Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 05:07 am
Cập nhật : 10/02/2022 , 09:02(GMT +7)
Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
GS.TS Trần Thọ Đạt
Sau 5 năm thực hiện, 52 đề tài của Chương trình Nghiên cứu các vấn đề trọng yếu của khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về các sản phẩm ứng dụng, phục vụ việc xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cũng như các công bố trong nước và quốc tế.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Thọ Đạt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu các vấn đề trọng yếu của khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” (KX.01/16-20) xoay quanh Chương trình.

- Ông có thể đánh giá về hiệu quả của Chương trình?

- GS.TS Trần Thọ Đạt: Sau 5 năm thực hiện, Chương trình đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Nhiều đề tài có kết quả nghiên cứu mới, một số đề tài đã kịp thời cung cấp kết quả nghiên cứu cho việc phục vụ cho công tác soạn thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như xây dựng và hoàn thành các chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển của Bộ, ngành và địa phương.

Tất cả các đề tài có kết quả cung cấp những luận giải cho việc nâng cao nhận thức lý luận và thực tiễn, góp phần phát triển khoa học xã hội và nhân văn. Gần 400 bài báo trong nước và quốc tế từ kết quả nghiên cứu của các đề tài đã được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế, trong đó tỷ lệ bài báo công bố quốc tế đạt trên 10%. Số đề tài có công bố quốc tế đạt trên 30%. Số bài báo được công bố trên các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng thuộc danh mục ISI, Scopus chiếm tỷ lệ 60% trên tổng số các công bố quốc tế. Chỉ tiêu này đã vượt mức kế hoạch đề ra.

Về hội thảo: 161 bài tham gia hội thảo khoa học quốc gia, 26 bài tham gia hội thảo khoa học quốc tế. Gần 100 hội thảo khoa học quốc gia được tổ chức, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành. 100% đề tài đảm bảo chỉ tiêu đào tạo sau đại học, tham gia đào thạc sỹ và tiến sỹ, trong đó, đã tham gia đào tạo 95 tiến sỹ và 144 thạc sỹ.

Toàn bộ kết quả nghiên cứu trong Chương trình được chuyển giao cho các ban, bộ, ngành Trung ương phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách. Một số kết quả được chuyển giao cho doanh nghiệp và địa phương ứng dụng vào thực tế.

 - Ông có thể nói rõ hơn về mục tiêu của việc xây dựng Chương trình “Nghiên cứu các vấn đề trọng yếu của khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”?

- GS.TS Trần Thọ Đạt: Chương trình được xây dựng nhằm các mục tiêu: Cung cấp luận cứ khoa học về những vấn đề trọng yếu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhằm đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Đề xuất chính sách và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam; Xây dựng cơ sở dữ liệu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ công tác hoạch định và thực thi chính sách vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Đây là Chương trình tích hợp 4 trụ cột nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn về kinh tế, xã hội, văn hóa và con người.

Các đề tài trong Chương trình đều bám sát mục tiêu đề ra với các sản phẩm là những kiến nghị về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện đại nhưng vẫn bảo tồn và phát huy được những giá trị truyền thống, đáp ứng yêu cầu mới về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập sâu với khu vực và thế giới. Bên cạnh những khuyến nghị về việc hoàn thiện cơ chế chính sách vĩ mô, nhiều đề tài chú trọng đến tính ứng dụng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực có liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả cho hoạt động của các doanh nghiệp. Các kết quả thực tế đạt được về cơ bản vượt so với chỉ tiêu của Chương trình, đặc biệt là chỉ tiêu về công bố quốc tế trên các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cũng như các chỉ tiêu về đào tạo.

- Những khó khăn khi thực hiện các đề tài của Chương trình là gì thưa ông?

- GS.TS Trần Thọ Đạt: Năm 2020 là năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid khiến hoạt động tổ chức cũng như tham gia Hội thảo quốc tế bị hạn chế. Tuy nhiên, một số đề tài đã tổ chức Hội thảo quốc tế linh hoạt kết hợp cả hình thức online và offline. 

Việc tiếp xúc với mục đích phỏng vấn sâu hoặc lấy thông tin phục vụ nghiên cứu thường qua các kênh trong việc thực hiện các cuộc điều tra cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với một số doanh nghiệp, việc tiếp cận còn nhiều khó khăn, với các đối tượng khảo sát là chủ doanh nghiệp, chuyên gia có thời gian tiếp xúc hạn chế, khối lượng thông tin cần tìm hiểu lớn, mất nhiều thời gian để trả lời, trong khi kinh phí cho người tham gia khảo sát lại thấp hơn nhiều so với lương công lao động tương ứng của họ. Để thanh quyết toán, phiếu khảo sát cần có thông tin của doanh nghiệp tham gia, tuy nhiên, có một số doanh nghiệp việc cung cấp thông tin cá nhân có khó khăn. Các định mức chi cho điều tra khảo sát theo phiếu hiện nay quá thấp, khó triển khai có hiệu quả và cần điều chỉnh tăng định mức này.

- Khi mở ra các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước, tức là Bộ KH&CN đã tạo ra “sân chơi” cho các nhà khoa học. Ông có đề xuất giải pháp gì để “sân chơi” này ngày càng bổ ích và ngày càng có thêm nhiều kết quả đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội?

- GS.TS Trần Thọ Đạt: Chương trình được thực hiện đã thu hút sự quan tâm tham gia và phát huy trí tuệ của đông đảo các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ từ các tổ chức KH&CN trong và ngoài nước, cụ thể là: 33 tổ chức và 52 cá nhân chủ trì nhiệm vụ đến từ các Viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong cả nước; Gần 1.000 người tham gia vào các đề tài ở các vai trò khác nhau; Hơn 300 tổ chức tham gia phối hợp thực hiện, trong đó có các Ban, Bộ ngành Trung ương, các Sở chuyên ngành ở các địa phương, các tổ chức KH&CN trong cả nước; 30 chuyên gia nước ngoài tham gia hợp tác nghiên cứu; Hơn 200 nghiên cứu sinh và học viên cao học, cùng đông đảo lượng sinh viên tham gia vào các hoạt động nghiên cứu cũng như phục vụ nghiên cứu cho các nhiệm vụ của Chương trình.

Như vậy, quá trình triển khai các đề tài trong Chương trình thu hút được số lượng lớn nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học viên cao học ở cả ba miền tham gia đề tài, góp phần nâng cao năng lực, trình độ nghiên cứu cũng như các phương pháp tổ chức thực hiện, triển khai các hoạt động nghiên cứu ở các cấp độ. Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, tri thức khoa học trong quá trình triển khai đề tài giữa các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, trong quá trình phối hợp thực hiện khảo sát tại nước ngoài giúp nâng cao năng lực cho đội ngũ các nhà khoa học trong nước, tiếp thu được các kết quả nghiên cứu về vấn đề có liên quan do các nhà khoa học nước ngoài thực hiện đồng thời thúc đẩy sự hội nhập về khoa học của các nhà khoa học trong nước với cộng đồng khoa học quốc tế, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ. Thông qua việc thực hiện Chương trình, năng lực nghiên cứu, năng lực tổ chức nghiên cứu, năng lực xử lý hài hòa các mối quan hệ trong quá trình phối hợp để đạt được mục tiêu, năng lực công bố, các kiến thức thực tiễn, khả năng vận dụng lý luận vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của đội ngũ cán bộ tham gia triển khai đề tài cũng như của tổ chức chủ trì được nâng cao. 

 

GS.TS Trần Thọ Đạt phát biểu tại Hội nghị đánh giá, tổng kết Ngày Chương trình “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” mã số KX.01/16-20

- Các đề tài nghiên cứu của Chương trình đã được thực hiện thế nào để tránh lối mòn nặng về lý thuyết và thiếu tính thực tiễn?

