Để thực hiện đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN, năm 2015, Bộ KH&CN đã tích cực rà soát, đánh giá sự bất cập của cơ chế, chính sách và công tác chỉ đạo, điều hành. Ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) không phải ngoại lệ, cũng đang nhìn nhận lại thực trạng và đề xuất các giải pháp phù hợp với cơ chế tổ chức và quản lý tài chính mang tính đặc trưng của ngành.
Đã thấy không khí cạnh tranh tích cực
Ở những giai đoạn cụ thể, mô hình tổ chức và quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ KHXH cấp quốc gia có sự thay đổi. Trong giai đoạn 2001-2005, các chương trình KHXH đều được giao trực tiếp cho nhà khoa học, không có cơ quan chủ trì mà chỉ có chủ nhiệm đề tài. Kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước cho một đề tài trung bình từ 700 triệu đến 800 triệu đồng. Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương xem xét toàn bộ nội dung nghiên cứu, còn Bộ KH&CN thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tổ chức kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu đề tài.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các đề tài thuộc giai đoạn này phần nào đã huy động, tập hợp được lực lượng tinh hoa của cả giới KHXH&NV và đội ngũ cán bộ đầu ngành trong mỗi lĩnh vực. Đã có sự phối hợp khá rõ và chặt chẽ giữa lượng nghiên cứu và những cán bộ tham gia công tác quản lý nhà nước ở cấp cao. Điểm mới và tích cực của cơ chế tài chính giai đoạn này so với trước đó thể hiện ở chỗ: Chuyển cách tính công lao động khoa học theo trang văn bản sang tính theo sản phẩm là chuyên đề nghiên cứu. Cách tính này tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý trong việc xác định kết quả của nhà khoa học. Chuyên đề nghiên cứu là phương tiện để ước tính tổng kinh phí và các nội dung chi, mục chi cho đề tài trước khi ra quyết định phê duyệt.
Sang giai đoạn 2006-2010 và 2011-2015, kết cấu chương trình khá giống nhau: Có ban chủ nhiệm chương trình và ban chủ nhiệm các đề tài thuộc các chương trình. Kinh phí cấp từ ngân sách cho một đề tài trung bình từ 1.800 triệu đến 2.000 triệu đồng. Bộ KH&CN hình thành văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, chuyên trách hỗ trợ ban chủ nhiệm chương trình. Quy trình quản lý và tổ chức thực hiện ở thời gian này được đổi mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi và mở rộng cơ hội cho các cá nhân có năng lực nghiên cứu chủ động đề xuất và đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ, đề tài. Không khí cạnh tranh thay đổi theo hướng tích cực. Hầu hết các tổ chức khoa học đều có chính sách khuyến khích cá nhân, đặc biệt là cán bộ trẻ, cán bộ đã nghỉ hưu tham gia đóng góp, thực hiện hợp đồng từ những nguồn khác nhau.
Trả thù lao tương xứng chất lượng nghiên cứu
Bên cạnh các điểm tích cực, các mô hình nói trên cũng bộc lộ một số hạn chế. Ở giai đoạn 2005-2010, với phương thức giao nhiệm vụ trực tiếp theo ý kiến chỉ đạo của cơ quản quản lý, cá nhân nhà khoa học không được tạo điều kiện để chủ động trong đề xuất vấn đề cũng như đăng ký để được xem xét làm chủ nhiệm đề tài. Một số chủ nhiệm đề tài không có kinh nghiệm tổ chức quản lý nên chưa nắm rõ các quy định về tài chính, thanh quyết toán kinh phí. Việc giải quyết các thủ tục hành chính của đề tài thường lúng túng, dẫn đến chậm tiến độ.
Còn với các mô hình ở giai đoạn sau, cơ chế quản lý hoạt động KH&CN nói chung cũng như hoạt động KHXH ngày càng có xu hướng hành chính hóa. Chức năng của các cơ quan quản lý chồng chéo dẫn đến thủ tục rườm rà, phức tạp. Trong nhiều trường hợp, người nghiên cứu phải chờ đợi và tiến hành các thủ tục kéo dài đến một năm, thậm chí 2 năm. Như vậy, khi hợp đồng được ký thì vấn đề đã mất đi tính cấp thiết.
Theo ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ KHXH&TN, Bộ KH&CN, cơ chế tài chính trong hoạt động KHXH hiện nay còn nặng về thủ tục, chưa sát với thực tiễn. Nội dung chi, định mức chi quá thấp so với thực tế dẫn đến tình trạng lệch chuẩn trong nghiên cứu KHXH. Để có được dự toán kinh phí 1.800-2.000 triệu đồng, các chủ nhiệm đề tài phải ứng phó bằng việc tăng số chuyên đề từ 60 lên 90, có đề tài lên tới 150 chuyên đề, tăng số địa bàn điều tra, khảo sát… để bảo đảm kinh phí đầu tư. Chất lượng bài viết, chuyên đề nghiên cứu giảm sút nghiêm trọng, nhà khoa học có năng lực nghiên cứu không mặn mà viết bài bởi phải bỏ cả tháng trời nhưng chỉ được nhận thù lao 0,5 triệu đồng cho một bài báo và 12 triệu đồng cho một chuyên đề. Để đáp ứng yêu cầu hợp đồng, các chủ nhiệm đề tài phải biến báo để hợp thức hóa chứng từ bằng việc sao chép nội dung, kết quả nghiên cứu đã công bố ở đâu đó...
Để KHXH đóng góp hiệu quả vào thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước, trong hội nghị gần đây bàn về vấn đề tài chính của ngành KH&CN, ông Lê Quang Thành nhấn mạnh tới những giải pháp trước mắt và lâu dài để thực hiện đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KHXH. Theo đó, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính cần được thực hiện ở tất cả các khâu liên quan đến hội đồng tư vấn khoa học. Về cơ chế tài chính, việc đổi mới theo hướng công lao động được tính vào lương có thể giúp giảm bớt số lượng chứng từ thanh quyết toán. Công lao động này cần phải được gắn với sản phẩm khoa học cụ thể và có thể đo, đếm được, bảo đảm nguyên tắc trả công tương ứng với kết quả nghiên cứu, tương xứng với giá trị đem lại. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý khoa học của các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực KHXH phải trả lời được câu hỏi: Các sản phẩm (giải pháp, mô hình…) dự kiến là gì? Ai sẽ sử dụng nó? Sau khi đề tài, dự án kết thúc, phải có câu trả lời cho các câu hỏi: Nội dung sản phẩm là gì? Phương thức tổ chức, lộ trình ứng dụng sản phẩm như thế nào?