Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học và các tiến bộ khoa học công nghệ (KH&CN), Công ty TNHH Công nghệ sinh học phục vụ đời sống - sản xuất - thương mại - du lịch Thanh Mai (Công ty Thanh Mai) đã xây dựng thành công quy trình công nghệ và mô hình sản xuất tảo xoắn với công suất 15- 20 tấn/năm, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân ven biển Nghệ An.
Nguyên liệu quý
Tảo xoắn (Spirulina) được dùng làm nguyên liệu trong việc bào chế thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chống suy dinh dưỡng và được nuôi trồng, chế biến nhiều ở các nước Mỹ, Nhật, Đài Loan, Ấn độ, Cu-ba, Paskistan, Việt Nam…
Đây là một loại vi tảo dạng sợi xoắn màu xanh lục, chỉ có thể quan sát thấy hình xoắn sợi do nhiều tế bào đơn cấu tạo thành dưới kính hiển vi. Chúng sống tự do trong nước kiềm, giàu khoáng chất và có những đặc tính ưu việt, giá trị dinh dưỡng cao.
Hàm lượng protein trong tảo Spirulina thuộc loại cao nhất trong các thực phẩm hiện nay, 56%-70% với trọng lượng khô. Hàm lượng vitamin cũng rất cao. Cứ 1 kg tảo Spirulina chứa 55 mg vitamin B1, 40 mg vitamin B2, 3 mg vitamin B6, 2 mg vitamin B12, 113 mg vitamin PP, 190 mg vitamin E, 4.000 mg caroten trong đó β-Caroten khoảng 1.700 mg, 0,5mg axít folic, inosit khoảng 500-1.000 mg. γ-linoleic 11.980 mg/kg. Hàm lượng cacbon hydrat khoảng 16,5%.
Tảo xoắn có nhiều dạng sản phẩm khác nhau như: Spir@ B (tảo bồi bổ sức khỏe), Spir@ HA (tảo điều hoà huyết áp); Spir@ CĐ (tảo phòng chống độc), Dia-Spir@ (tảo phòng chống tiểu đường). Theo các chuyên gia, hàng năm nhu cầu trong nước khoảng 500 tấn/năm, nhưng thị trường mới đáp ứng được khoảng 150 tấn.
Ở nước ta, tảo xoắn đã được Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nghiên cứu từ năm 1985- 1995. Từ những kết quả nghiên cứu đó, đến nay Việt Nam đã xây dựng thành công một số mô hình nuôi trồng, chế biến theo hướng công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao như doanh nghiệp Vĩnh Hảo (Bình Thuận), Đắc-Min (Đắc Lắc), Suối Nghệ (Đồng Nai),…
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng thăm khu sản xuất tảo xoắn của công ty Thanh Mai. (Ảnh: HN)
Nhận thấy rõ những tác dụng của tảo xoắn, cùng với điều kiện thuận lợi của địa phương (xã Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu) nằm trong khu vực nhiệt đới vùng ven biển, khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt nóng - lạnh, nguồn nước biển sạch không bị ô nhiễm và có nguồn nước ngầm chứa nhiều khoảng chất tốt để nuôi trồng tảo xoắn, Công ty Thanh Mai đã triển khai dự án nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN đầu tư công nghệ nuôi trồng, chế biến tảo xoắn Spirulina trên vùng biển Quỳnh Lưu, Nghệ An. Dự án hướng đến mục tiêu xây dựng thành công mô hình nuôi trồng, chế biến tảo xoắn trên vùng ven biển Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Trên cơ sở đó, mở rộng nhiều mô hình hộ gia đình nuôi trồng tảo xoắn trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu theo hướng vùng nuôi tảo tập trung, nuôi giống và lưu giữ giống.
Bà Trần Thị Thao - Giám đốc công ty cho biết, mục tiêu cụ thể của dự án là sản xuất thử nghiệm và chuyển giao công nghệ nuôi trồng, chế biến tảo xoắn; xây dựng thành công mô hình sản xuất tảo xoắn trên diện tích 3 ha; đào tạo chuyên sâu cho 13 cán bộ kỹ thuật và 20 lao động phổ thông sản xuất tập trung; từng bước chuyển giao công nghệ và nhân rộng mô hình cho các hộ gia đình trong huyện, tỉnh.
Mô hình đầu tiên tại Nghệ An
Cũng theo bà Thao, triển khai dự án này, công ty đã khảo sát nghiên cứu thị trường; phối hợp với các nhà khoa học sản xuất thử nghiệm lựa chọn công nghệ và chuyển giao công nghệ; đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất, thiết bị phòng thí nghiệm phân tích; tổ chức sản xuất thử nghiệm hoàn thiện quy trình công nghệ sịnh học nuôi trồng, chế biến tảo xoắn phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng biển Quỳnh Lưu; tổ chức tiếp nhận chuyển giao công nghệ.
Sau khi xem xét những đặc điểm của các công nghệ, công ty đã chọn công nghệ nuôi trồng trên bể xi măng theo hệ thống hở với chi phí thấp, dễ thực hiện, công suất 15-20 tấn/năm. Thực tế, ở Việt Nam không có cơ sở chuyển giao công nghệ, chủ yếu xuất phát từ kết quả nghiên cứu KH&CN, các nhà khoa học phối hợp với doanh nghiệp tổ chức sản xuất thử nghiệm, xây dựng quy trình công nghệ nuôi trồng, chế biến và chuyển giao cho doanh nghiệp. Công ty cũng đã mời một số chuyên gia hàng đầu trong việc chuyển giao kết quả nghiên cứu tảo xoắn phối hợp tham gia thực hiện dự án.
Khu nuôi trồng tảo xoắn diện tích 3ha. (Ảnh HN.)
Sau hơn một năm triển khai, công ty đã xây dựng được mô hình sản xuất tảo xoắn với công suất 15- 20 tấn/năm gồm các khu chức năng và dây chuyền công nghệ hiện đại; xây dựng được tiêu chuẩn chất lượng của tảo xoắn. Tổ chức sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện quy trình công nghệ sinh học nuôi trồng, chế biến tảo xoắn phù hợp với điều kiện vùng biển Quỳnh Lưu. Sản xuất sản phẩm tảo xoắn dạng viên nang, viên nén, bột khô và dạng nguyên liệu tươi. Đào tạo được 13 cán bộ kỹ thuật tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất tảo xoắn.
Quy trình nuôi tảo xoắn theo phương pháp nuôi cấy hở tuy phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên hơn nhưng lại có ưu điểm là dây chuyền công nghệ đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp ở mô hình bán công nghiệp và vốn đầu tư ít, thiết bị máy móc đơn giản, phổ biến phù hợp với tình hình nước ta hiện nay.
Từ những kết quả nói trên, Công ty đã hoàn chỉnh các thông số kỹ thuật của từng công đoạn sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Quỳnh Lưu; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo quy định của nhà nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất tảo đầu tiên ở vùng bắc Trung Bộ nói chung và Nghệ An nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức về giá trị của KH&CN trong sản xuất, đời sống. Đồng thời giúp công ty nâng cao năng lực nghiên cứu KH&CN và ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Không chỉ vậy, dự án đã giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho hơn 20 lao động, với mức thu nhập trưng bình 3.000.000/tháng; góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi mặn lợ tại tỉnh Nghệ An và tạo ra một sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao; thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân ở vùng ven biển Quỳnh Lưu nói riêng và ven biển Nghệ An nói chung.
Hạnh Nguyên