- GS.TS Trần Thọ Đạt: Để đảm bảo nâng cao tính thực tiễn của việc thực hiện Chương trình, ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, đầu bài đặt hàng đã giao cho Ban chủ nhiệm Chương trình chủ động trên cơ sở phối hợp với Bộ KH&CN thành lập các nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng đầu bài cho các nhiệm vụ, cũng như xem xét các đặt hàng từ các Ban, Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức khoa học – công nghệ, sau đó đề xuất danh mục nhiệm vụ để đưa ra tuyển chọn hoặc giao trực tiếp trên cơ sở mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm của Chương trình đã được phê duyệt. Trong quá trình triển khai và đánh giá, đã có cải tiến nhiều tiêu chí đánh giá tác động kinh tế - xã hội cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội, có phương pháp, có bộ tiêu chí đánh giá dựa trên cơ sở khoa học và lượng hóa được hiệu quả kinh tế - xã hội của Chương trình. 

Toàn bộ các đề tài trong Chương trình đã và đang chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các Ban, Bộ, ngành Trung ương. Các kết quả nghiên cứu đã được chắt lọc, tổng hợp kịp thời và chuyển giao cho Tổ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng 13, góp phần xây dựng và hoàn thiện văn kiện phục vụ Đại hội Đảng. Bên cạnh việc chuyển giao và đóng góp trực tiếp cho công tác quản lý, hoạch định chính sách cấp Trung ương, nhiều kết quả nghiên cứu còn được chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp… Điển hình là các đề xuất nhằm giải quyết vấn đề an ninh việc làm cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được chuyển giao cho các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, Sở lao động thương bình xã hội các tỉnh Cần Thơ, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nam và Đà Nẵng, các vấn đề về phát triển du lịch nông nghiệp ở Đồng Bằng Sông Cửu Long được chuyển giao cho các tỉnh ở đồng bằng sông cửu Long, vấn đề thu hút khách du lịch Nga được chuyển giao cho Khánh Hòa...

Nhiều đề tài thuộc chương trình tạo ra các sản phẩm khoa học đặc thù, trong đó có bản đồ, các mô hình chuỗi sản phẩm du lịch nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, làm tài liệu cho các cơ quan quản lý du lịch trên địa bàn. Viện Đổi mới sáng tạo được hình thành từ đề tài KX.01.17, đặt tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã triển khai các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giới trẻ trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, IoT, thương mại điện tử, giáo dục STEM, sản xuất thương mại, Fintech, quảng cáo trực tuyến, du lịch...

Thông qua việc thực hiện Chương trình, khả năng vận dụng lý luận vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của đội ngũ cán bộ tham gia triển khai đề tài cũng như của tổ chức chủ trì được nâng cao. Vấn đề liên kết giữa nhóm thực hiện đề tài, dự án với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng kết quả nghiên cứu để tiến hành hợp tác, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng đã có nhiều cải thiện.  

Ngoài ra, nhờ áp dụng phương pháp nghiên cứu có sự tham gia của các cán bộ thuộc các địa phương và sự phối hợp giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cán bộ nghiên cứu và cán bộ cơ quan, tổ chức tại địa phương có cơ hội học tập kinh nghiệm nghiên cứu, tổ chức điều tra và tích lũy kiến thức về kỹ thuật nghiên cứu khoa học. Ngược lại, các nhà khoa học có nhiều cơ hội làm việc và trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm với các nhà quản lý. Qua đó, các nhà khoa học có những giải pháp, đề xuất kiến nghị thực tiễn, khả thi hơn, trả lời đúng với câu hỏi của nhà quản lý, giảm tình trạng “lý thuyết”, “kinh viện”. 

- Xin trân trọng cảm ơn GS!

Bài, ảnh: Nhóm PV

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner