Ngành công nghiệp vi mạch sẵn sàng cạnh tranh với thế giới
Sau khi Việt Nam được thế giới công nhận trong bản đồ các nước có khả năng thiết kế Chip vào năm 2008, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị sản xuất nhiều sản phẩm Chip có giá trị kinh tế rất cao, có khả năng cạnh tranh với thế giới. PV ĐBND có cuộc trao đổi với GIÁM ĐỐC ICDREC KIÊM TỔNG THƯ KÝ HỘI VI MẠCH BÁN DẪN TP HỒ CHÍ MINH NGÔ ĐỨC HOÀNG.
- Thưa Ông, sau khi Việt Nam được thế giới công nhận trong bản đồ các nước có khả năng thiết kế Chip vào năm 2008, đến nay đã có nhiều sản phẩm khác ra đời?
- Sau thành công của Chip SigmaK3 được công bố tháng 1.2008, các năm tiếp theo ICDREC đã lần lượt cho ra đời các thế hệ Chip khác nhau như VN8-01 tháng 9.2009; Chip quản lý năng lượng TH7150 tháng 1.2010; Chip VN16-32 tháng 10.2010, đây cũng là chip 32bit đầu tiên của Việt Nam. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ có 2 sản phẩm Chip ra đời là Chip VN16-32LP và đặc biệt là Chip thương mại đầu tiên của Việt Nam là 150.000 con…
Cần nói rõ, các con chip này có tính ứng dụng rất cao và thị trường cũng rộng mở, ngay thị trường trong nước chứ chưa nói đến các nước khác trong khu vực. Tùy vào loại chip, nhưng ứng dụng rộng rãi và tiềm năng nhất vẫn là ứng dụng trong thẻ nhớ ngân hàng, sim điện thoại di động, bảng hiệu điện tử…và những ứng dụng chuyên biệt trong lĩnh vực hàng hải, cảm biến. Khi ứng dụng chip công nghệ Việt của ICDREC, không chỉ giá thành rẻ hơn so với ngoại nhập, chất lượng tốt hơn mà còn bảo đảm tính bảo mật trong công nghệ lõi.
- Nhân lực để phát triển ngành công nghiệp vi mạch đang là vấn đề được quan tâm khi thực tế nhân lực cho ngành vi mạch đang khan hiếm và thiếu. Xin Ông cho biết thêm về vấn đề này?
- Một dẫn chứng rất rõ ràng: hiện nay có hai công ty có nhu cầu nhân lực thiết kế vi mạch lớn nhất là Renesas và E-silicon với tổng cộng hơn 300 người mỗi năm. Các công ty khác như Applied Micro, Arrived Technology... cũng có nhu cầu nhưng tìm nhân lực, nhất là lành nghề không phải chuyện dễ. Bản thân ICDREC cũng cần nguồn nhân lực cho các dự án của chúng tôi, chính vì thế việc kết hợp với các tập đoàn nước ngoài và địa phương khác đào tạo nhân lực là việc làm cấp thiết hiện nay. Mới đây, chúng tôi kết hợp cùng Sở TT-TT Đà Nẵng đã khai giảng lớp thiết kế vi mạch đầu tiên cho 25 học viên… và chúng tôi cũng đang có kế hoạch kết hợp với các địa phương khác đào tạo nhân lực cho ngành vi mạch. Đây là những hạt giống ban đầu mà chúng tôi “gieo trồng” với điều chắc rằng, các học viên sau khi hoàn thành khóa học đều có việc làm tốt.
Rộng hơn là thực hiện đề án phát triển nguồn nhân lực trong Chương trình vi mạch thành phố. Trong giai đoạn 2012 – 2020, Hội Vi mạch bán dẫn TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung đào tạo nhân lực hai lĩnh vực: thiết kế vi mạch và vận hành nhà máy. Vì chưa có chương trình đào tạo vi mạch chuyên nghiệp, HSIA sẽ tuyển chọn 30 kỹ sư từ 7.000 kỹ sư ngành điện tử đã tốt nghiệp để đào tạo trong thời gian chín tháng, sau đó thực tập tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh và gửi đi đào tạo ở các nhà máy vi mạch nước ngoài.
