến gan, sàng lọc các hoạt chất có chức năng để chữa bệnh trước khi thử nghiệm trên người và ứng dụng để đánh giá trên các mô hình bệnh khác.
Đề tài “Tái tạo tế bào thần kinh từ tế bào máu ngoại vi của bệnh nhân Alzeimer” do TS. Lê Thị Thùy Dương, Phòng Công nghệ AND Ứng dụng, Viện Công nghệ Sinh học, (Viện Hàn lâm KH&CN VN) làm chủ nhiệm với các nội dung: Phân lập và nhân nuôi các tế bào máu và thẩm chuyển các yếu tố tái lập trình vào tế bào; Nhận diện và nhân nuôi quần lạc tế bào gốc iPSC; Biệt hóa tế bào iPSC thành tế bào thần kinh và Nhân diện tế bào thần kinh Alzeimer bước đầu đã tạo ra những dòng tế bào IPS ổn định đồng thời tái tạo ra các tế bào thần kinh có nguồn gốc từ chính người bệnh đó. Những tế bào thần kinh này sẽ được lấy để làm mô hình trong việc sàng lọc thuốc, thậm chí là thử thuốc với chính người bệnh. Xa hơn đề tài có thể tạo ra những mô hình bệnh để nghiên cứu về cơ chế cũng như tác dụng của bệnh.
TS. Lê Thị Thùy Dương cho biết thêm, hiện nay nhóm đang nghiên cứu các tế bào thần kinh được biệt hóa từ tế bào IPS. “Nhóm bệnh chúng tôi hướng tới là bệnh Alzeimer (bệnh mất trí nhớ) với mục đích tạo ra được các tế bào thần kinh từ người bệnh, từ trực tiếp các tế bào trưởng thành của người bệnh, tạo ra các mô hình để cùng với các nhà khoa học nghiên cứu về cơ chế cúng như nguyên nhân gây bệnh”. Bệnh Alzeimer có rất ít nghiên cứu về nguyên nhân cũng như thuốc điều trị, cơ chế điều trị nên đã mở ra một triển vọng cho nhóm nghiên cứu ra những tế bào thần kinh nhằm mục đích nghiên cứu cơ chế nguyên nhân gây bệnh. Thậm chí là sàng lọc các….điều trị bệnh trong tương lai.
Điều trị các bệnh về máu
Mặc dù đi muộn hơn so với thế giới, nhưng đến nay, Việt Nam có nhiều ứng dụng tế bào gốc trong điều trị cho nhiều loại bệnh khác nhau đặc biệt là các bệnh về máu.
Viện Huyết học truyền máu trung ương- một trong những đơn vị bắt đầu triển khai phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu từ năm 2006; đến nay Viện đã ghép cho 360 ca bệnh, trong đó có 28 ca được ghép từ nguồn máu dây rốn cộng đồng. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh về máu sau khi được tiếp cận phương pháp ghép tế bào gốc đã có cuộc sống khỏe mạnh bình thường.
Bác sỹ Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa ghép Tế bào gốc, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết: Ghép tế bào gốc là phương pháp mục đích sử dụng hóa chất liều cao hoặc tia xạ để tiêu diệt tối đa tế bào ung thư cũng như có những phản ứng ức chế miễn dịch để truyền tế bào gốc hoặc của bệnh nhân hoặc của người cho sau đó mọc lên trong cơ thể người bệnh mục đích diệt tế bào ung thư cũng như tạo ra được ứng miễn dịch bởi các tế bào của người cho mọc lên sẽ giúp tiêu diệt tiếp những tế bào ung thư một mặt sẽ lui bệnh sâu hơn lâu tái phát đối với những phương pháp cấy ghép tự thân….cơ hội khỏi bệnh hoàn toàn.
Một kết quả nghiên cứu về tế bào gốc ngoại bì thần kinh trong điều trị Parkinson
Với nhiều ưu điểm, hiện phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu nói riêng và ghép tế bào gốc nói chung đã và đang được rất nhiều bệnh nhân tại viện lựa chọn để điều trị tùy theo từng loại bệnh mắc phải.
