Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ sáu, 22/11/2024 , 01:37 am
Cập nhật : 27/10/2021 , 21:10(GMT +7)
Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND – “Bệ đỡ” thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển: Bài 1 - Nghị quyết của tinh thần đổi mới
Mô hình trồng cam Vân Du tại huyện Thạch Thành. Ảnh: Trần Hằng
Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) trở thành một khâu đột phá, cũng có nghĩa đây là lĩnh vực rất quan trọng cần được tác động mạnh để tạo sự chuyển biến sâu sắc và các giá trị mới, vượt trội, thậm chí là những thành tựu có tính nhảy vọt.

Trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Đảng ta luôn xác định, phát triển mạnh mẽ KH&CN, làm cho KH&CN thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức. Từ định hướng chung đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhấn mạnh: “Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” là 1 trong 4 khâu đột phá của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX tiếp tục chỉ rõ: “Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” và xem đây là 1 trong 3 khâu đột phá của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025.

Cùng với sự định hướng, Thanh Hóa cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thậm chí là tạo “bệ đỡ” để thúc đẩy KH&CN phát triển, hay đặt KH&CN vào đúng vị thế của nó trong cơ cấu các ngành/lĩnh vực. Đồng thời, chính sự phát triển của KH&CN đã tạo đòn bẩy thúc đẩy các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, y tế, công nghệ thông tin... phát triển và đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 12,1%; mô hình tăng trưởng kinh tế từng bước chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, gắn với tăng cường ứng dụng KH&CN hiện đại vào sản xuất. Ví như trong nông nghiệp, đã ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng tỷ lệ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao lên 21%; trong công nghiệp, đã từng bước sử dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao, nhất là trong các lĩnh vực lọc hóa dầu, xi măng, điện, thép...; trong dịch vụ đã tập trung phát triển các sản phẩm du lịch, vận tải, thương mại, giáo dục, y tế chất lượng cao...
 
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn thừa nhận, do xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan mà KH&CN chưa được quan tâm đầu tư cho tương xứng với vị thế và vai trò “quốc sách hàng đầu” của nó. Nhiều nhận định cho rằng, KH&CN chưa thực sự trở thành động lực quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất, bởi thực tế, năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế hiện còn thấp. Bên cạnh bất cập chung đó thì với riêng Thanh Hóa, việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KH&CN vẫn còn một số hạn chế về vốn, về năng lực thực hiện và tính ứng dụng của các đề tài, dự án KH&CN... Xuất phát từ thực trạng đó, Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND ngày 17-7-2021 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Nghị quyết số 20/NQ-HĐND), đã ra đời và được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều thành tựu vượt trội. Từ đó, đưa KH&CN thực sự trở thành nền tảng và động lực thúc đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH quê hương.
 
Trước hết, có thể khẳng định rằng, Nghị quyết số 20/NQ-HĐND là chính sách có sự kế thừa và phát huy lên một mức độ cao hơn về chất các chính sách khuyến khích KH&CN phát triển. Ví như Nghị quyết 81/2017/QĐ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. Nghị quyết này tập trung vào 11 nhóm chính sách, trong đó có chính sách hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất một số giống cây trồng, vật nuôi; dược phẩm làm từ dược liệu được trồng trên địa bàn tỉnh; công nghệ - thiết bị sản xuất một số sản phẩm công nghiệp, chẩn đoán và điều trị, bảo quản hải sản... Kế thừa tính hợp lý và kết quả đạt được từ các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 81, Nghị quyết số 20/NQ-HĐND tập trung vào 5 chính sách, bao gồm: hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn; hỗ trợ đầu tư mới hoặc đổi mới công nghệ cao bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ đầu tư mới hoặc đổi mới công nghệ - thiết bị sản xuất cát nhân tạo (cát nghiền).
 
Có thể nói, 5 chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 20/NQ-HĐND là những lĩnh vực nổi trội, có thế mạnh của tỉnh ta gồm y tế, nông nghiệp và công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng. Việc lựa chọn đầu tư vào các lĩnh vực này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi kết quả đạt được có thể trở thành đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Điển hình như nhóm chính sách đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, gồm hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn; hỗ trợ đầu tư mới hoặc đổi mới công nghệ cao bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản. Việc lựa chọn các “mũi nhọn” trong nông nghiệp này là đúng và trúng, bởi, nông nghiệp vừa là lĩnh vực thế mạnh, vừa là mục tiêu quan trọng của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh ta.
 
Xuất phát từ điều đó, đầu tư phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ KH&CN trở thành đòi hỏi khách quan và tất yếu hiện nay. Đặc biệt, như phân tích của nhiều chuyên gia, thì trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang làm thay đổi tư duy phát triển nông nghiệp. Theo đó, các yếu tố đầu vào, đầu ra và quy trình, công nghệ sản xuất nông nghiệp cần được tối ưu hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản trong chuỗi giá trị; gắn nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, du lịch; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản... Do vậy, việc triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn; hỗ trợ đầu tư mới hoặc đổi mới công nghệ cao bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản theo tinh thần Nghị quyết số 20/NQ-HĐND sẽ góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, văn minh.
 
Việc lựa chọn 5 chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 20/NQ-HĐND cũng cho thấy, thay vì đầu tư dàn trải, lựa chọn nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung thì việc đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm và đi vào chiều sâu, cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, hay là nhằm tránh lãng phí nguồn lực do đầu tư không hiệu quả, lượng không đi đôi với chất. Chẳng hạn, thay vì đầu tư đổi mới công nghệ - thiết bị sản xuất cho nhiều sản phẩm công nghiệp như đá ốp lát, cát xây dựng, chế biến thủy sản, thức ăn gia súc, bao bì (Nghị quyết 81/2017/QĐ-HĐND); thì Nghị quyết số 20/NQ-HĐND chỉ tập trung hỗ trợ đầu tư mới hoặc đổi mới công nghệ - thiết bị sản xuất cát nhân tạo. Mức hỗ trợ sẽ là 30% tổng giá trị đầu tư, gồm chi phí mua sắm máy móc, thiết bị; chuyển giao kỹ thuật, công nghệ; đào tạo, tập huấn kỹ thuật. Mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
 
Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND ra đời có ý nghĩa quan trọng, bởi việc lựa chọn một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để tập trung đầu tư nhằm “đi trước, vượt trước” và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND cũng là từng bước đặt KH&CN vào đúng vai trò, vị thế của nó, để KH&CN thực sự trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Và nếu KH&CN có thể đi trước một bước, với việc lấy tri thức và đổi mới sáng tạo làm nền tảng, thì sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH quê hương, đất nước.
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner