Ngày 5-12, tại phiên thảo luận hội trường kỳ họp thứ 7 HĐND TPHCM (khóa VIII), các đại biểu (ĐB) tập trung mổ xẻ nhiều vấn đề: 29 chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) UBND TPHCM đề ra thực hiện năm 2013; đề án nâng cao chất lượng hoạt động HĐND TP; thực tế việc ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) tại TPHCM.
Thiếu chỉ tiêu lĩnh vực văn hóa
Nhiều bất hợp lý trong việc xây dựng các chỉ tiêu KT-XH của UBND TPHCM được các ĐB chỉ ra. Một trong số đó là diện tích nhà ở bình quân đầu người. ĐB Tô Thị Bích Châu phân tích: “Năm 2012, TP thực hiện không đạt chỉ tiêu đề ra nhưng năm 2013 không biết dựa trên cơ sở nào tăng chỉ tiêu này lên 16,4 m²/người”.
ĐB Lâm Thiếu Quân nêu ra 3 vấn đề cho thấy sự bất hợp lý về một số chỉ tiêu. Cụ thể, kỳ họp năm ngoái nêu chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp là 4,9% nhưng kết quả hiện nay người lao động thất nghiệp rất nhiều. Năm 2013, dự báo tình hình khó khăn hơn thì chỉ tiêu này lại giảm còn 4,8%. “Vậy TP có thực hiện được không và giải pháp nào?”, ĐB Lâm Thiếu Quân hỏi. ĐB này cho rằng, không thấy UBND TP đề cập đến chỉ tiêu trong lĩnh vực văn hóa: “TP có thể nghèo về kinh tế nhưng không thể đói về văn hóa”. Ông đề nghị HĐND TP nên có nghị quyết về tỷ lệ ngân sách phân bổ đầu tư cho từng lĩnh vực vì thực tế tỷ lệ này chưa hợp lý.
Liên quan đến kế hoạch đầu tư, ĐB Từ Minh Thiện thắc mắc: “Giai đoạn 2013 - 2015, TP đưa ra danh mục 489 dự án đầu tư là dựa vào cơ sở nào? Nó có liên quan gì đến 6 chương trình đột phá và những dự án trọng điểm? TP cần làm rõ danh mục ưu tiên và tỷ lệ vốn dành cho từng lĩnh vực để HĐND có cơ sở giám sát”.
Trước hàng loạt thắc mắc ĐB đặt ra, ĐB Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính, khẳng định TPHCM luôn thực hiện đúng quy định của Chính phủ cũng như Bộ tài chính về tỷ lệ ưu tiên đầu tư cho từng lĩnh vực. Trong đó, một số lĩnh vực như y tế, y tế dự phòng đều chi cao hơn quy định của Bộ Tài chính. Đơn cử, năm 2012 quy định của Bộ Tài chính chi cho đầu tư lĩnh vực y tế là 105.000 đồng/người/năm, trong khi TP chi 319.000 đồng/người/năm (cao gấp 3 lần).
Hoạt động KH-CN - nhiều rào cản
Tại kỳ họp lần này, lĩnh vực KH-CN được nhiều ĐB đặt vấn đề. Nhiều ĐB cho rằng, TP chưa chú trọng đầu tư cho lĩnh vực KH-CN, một lĩnh vực hết sức quan trọng, quyết định sự phát triển lâu dài của TPHCM. “Hoạt động KH-CN TPHCM còn trầm lắng quá, chưa trở thành động lực thúc đẩy phát triển KT-XH”, ĐB Huỳnh Công Hùng nhận định.
Trước vấn đề này, ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, hiện nay nhiều nhà khoa học không muốn nghiên cứu khoa học vì làm khoa học rồi còn phải làm quyết toán kinh tế, quản lý đầu tư cho KH-CN, không khác gì đầu tư xây dựng cơ bản. Đó là chưa kể, kinh phí lập quỹ KH-CN là của DN nhưng khi chi thì DN phải làm thủ tục… xin cơ quan nhà nước.
Ông Phan Minh Tân còn cho biết một thực tế khác: Theo quy định của UBND TP, tất cả DN nhà nước đều phải lập quỹ KH-CN nhưng thực tế đến nay TP mới có 25 DN lập quỹ này với số tiền 336 tỷ đồng và đã chi cho đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ hơn 110 tỷ đồng. Một con số quá khiêm tốn trong khi đòi hỏi đổi mới về KH-CN là hết sức cấp bách.
Ông Phan Minh Tân đánh giá, trong 6 chương trình đột phá của TP, bóng dáng của KH-CN rất mờ nhạt nên kiến nghị UBND TP quyết liệt và có giải pháp mạnh hơn để các DN thành lập quỹ KH-CN. Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm liền đặt vấn đề: “Cần xem lại nhận thức của DN về quỹ KH-CN là kết quả đạt thấp vì TP chưa làm hết trách nhiệm hay vì cơ chế, thủ tục còn là rào cản đối với DN?”.
Nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri
Nhận định chung của các ĐB, hoạt động của HĐND TP, dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng mong đợi của cử tri. Do vậy, đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND TP trình ra lần này nhận được nhiều ý kiến đóng góp.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng, nếu đề án chỉ dừng lại phục vụ việc nâng cao hoạt động HĐND trong điều kiện thí điểm không tổ chức HĐND quận - huyện, phường thì phù hợp. Còn với tính chất làm cơ sở lý luận cho việc sửa Hiến pháp năm 1992 sắp tới thì cần xem xét lại. Bởi lẽ, từ năm 2009 đến nay, việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận - huyện, phường có nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn nên cần phải phản ánh được đầy đủ, có sự tham gia của các chuyên gia; trong đó nói rõ chính quyền địa phương đã làm gì, chưa làm được gì? Bộ máy tinh giản bao nhiêu người? Công việc trước đó của HĐND cấp quận - huyện, phường nay ai làm? Có bao quát được không?
Đồng tình với việc cần nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, ĐB Nguyễn Quý Hòa yêu cầu bổ sung, đưa vào hoạt động tiếp xúc cử tri nội dung hướng dẫn, phổ biến những quy định, nghị định pháp luật mới cho dân. Ở khía cạnh khác, ĐB Lê Mạnh Hà cho rằng, mô hình quản lý không tổ chức HĐND quận - huyện, phường là mô hình không hoàn chỉnh nên cũng sẽ không thực hiện đầy đủ các chức năng của nó. “Mô hình khiếm khuyết là mô hình không nên và dẹp nó đi sẽ tạo lỗ hổng lớn trong bộ máy không cách nào bù đắp được”, ông Lê Mạnh Hà nói.
Hôm nay 6-12, kỳ họp sẽ diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn (được truyền hình trực tiếp). Lãnh đạo Sở Công thương, Công an TP và Sở Nội vụ sẽ trả lời chất vấn. Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Văn Lai sẽ trả lời xung quanh việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, giải quyết hàng tồn kho; công tác quản lý nhà nước trong đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; quản lý kiểm soát chất lượng hàng hóa thực phẩm. Phó Giám đốc Công an TP Phan Anh Minh trả lời chất vấn xung quanh tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội; Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Hoài Trung trả lời xung quanh công tác cải cách hành chính ở TPHCM.
Thông qua 10 nghị quyết
Trong phiên làm việc chiều 5-12, các ĐB HĐND TP đã biểu quyết thông qua 10 nghị quyết (NQ), cụ thể: NQ về quyết toán ngân sách TP năm 2011; NQ về ước thực hiện thu chi ngân sách năm 2012 và phân bổ dự toán ngân sách năm 2013; NQ về bảng giá các loại đất công bố ngày 1-1-2013; NQ về kế hoạch biên chế công chức trong cơ quan tổ chức, hành chính và tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập năm 2013 của TPHCM; kế hoạch đầu tư xây dựng 3 năm (2013 - 2015) và năm 2013 nguồn vốn ngân sách nhà nước của TP; NQ về điều chỉnh mức thu phí qua đò tại bến khách ngang sông An Phú Đông quận 12; NQ về phân cấp quản lý thu và tỷ lệ phân chia các khoản thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp về thuế bảo vệ môi trường; NQ về chương trình giám sát của HĐND TP năm 2013; NQ về điều chỉnh, bổ sung NQ 23/2011 về một số chế độ, định mức chi cho hoạt động của HĐND TP khóa VIII.
NQ cuối cùng là công tác nhân sự: Bầu ủy viên UBND TPHCM. Với 77/79 phiếu (tỷ lệ 81,9%) của ĐB có mặt bầu cử, ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT TP, đã trúng cử chức danh Ủy viên UBND TP nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Truy cứu trách nhiệm hành vi dung túng sai phạm về nhà đất
(SGGP).– Trong khuôn khổ kỳ họp HĐND TP Hà Nội, ngày 5-12, nhiều ĐB đã chất vấn UBND TP Hà Nội về những sai phạm trong quản lý đất đai có dấu hiệu tiếp tay của chính quyền. Đáng lưu ý, một số ĐB chỉ ra tình trạng doanh nghiệp “ôm” đất rồi bỏ hoang không sử dụng trên dưới 10 năm nay, gây lãng phí lớn, bức xúc trong xã hội.
Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội Nguyễn Hoài Nam nhận xét, công tác quản lý đất đai tại nhiều nơi chưa chấp hành đúng quy định, các dự án nhà ở đa số được chỉ định thầu, tùy tiện thay đổi mục đích sử dụng; đất nhà xã hội, hạ tầng xã hội đều biến thành nhà thương mại; việc thu hồi đất của doanh nghiệp rất phức tạp và khó khăn, song khi thu hồi đất của hộ dân thì làm cương quyết, thậm chí vội vàng cưỡng chế.
Ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng không chỉ xử lý các chủ sử dụng đất có sai phạm, UBND TP Hà Nội cần truy cứu trách nhiệm các cơ quan nhà nước đã dung túng chủ đầu tư tự ý thay đổi quy hoạch sử dụng đất...
A.Thư
* Trả lời chất vấn ĐB xung quanh việc TPHCM dành ngân sách quá ít cho hoạt động KH-CN (2%), Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà khẳng định: “Quan điểm của lãnh đạo TP là không hạn chế chi cho KH-CN. Điều TPHCM quan tâm nhất chính là hiệu quả mang lại. UBND TP đã tập trung đầu tư nhiều cho hoạt động này thời gian qua như đặt hàng cho các nhà khoa học, mua sắm sản phẩm KH-CN, tập trung phát triển công nghệ điện tử, vi mạch... Trong chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước của TP thời gian tới, việc sử dụng KH-CN cũng được đưa vào thành nội dung quan trọng”.
|