Tuy nhiên, Bác sỹ Võ Thị Thanh Bình nhận định, tùy từng nhóm bệnh thì kỹ thuật, mức độ khó cũng như chi phí, hiệu quả nó cũng khác nhau. Đối với nhóm bệnh ghép tự thân kỹ thuật này khá đơn giản và an toàn cho bệnh nhân nên gần như không có trường hợp biến chứng tử vong liên quan. Tùy từng nhỏm nguy cơ thải ghép cũng như nguy cơ tái phát cũng khác nhau (Tại Việnnhóm suy tủy xương thì hiệu quả đạt khoảng 80%. Nhóm bệnh ác tính như ung thư máu thì nguy cơ cơ tái phát cao nên tỷ lệ thành công khoảng 60%).
Ngoài hoạt động ghép tế bào gốc thì việc tiếp nhận, lưu trữ mẫu Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng cũng đạt được những kết quả nhất định. Từ năm 2010, Viện đã đưa vào hoạt động Trung tâm Tế bào gốc nay đổi tên là ngân hàng tế bào gốc.
Theo Bác sỹ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, với chức năng là taọ nguồn tế bào gốc để cho gép, điều trị các bệnh liên quan đến máu. Thứ hai các xét nghiệm liên quan đến tế bào gốc, tính chất tế bào gốc cũng như các thí nghiệm liên quan đến gép, từ khi hoạt động đến nay ngân hàng tế bào gốc chịu trách nhiệm cung cấp cho nguồn tế bào gốc cho các hoạt động ghép không chỉ trong viện mà một số các bệnh viện khác cũng như chuyển giao các công nghệ về tế bào gốc.
Để việc lưu trữ tế bào gốc đạt kết quả cao nhất, việc ứng dụng công nghệ đối với hoạt động này cũng được đơn vị chú trọng, triển khai. Bác sỹ Trần Ngọc Quế khẳng định, có nhiều công nghệ khác nhau. Ví dụ như công nghệ thủy tinh là làm đông khô. Tuy nhiên hiện trên thế giới chủ yếu là lưu trữ trong nito lỏng. Để có tế bào gốc lưu trữ được không phải chúng ta cứ lấy về.
Tiềm năng nhưng hạn chế về đầu tư
Mặc dù là một lĩnh vực tiềm năng nhưng thực tế việc ứng dụng tế bào gốc ở Việt Nam trong những năm qua vẫn còn ở mức khiêm tốn do hạn chế về đầu tư trong khi việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ cao trong y học như công nghệ tế bào gốc vào điều trị bệnh là một nhu cầu, một nhiệm vụ cấp bách đối với các đơn vị nghiên cứu y, sinh học. Vì thế, cần có một chiến lược tổng thể dài hạn mang tầm quốc gia để đưa lĩnh vực này hòa nhập và dần bắt nhịp với trình độ khu vực và thế giới.
Tiềm năng là thế, nhưng cũng giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam vẫn chưa có các chính sách về tế bào gốc. Mặc dù đã được dự thảo từ năm 2015 nhưng đến nay, sau gần bốn năm, luật về máu và tế bào gốc vẫn chưa được ban hành, cũng như chưa có thêm các hướng dẫn khác về việc triển khai nghiên cứu, khai thác, ứng dụng hay các hoạch định chiến lược cho lĩnh vực nghiên cứu này. Các đề tài dự án về tế bào gốc chưa được định hướng và quy hoạch một cách rõ ràng. Các dự án đầu tư về sản xuất và ứng dụng tế bào gốc trong y học vẫn đang được các đơn vị mà chủ yếu là tư nhân thực hiện nhưng mạnh ai nấy đi. Đó cũng là lí do khiến cho việc khởi động một nền công công nghiệp đầy tiềm năng – công nghiệp tế bào gốc tại Việt Nam đến nay vẫn đang manh mún và chưa thể nhìn thấy được cụ thể hiệu quả đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của lĩnh vực này.
Bài, ảnh: PV