Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 05:20 pm
Cập nhật : 25/05/2011 , 09:05(GMT +7)
Ngành Tài nguyên môi trường: Chưa “tự chủ” được cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm
Thứ trưởng thường trực Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NH
Đến nay, có 7 đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo tinh thần Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn chưa tìm được biện pháp khắc phục như nguồn thu từ dịch vụ thấp, khó thương mại hóa kết quả nghiên cứu, một số cơ chế về tài chính chưa rõ ràng,…

Thông tin trên được đưa ra tại buổi làm việc giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) với Bộ TN&MT mới đây về tình hình triển khai Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập và  Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN
 
Chưa tự chủ hoàn toàn về tài chính

Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT) Nguyễn Đắc Đồng, sau khi có các Nghị định trên, Bộ TN&MT đã chỉ đạo các Viện trực thuộc Bộ xây dựng đề án kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Viện. Nhìn chung, đến nay, các Viện đều thực hiện theo tinh thần của Khoản 3, Điều 4, Nghị định 115: “Tổ chức nghiên cứu khoa học hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách phục vụ quản lý Nhà nước được ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên theo nhiệm vụ được giao, được sắp xếp lại, củng cố và ổn định tổ chức để nâng cao hiệu quả hoạt động”. Về cơ bản các Viện đã thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động: nghiên cứu KH&CN, xây dựng cơ cấu tổ chức, nhân lực KH&CN, hợp tác quốc tế nhưng lại chưa có đơn vị nào tự chủ tài chính hoàn toàn. Nguyên nhân có lẽ bởi hiện nay, sản phẩm của các đơn vị chưa bán ra được thị trường và vẫn phụ thuộc vào số lượng lớn đơn đặt hàng của Nhà nước.

Còn với Nghị định 80, Bộ TN&MT đã tích cực tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định này cho các tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và có nhu cầu thành lập doanh nghiệp KH&CN. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ TN&MT chưa có đơn vị nào của Bộ TN&MT được chuyển đổi cũng như thành lập mới theo hình thức hoạt động của doanh nghiệp KH&CN. Thực tế hiện nay, hoạt động của các Viện thuộc Bộ chủ yếu được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, hoạt động dịch vụ chiếm tỷ lệ không cao, phương thức hoạt động hiện nay của các Viện chưa đủ điều kiện để chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp KH&CN theo quy định tại Nghị định 80.

Loay hoay trong chuyển đổi

PGS.TSKH Hà Minh Hòa – Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc Bản đồ (Bộ TN&MT) cho biết, sau khi có những văn bản nói trên, các đơn vị trong Bộ TN&MT đều muốn chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi đã gặp một số khó khăn. Cụ thể: những kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nói chung và lĩnh vực đo đạc, bản đồ nói riêng rất khó thương mại hóa và nhận được rất ít đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp. Tạp chí Đo đạc và Bản đồ cũng là tạp chí uy tín của Viện, nhưng khi đứng ra tự chủ thì cũng vẫn chưa tự chủ được về tài chính, sản phẩm rất khó tiêu thụ trên thị trường. Đây cũng là một phần lý do khiến đơn vị vẫn phải phụ thuộc vào nguồn tài chính chung của Nhà nước để tồn tại.

Thực tế đã có chuyện một số đơn vị được Viện quyết định cho vay vốn, sẵn sàng giao tài sản, thiết bị, nhân lực để chuyển sang cơ chế tự chủ, tuy nhiên, sau khi lãnh đạo các đơn vị này nghỉ hưu đã làm đơn xin xóa nợ.

Một khó khăn nữa PGS.TSKH Hà Minh Hòa đưa ra là nhân sự của Viện hầu hết đều rất trẻ (chiếm 70% tổng số cán bộ) nên cần thời gian đào tạo, trưởng thành. Những cán bộ có kinh nghiệm đều đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng công việc và khả năng tự tin hòa nhập với thị trường. 

Ông Nguyễn Đắc Đồng – Vụ trưởng Vụ KH&CN cũng đưa ra những khó khăn cụ thể như công tác nghiên cứu khoa học vẫn chỉ tập trung vào một số người có trình độ chuyên môn cao; chưa có biện pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng nhiều đề tài/dự án bị chậm tiến độ, nợ đọng từ những năm trước; hoạt động nghiên cứu khoa học của các Viện chưa tạo được sự đột phá so với tiềm năng và về cơ bản vẫn giữ ở mức tăng trưởng đều về kinh phí dành cho đề tài nghiên cứu (khoảng 10 – 15%/năm); nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu chiếm tỷ lệ không cao trong tổng doanh thu hàng năm của Viện. Nguồn thu từ các hoạt động khác chiếm tỷ trọng khá cao (khoảng 50% trong tổng số doanh thu của các Viện); tốc độ tăng trưởng về hoạt động dịch vụ KH&CN chưa đáp ứng yêu cầu so với tổng số nhân lực của các Viện (mới chỉ đáp ứng 60 – 65% so với nhu cầu);…
 
Cùng với đó, bà Hồ Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tài chính cho biết, có rất nhiều vướng mắc về tài chính chưa giải quyết được khi triển khai Nghị định 115 như sự chưa rõ ràng về cơ chế khoán (khoán chi thường xuyên, khoán đề tài, dự án) khiến các đơn vị lúng túng khi làm việc với Kiểm toán Nhà nước, thủ tục thanh quyết toán cũng gặp khó khăn,…

Thứ trưởng thường trực Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, những vướng mắc mà các đơn vị đưa ra rất thực tế. Có thể, các văn bản hướng dẫn thực hiện còn chưa rõ ràng nên đã dẫn đến những cách hiểu chưa đúng về các văn bản. Thứ trưởng đã nêu rất cụ thể, chi tiết những ưu thế khi các đơn vị KH&CN chuyển sang hoạt động theo 2 Nghị định trên. Cụ thể, khi thực hiện cơ chế tự chủ, ngoài việc các đơn vị vẫn hoạt động theo hình thức như trước đây, sẽ có quyền tự chủ cao hơn về tổ chức, biên chế, tài chính, nhà khoa học được quyền lập doanh nghiệp,… Doanh nghiệp KH&CN sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, Chính phủ như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; được lựa chọn việc sử dụng đất;… Muốn vậy, các đơn vị cần xây dựng đề án được phê duyệt để có cơ chế hoạt động phù hợp. Bộ KH&CN sẵn sàng phối hợp với Bộ TN&MT để có nhiều tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ KH&CN tự chủ về tài chính và hình thành được một số doanh nghiệp KH&CN. 

Bộ TN&MT đã rất tích cực khi triển khai hoạt động theo mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, do Bộ mới thành lập, sự luân chuyển cán bộ cùng với những hiểu nhầm về văn bản, cơ chế,… đã ảnh hưởng đến hoạt động này của Bộ. Những vướng mắc nói trên cũng là vướng mắc chung của rất nhiều Bộ, ngành. Tuy nhiên, tới đây, quá trình xây dựng Thông tư hướng dẫn việc thực hiện Nghị định số 96/2010/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 115 và Nghị định 80) sẽ tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tài chính. Hiện nay, Bộ KH&CN đang tiến hành sửa đổi Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN về hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước và trình Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN. Hy vọng, điều đó sẽ giúp các đơn vị dạn tự chủ, dám chịu trách nhiệm trước Bộ, Nhà nước về hoạt động của mình.

Hạnh Nguyên


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner