Ngày 28/1, tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.01/11-15 đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước Đề tài “Nghiên cứu làm chủ công nghệ dịch vụ đám mây” mã số KC.01.01/11-15 do PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội làm chủ nhiệm đề tài.
Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, việc nghiên cứu làm chủ công nghệ dịch vụ đám mây: tạo lập và cung cấp dịch vụ, cung cấp nội dung số, quản lý truy cập. Nghiên cứu làm chủ một số công nghệ phần mềm “lõi” dựa trên các công cụ nguồn mở liên quan đến dịch vụ đám mây, từ đó thiết kế, xây dựng môi trường điện toán đám mây và tiến đến cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây cho doanh nghiệp và cộng đồng tại Việt Nam. Xây dựng lộ trình phát triển và thực hiện các dịch vụ điện toán đám mây dùng cho các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp (đám mây doanh nghiệp) và cộng đồng (đám mây công cộng) ở Việt Nam.
Với việc nghiên cứu tổng hợp mô hình dịch vụ đám mây và mô hình quản lý, khai thác các dịch vụ điện toán đám mây trong trong nghiên cứu, phát triển, đào tạo và ứng dụng; nghiên cứu giải pháp thiết lập môi trường, cung cấp và quản lý dịch vụ điện toán đám mây (các chuẩn mô tả dữ liệu, metadata, cung cấp thông tin, tìm kiếm, bảo mật, mở rộng tích hợp các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng dịch vụ đám mây). Đề tài đã thiết kế và xây dựng các thành phần quan trọng phục vụ khai thác dịch vụ điện toán đám mây từ phía doanh nghiệp và cộng đồng; thiết kế, xây dựng giải pháp (sản phẩm mẫu) dùng để xây dựng, triển khai và cung cấp dịch vụ đám mây, dùng cho tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng (dựa trên phần mềm nguồn mở). Ứng dụng, triển khai một số dịch vụ điển hình của điện toán đám mây như: Cung cấp các dịch vụ cho thuê hạ tầng; Cung cấp dịch vụ cho thuê nền tảng; Cung cấp dịch vụ cho thuê phần mềm: Mail, Conference, VoIP, Storage,…
Nhóm thực hiện Đề tài đã tiến hành thử nghiệm sản phẩm nghiên cứu tại các công ty, tổ chức như: Cty TNHH Bình Minh, Cty TNHH SmartHome, Cty Cổ phần công nghệ An Phương Đông và Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông- Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Các thử nghiệm cho thấy hệ thống vận hành ổn định và đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ tại các cơ sở thử nghiệm, đã xây dựng và tích hợp một số thành phần/gói phần mềm từ các công cụ nguồn mở để xây dựng một giải pháp đám mây riêng hoàn chỉnh và đồng bộ, với chức năng quản trị đám mây hiệu quả và trong suốt với người sử dụng.
Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu Đề tài, trong tương lai, để cải thiện và phát triển hơn nữa sản phẩm, nhất là hướng phát triển của phần mềm nhúng (BKCLIENT), phải cải tiến thêm phần giao diện người dùng như thêm background, các hiệu ứng động khi đăng nhập, đưa thông báo…, sát nhập cơ sở dữ liệu người dùng hiện tại vào cơ sở dữ liệu đám mây của hạ tầng CloudStack (phần mềm mã nguồn mở). Trong thời gian tới, nhóm đề tài mong muốn được tiếp tục phát triển các sản phẩm nghiên cứu kết hợp các dịch vụ phần mềm dự án phần mềm nguồn mở phục vụ cộng đồng và sản phẩm phần mềm nguồn mở ở thị trường tại Việt Nam.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao nhóm thực hiện Đề tài đã hoàn thành các nhiệm vụ về sản phẩm khoa học công nghệ và có giá trị thực tiễn trong hướng triển khai sắp tới. Bên cạnh đó, các thành viên hội đồng nghiệm thu đã có nhiều ý kiến góp ý về hình thức cũng như nội dung đề tài như: bổ sung thuyết minh khả năng tùy biến mã nguồn cho các nền tảng và các hệ điều hành khác nhau; quy trình đóng gói sản phẩm để đảm bảo mức độ sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp khi tiếp nhận sản phẩm; bổ sung tài liệu cài đặt và hướng dẫn vận hành; bổ sung thống kê hiệu năng so sánh đánh giá kết quả thử nghiệm với các đơn vị trong nước tính từ thời điểm thực hiện; làm rõ đóng góp mới về nguồn mở, quảng bá trong cộng đồng nguồn mở… Hội đồng cũng đề nghị ĐH Bách khoa Hà Nội có thể chuyển giao áp dụng tại trường, tiến tới áp dụng tại cụm các trường kỹ thuật và mở rộng ra trong các năm tiếp theo. Hội đồng nghiệm thu đã thống nhất thông qua và đánh giá đề tài xếp loại khá.
Tin, ảnh: Bùi Hiếu