Trong đào tạo, tôi cũng xin nói thêm, rất cần sự hợp tác của các trường đại học. Hiện trường Đại học khoa học tự nhiên - ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã mở các chương trình đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành Điện tử - Viễn thông theo hướng vi điện tử, điện tử nano. Sinh viên và học viên được đào tạo bài bản theo hướng vi điện tử bao gồm: thiết kế vi mạch và sản xuất vi mạch bởi Chương trình cung cấp kiến thức nâng cao về vật lý linh kiện điện tử, kỹ năng thiết kế vi mạch và công nghệ sản xuất… Còn Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh cũng là một trong những cơ sở giáo dục đầu tiên ký biên bản phối hợp với trung tâm ICDREC nhằm đưa hướng thiết kế vi mạch và ứng dụng vào trong chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Kỹ thuật Điện tử. Không chỉ vậy, đại học Công nghệ thông tin (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) cũng đã đưa những môn học về thiết kế vi mạch… vào chương trình đào tạo đại học và sau đại học ngành kỹ thuật máy tính, kỹ thuật phần mềm.
- Với chương trình đã được khởi động và thực hiện đồng bộ như vậy, liệu Việt Nam có thể cạnh tranh được trong lĩnh vực vi mạch thế giới không, thưa Ông?
- Cạnh tranh với thế giới trong lĩnh vực vi mạch là một khát vọng mà chúng tôi luôn nghĩ đến. Nhưng cần phải xác định công nghiệp vi mạch của chúng ta còn non trẻ, nên để cạnh tranh được cần làm rõ lợi thế của mình, xác định được đầu ra cho sản phẩm, hình thành nhóm các sản phẩm đặc thù có thể thương mại hóa được… từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước và tiến đến xuất khẩu sang các thị trường đang phát triển khác. Trong thời điểm hiện nay, chúng ta đều biết là việc chế tạo chíp để cạnh tranh với các tập đoàn lớn như Intel, Samsung, TSMC… là chuyện không tưởng đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nhưng chúng ta có thể định hướng vào các thị trường chíp thiết kế đơn giản, chế tạo ít phức tạp, ít tốn kém hơn như cảm biến các loại phục vụ cho công nghiệp, nông nghiệp, phát triển đô thị. Mới đây, ICDREC kết hợp cùng Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh chế tạo thành công Chíp cảm biến áp suất bằng công nghệ MEMS với ứng dụng rất đa dạng trong công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng an ninh. Đây là mục tiêu cụ thể của chúng ta.
- Công nghiệp vi mạch không phải là “sân chơi” của riêng ai, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa. Và từ khi TP Hồ Chí Minh triển khai Chương trình vi mạch, hợp tác quốc tế là không thể thiếu. Với sức lan tỏa của Chương trình vi mạch TP Hồ Chí Minh, các đối tác quốc tế có vai trò như thế nào, thưa Ông?
- Đối tác quốc tế là một kênh để chúng ta học tập, chia sẻ và hợp tác khá hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Hiện nhiều tổ chức vi mạch thế giới tìm đến TP Hồ Chí Minh trong vai trò kết nối và tìm kiếm cơ hội đầu tư, chúng tôi đang tận dụng cơ hội này cho ngành công nghiệp vi mạch còn non trẻ. Gần đầy nhất là đoàn thuộc tổ chức bán dẫn Nhật Bản gồm Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn và Điện tử Kyushu (SIIQ), Cục Kinh tế - Thương mại - Công nghiệp Kyushu (KETI), Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Kyushu (KERC) cùng gần 20 doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cũng như ICDREC… Trong lộ trình phát triển nguồn nhân lực cho Chương trình vi mạch thành phố rất cần đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch Analog +1 và Digital +1 và đào tạo trong lĩnh vực chế tạo linh kiện bán dẫn IC Fab… đây là các chương trình đào tạo rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp Nhật. Phải cần liên kết hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài vì hiện nay tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn thiếu công cụ và thiết bị hỗ trợ liên quan. Tiếp sức cho Chương trình vi mạch thành phố nhiều đoàn, hiệp hội vi mạch quốc tế khác cũng đã đến TP Hồ Chí Minh, trong đó phải nói đến hội Công nghệ thiết bị và vật liệu bán dẫn quốc tế SEMI (Mỹ) cũng đã mang lại nhiều cơ hội đầu tư, hợp tác khác…. Giá trị hiện tại của các hợp tác này là các ghi nhớ hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển ngành vi mạch đã được ký kết trong các ghi nhớ và trong tháng 11 này, Hội Vi mạch bán dẫn TP Hồ Chí Minh cũng sẽ ký kết liên kết đào tạo thiết kế vi mạch với những đối tác đến từ Nhật. Như vậy, thời điểm hiện nay, việc liên kết với các đối tác nước ngoài chủ yếu tập trung vào mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, đây là khâu then chốt cần giải quyết trước trong phát triển ngành vi mạch nước ta.