Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 27/11/2024 , 03:19 pm
Cập nhật : 20/12/2010 , 15:12(GMT +7)
Ngành Công Thương đưa khoa học thành lực lượng sản xuất trực tiếp
Nghiên cứu, thiết kế chế tạo máy đập đá cứng (Ảnh: N.Uyên)
“Thành tích lớn nhất của ngành công thương trong giai đoạn 2006 - 2010 là khoa học và công nghệ (KH&CN) đã gắn với sản xuất, các nghiên cứu nhanh chóng được đưa vào ứng dụng và thu được những kết quả đáng khích lệ. Khoa học và công nghệ từng bước trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định.

Gắn nghiên cứu với sản xuất

Đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho thấy, hoạt động KH&CN của ngành Công Thương đã gắn với thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của sản xuất trong cơ chế thị trường và xuất khẩu. Nhiều sản phẩm đã đạt trình độ công nghệ cao, tương đương trình độ công nghệ khu vực và trên thế giới.

Bộ trưởng cho biết: Hiện nay, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã quan tâm đến công tác phát triển KH&CN, chú trọng đến các đề tài, dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp cho quá trình sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp đã có những đóng góp tích cực, gia tăng nguồn vốn đầu tư cho KH&CN, hiện đại hóa công nghệ thiết bị. Đặc biệt, nhiều công trình nghiên cứu KH&CN của ngành đã được trao Giải thưởng sáng tạo KH&CN Việt Nam VIFOTEC.

Theo Bộ Công Thương, điểm nhấn của giai đoạn này là sự chuyển đổi cơ chế hoạt động KH&CN sang tự chủ về kinh tế theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Sau một thời gian chuyển đổi, các đơn vị, viện nghiên cứu đã có sự chuyển biến tích cực về kinh tế, đã năng động, tích cực hơn trong việc tiếp cận thị trường, tiếp cận yêu cầu của sản xuất để xác định nhiệm vụ, ký kết hợp đồng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và tổ chức triển khai áp dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Đặc biệt, c ác viện đã chú trọng tổ chức đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng cao đội ngũ cán bộ; sắp xếp, cơ cấu lại cán bộ; sát nhập và thành lập bộ phận mới. Nhờ đó, nâng cao được đời sống cho các nhà khoa học và người lao động. Nhiều kết quả nghiên cứu được thị trường chấp nhận và đánh giá cao.

Có thể khẳng định, những thành tích KH&CN của ngành Công Thương trong thời gian qua đã minh chứng cho vai trò quan trọng của hoạt động KH&CN. Trong một số lĩnh vực có thế mạnh, Việt Nam đã xuất khẩu ra nước ngoài như công nghệ hầm biogas, công nghiệp sản xuất đèn compact, thiết kế, chế tạo máy móc thiết bị, các nghiên cứu vi sinh… Riêng Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam đã được Tổ chức phát triển Hà Lan và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp thực hiện đã xây dựng được hơn 70.000 hầm khí sinh học cho 37 tỉnh thành trong cả nước, đào tạo 354 kỹ thuật viên tỉnh và huyện, 687 đội thợ xây khí sinh học và nhiều buổi hội thảo tuyên truyền và tập huấn sử dụng khí sinh học. Với số lượng hầm biogas được xây dựng như vậy, số tiền nhiên liệu tiết kiệm được trong đun nấu và thắp sáng ước tính trên 600 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, số lượng hầm khí sinh học này cũng giúp giảm khoảng trên 400.000 tấn phát thải CO 2 mỗi năm, đồng thời tạo gần 3000 việc làm về cung cấp dịch vụ và xây dựng công trình khí sinh học cho người dân nông thôn.

Thu hút đầu tư KH&CN từ doanh nghiệp

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2006-2010, kinh phí sự nghiệp khoa học hàng năm giao cho Bộ được tăng khá, từ trên 87 tỉ đồng năm 2006 lên gần 208 tỉ đồng năm 2010.

Ngoài nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN, trong giai đoạn 2006-2010, nhiều Viện nghiên cứu của Bộ đã được Nhà nước đầu tư thực hiện các dự án đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực nghiên cứu với tổng kinh phí cấp từ Ngân sách nhà nước trên 245 tỉ đồng. Thêm vào đó, một số Viện nghiên cứu trực thuộc các Tập đoàn/Tổng Công ty có tiềm lực tài chính mạnh cũng quan tâm đầu tư nâng cao tiềm lực KH&CN.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, cái khó hiện này là nguồn kinh phí thường ít hơn so với yêu cầu của một đề tài vì vậy các đơn vị phải rất cố gắng và tìm nguồn hỗ trợ từ nguồn kinh phí khác. Bên cạnh đó, các đề tài nghiên cứu cũng phải xuất phát từ thực tế để giải quyết những vấn đề mà sản xuất đang vướng mắc, vướng ở đâu thì tập trung nghiên cứu giải quyết ở đó, mảng nào yếu thì phải đẩy mạnh. Ví dụ, cơ khí chế tạo gắn với chương trình trọng điểm quốc gia để chế tạo những sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất công nghiệp. Hay hoá dược phải tập trung vào các đề tài có thể nghiên cứu chế tạo ra các loại thuốc cơ bản như thuốc chống ung thư, vitamin, các loại thuốc về tim mạch, các loại kháng sinh thông thường,…để bào chế trong nước phục vụ sức khoẻ nhân dân.

Để hoạt động KH&CN gắn với thực tiễn sản xuất, Bộ Công Thương cũng đưa ra giải pháp cần có những đề tài đi trước một bước gắn với sản xuất, đặc biệt là có công nghệ cao để tạo giá trị gia tăng lớn, không phụ thuộc vào nguồn nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu, nguồn lao động giá rẻ, sử dụng năng lượng hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Song song với những giải pháp trên, cần nỗ lực thực hiện các biện pháp mà đầu tiên là thắt chặt khâu lên kế hoạch KH&CN hàng năm và 5 năm. Các nhiệm vụ đều được giao sớm ngay từ đầu quý I để các đơn vị có nhiều thời gian thực hiện. Trong thời gian tới, cần giao chọn gói một đề tài để làm sao các viện ra được sản phẩm cụ thể và sản phẩm đó phải được ứng dụng, thu được kết quả trong thực tế sản xuất. Bên cạnh đó, tập trung công tác đào tạo, đào tạo lại để xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ cao ở các Viện.

Việt Nam từng thành công với việc nghiên cứu ra nhà máy xi măng trên 1 triệu tấn/năm, hiện có thể nội địa hoá trên 80%. Hay đề tài nghiên cứu về cơ khí thuỷ công, kết hợp nghiên cứu với sản xuất, đề tài đóng giàn khoan dầu khí dưới 60 m nước, tiến tới đóng ở mức trên 100 m nước. Hoặc các đề tài thiết kế chế tạo tàu thủy, ngoài việc nhận chuyển giao công nghệ nước ngoài, Việt Nam có thể kết hợp bằng nguồn vốn của quỹ KH&CN hỗ trợ các doanh nghiệp vừa nghiên cứu vừa chế tạo luôn để giải quyết trực tiếp những vấn đề nảy sinh. Doanh nghiệp cần gì, vướng gì thì nghiên cứu ở đó, giải quyết cái đó. Như vậy KH&CN mới thực đóng vai trò là lực lượng sản xuất trực tiếp và là động lực phát triển nền kinh tế xã hội./.

Hà Giang (Theo TTXVN)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner