Thành tựu của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) Thành phố Hồ Chí Minh có sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói riêng và cả nước nói chung.
Chặng đường phát triển 40 năm của ngành KH&CN thành phố luôn được Đảng bộ và lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo và cùng sát cánh để phát huy những tiềm năng, lợi thế, nắm bắt những cơ hội, đẩy lùi khó khăn, vượt qua thách thức, qua đó đã đạt được những thành tựu và bài học kinh nghiệm quan trọng. Ngành khoa học và công nghệ đã có những đóng góp tích cực góp phần đưa thành phố trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo và đặc biệt là KH&CN.
Những dấu ấn KH&CN quan trọng
Khôi phục lại các hoạt động sản xuất và xây dựng thành công vành đai xanh thành phố
Ngày 15/11/1977, Ban Thường vụ Thành ủy đã ra Nghị quyết đầu tiên về công tác khoa học và kỹ thuật, xác định nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động khoa học và kỹ thuật trong thời gian đầu là xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành một thành phố công nghiệp có cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp hiện đại.
Thực hiện nghị quyết, Ban Khoa học và Kỹ thuật (được thành lập tháng 8/1976), tiền thân của Sở KH&CN TP.HCM ngày nay, đã chủ động triển khai nhiều hoạt động khoa học và kỹ thuật, hỗ trợ nông dân ngoại thành khôi phục sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa, đẩy mạnh công tác chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu lương thực cho nhân dân. Nhiều vùng nông thôn ngoại thành, từ vành đai trắng trong chiến tranh, nay đã trở thành vành đai xanh cung ứng thực phẩm cho cư dân Thành phố. Bên cạnh đó, đã khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ - một công trình khoa học lớn về môi trường sinh thái, có tác động quan trọng đến đời sống của người dân thành phố và khu vực.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thăm gian hàng Cơ sở Thiết Bảo (nay là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thiết Bảo) tại khu vực gian hàng ngoài sân, Techmart Nghệ An 2005 (từ 13- 15/5/2005 tại TP. Vinh tỉnh Nghệ An)
Tổ chức lại lực lượng khoa học kỹ thuật, làm cho khoa học, kỹ thuật gắn chặt với sản xuất và đời sống
Năm 1984, Ban Khoa học và Kỹ thuật đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố đổi tên thành Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhằm đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước của lĩnh vực này trong thời kỳ mới.
Hoạt động khoa học và kỹ thuật luôn bám sát Chiến lược phát triển hoạt động KH&CN cho từng thời kỳ do lãnh đạo Thành phố xây dựng và chỉ đạo triển khai. Những hoạt động KH&CN từ phân tán, tự phát chuyển sang chương trình hóa, tập trung vào các mục tiêu trọng điểm phù hợp với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội.
Đến năm 1986, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã thổi luồng gió Đổi mới tới mọi ngóc ngách cuộc sống trên quy mô cả nước. Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “Tăng cường và kết hợp chặt chẽ hoạt động của các ngành khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội v.v Áp dụng rộng rãi các thành tựu khoa học và kỹ thuật nhằm trước hết phục vụ Ba chương trình mục tiêu”
Hiện thực hóa Ba chương trình mục tiêu được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI nêu ra, những người làm công tác quản lý khoa học và kỹ thuật thành phố đã làm nên những hiệu quả thiết thực.
Một trong những thành tựu nổi bật của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật là việc tập trung nguồn lực KH&CN để phát triển là hình thành và triển khai Chương trình “Nghiên cứu sử dụng dầu thô Việt Nam” với việc ra đời Nhà máy Lọc dầu đầu tiên của Việt Nam tại Cát Lái vào năm 1988, mang tên Saigon Petro sử dụng nguyên liệu là dầu thô khai thác từ mỏ Bạch Hổ.
Ngoài ra, các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục và đào tạo, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế v.v đã góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, thiết lập cơ sở khoa học cho những tư duy kinh tế mới, dịch chuyển cấu trúc kinh tế phù hợp với thời kỳ hội nhập – mở cửa – cạnh tranh.
Tháng 1/1994, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Thành phố được đổi tên thành Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Năm 2003 được đổi tên thành Sở KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh.
Hình thành và triển khai nhiều mô hình ứng dụng hiệu quả KH&CN vào sản xuất, kinh doanh
Từ năm 1997, cả nước bước vào giai đoạn hội nhập trên quy mô toàn cầu, trong đó KH&CN là nền tảng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết Hội nghị lần thứ Hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII ngày 24 tháng 12 năm 1996) nêu rõ: “Cùng với giáo dục và đào tạo, KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế – xã hội, là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Cùng với việc định hướng này, Luật KH&CN được ban hành năm 2000 đã tạo hành lang pháp lý hoàn thiện cho các hoạt động KH&CN.
Trong giai đoạn này, hoạt động KH&CN luôn bám sát Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng bộ Thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố và tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, bước đầu tạo sự gắn kết giữa nghiên cứu – sản xuất – thị trường. Ngay từ đầu những năm 2000, hàng nghìn đề tài, hàng chục chương trình, dự án với tổng kinh phí đầu tư hơn 100 tỷ đồng đã được triển khai thuộc các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như Công nghệ Thông tin, Công nghệ Sinh học, Cơ khí chế tạo – Tự động hóa và Công nghệ Vật liệu… Những con số này đã tăng gấp đôi, gấp ba vào những giai đoạn tiếp theo. Kết quả là, rất nhiều sản phẩm máy móc, thiết bị, công nghệ mang thương hiệu Việt Nam đã ra đời, có giá thành rẻ hơn, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và tăng hiệu quả sử dụng, tăng năng suất lao động, phục vụ tốt cho các ngành trọng điểm của Thành phố.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười (Thứ 2 từ bên trái), Nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hoàng Anh Tuấn (Thứ 3 từ bên trái) đến thăm Trung tâm Kỹ thuật Chất dẻo.
Cũng từ năm 2000 đến nay, hoạt động KH&CN thành phố luôn tiên phong trong việc triển khai các mô hình ứng dụng hiệu quả khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, giành được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Điển hình trong số đó là:
Hình thành và phát triển mô hình liên kết tam giác: “Doanh nghiệp – Nhà nước – Tổ chức nghiên cứu” trong hoạt động KH&CN, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Đây là hoạt động mang tính đột phá, tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác ba bên, trong đó nhà nước đóng vai trò cầu nối, là “bà đỡ” và cùng chia sẻ rủi ro (nếu có) trong mối liên hệ giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu.
Xây dựng và phát triển cơ chế đặt hàng, mua sản phẩm trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Hoạt động đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tập trung vào một số đề tài, dự án nghiên cứu với kinh phí tương đối lớn (từ 2 – 4 tỷ/đề tài) trong các lĩnh vực trọng điểm, từng bước khắc phục tình trạng “đầu tư dàn trải” trước đây.
Hình thành những mô hình KH&CN mới, hiện đại, hiệu quả như Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán… Đây là minh chứng cho những bước đi đột phá, từng bước tiếp cận trình độ khoa học và kỹ thuật của thế giới, làm ra những sản phẩm mang tính toàn cầu và tạo nên những phương thức sản xuất hàng hóa hiện đại, hiệu quả, nâng cao tư duy kinh tế tri thức.
Xây dựng và phát triển thị trường công nghệ: Việc hình thành các Chợ công nghệ và Thiết bị (Techmart) mà Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương khởi xướng đã thực hiện tốt nhiệm vụ kết nối giao dịch mua – bán công nghệ, cung cấp thông tin công nghệ, góp phần hỗ trợ thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm KH&CN và phát triển thị trường công nghệ cả nước. Những mô hình Sàn giao dịch công nghệ thành phố, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, hệ thống doanh nghiệp KH&CN, hoạt động sáng chế, sáng tạo kỹ thuật…đã gắn kết cung – cầu, kết nối giai đoạn nghiên cứu và ứng dụng, gắn với nhu cầu thực tế phục vụ sản xuất.
Cùng với xây dựng và phát triển tiềm lực KH&CN, nguồn nhân lực KH&CN được đào tạo trong và ngoài nước thông qua các chương trình như: Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi; Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân; Chương trình đào tạo 300-500 thạc sỹ, tiến sỹ trẻ của thành phố….Song song đó là các chính sách thu hút nhân tài mà điển hình là chính sách thu hút chuyên gia KH&CN vào làm việc tại 4 đơn vị: Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán, Trung tâm Công nghệ Sinh học.
Nhìn chung, KH&CN thành phố trong những năm qua đã có những bước tiến rõ rệt, từng bước khẳng định vai trò trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ có tính đột phá trên nhiều lĩnh vực như: y tế, cơ khí chế tạo, năng lượng, môi trường, công nghệ thông tin, quản lý đô thị, chip vi điện tử, công nghệ nano, nông nghiệp công nghệ cao v.v… Thành quả đó từng bước đưa Thành phố trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao của khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Hướng tới mục tiêu KH&CN thực sự là quốc sách hàng đầu
Tiếp nối thành quả đó và để “Khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại” như tinh thần của Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốclần thứ XII, ngành KH&CN Thành phố sẽ phấn đấu thực hiện thành công kế hoạch phát triển KH&CN trong 5 năm với các chương trình mục tiêu:
Chương trình nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và xây dựng tiềm lực KH&CN: Hoàn thiện lại cơ chế chính sách của Thành phố nhằm tăng độ ưu tiên đầu tư cho các nghiên cứu phát triển sản phẩm, công nghệ gắn với các sản phẩm chủ lực của Thành phố; định hướng mạnh hình thành sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan nghiên cứu với các nhóm doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện cơ chế đầu thầu nhiệm vụ KH&CN và cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng; hoàn thiện cơ chế đầu tư cho nghiên cứu với hoạt động chuyển giao kết quả theo cơ chế thị trường; sáng tạo các cơ chế hỗ trợ sử dụng hiệu quả quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Xây dựng các chính sách và cơ chế hỗ trợ phát triển và phát huy tiềm lực của các tổ chức KH&CN trên địa bàn; tìm kiếm các mô hình, cơ chế hợp tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu phát triển ...
Các sản phẩm đóng gói do sử dụng Chip SG8V1 do ICDREC cung cấp- một trong những sản phẩm công nghệ cao trong chương trình phát triển ngành công nghiệp vi mạch thành phố
Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế: hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh; chuyên nghiệp hóa các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; thiết lập các định chế tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và hoạt động khởi nghiệp; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, các công ty ươm tạo doanh nghiệp; xây dựng nền tảng văn hóa khởi nghiệp sáng tạo.
Chương trình thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN: hướng đến tổ chức, tạo điều kiện thúc đẩy sự hình thành, liên kết và phát triển các thành phần tham gia vào thị trường KH&CN; tìm kiếm các sáng kiến hình thành các kênh đa dạng kết nối cung cầu, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ; tiếp tục hoàn thiện theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hoạt động của Sàn giao dịch công nghệ để đóng vai trò hỗ trợ đắc lực thúc đẩy sự phát triển thị trường KH&CN.
Chương trình thúc đẩy ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo ở cơ sở: nâng cao nhận thức, năng lực quản lý nhà nước về KH&CN ở cơ sở; thúc đẩy các hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN, phong trào sáng kiến trong các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế; gắn kết các hoạt động ở cơ sở với hoạt động đổi mới sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, nhằm xây dựng nền tảng văn hóa đổi mới sáng tạo, từng bước góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng cuộc sống ...
Chương trình nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH&CN: bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng của đội ngũ công chức KH&CN; tổ chức hệ thống thông tin thống kê, nâng cao trình độ, chất lượng công tác đánh giá, phân tích, dự báo, tham mưu cơ chế chính sách về KH&CN; chuyên nghiệp hóa các hoạt động thực hiện nhiệm vụ theo hướng quản lý dự án với mục tiêu cụ thể, mở rộng cơ chế đấu thầu thực hiện nhiệm vụ để xã hội tham gia; tổ chức lại và nâng cao chất lượng công tác truyền thông KH&CN; triệt để ứng dụng CNTT trong tổ chức cung cấp dịch vụ hành chính công cấp độ 4.
Với những kết quả đạt được, có thể nói, với những kết quả đạt được, KH&CN của thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm; tạo chuyển biến mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế tri thức, đảm bảo cho kinh tế - xã hội của thành phố năng động nhất cả nước triển nhanh và bền vững.
TS. Nguyễn Việt Dũng
(Giám đốc Sở KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh)