Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Bình luận khoa học Chủ nhật, 24/11/2024 , 07:54 am
Cập nhật : 22/08/2011 , 10:08(GMT +7)
Nền khoa học và công nghệ Hàn Quốc: Vài nét chấm phá
Một góc Bảo tàng Khoa học quốc gia Gwacheon.
"60 năm trước, Hàn Quốc là một nước nghèo, tuy nhiên, hiện nay đã đứng hàng thứ 6 thế giới về giao dịch thương mại và có thu nhập đầu người trung bình khoảng 21.000 USD/năm.Thành công của Hàn Quốc như hôm nay có dấu ấn rõ rệt của hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN)" - TS Lee Jeong Hyop, chuyên viên Bộ Giáo dục và KHCN Hàn Quốc chia sẻ với các nhà báo Việt Nam trong chuyến thăm xứ sở nhân sâm những ngày trung tuần tháng 8-2011 do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển truyền thông KHCN tổ chức.

Nhiều chính sách mở

Ông Lee Young Ho, Trưởng ban Hợp tác quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu KHCN Hàn Quốc (KIST) cho biết, lãnh đạo Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến KHCN. Cụ thể là khi bắt tay xây dựng KIST năm 1967, Tổng thống nước này mỗi tháng đến đây một lần để kiểm tra tiến độ thi công. Nhiều giáo sư Hàn Quốc đang làm việc ở nước ngoài được mời về với chế độ nhà ở, tiền lương cao gấp nhiều lần so với thu nhập chung của xã hội. Từ KIST, nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực đóng tàu, chất bán dẫn, điện tử... đã ra đời và chinh phục thế giới bằng thương hiệu Posco, Hyundai, Samsung, LG... Năm 2011, tổng đầu tư cho KHCN của Hàn Quốc là khoảng 46,5 tỉ USD, trong đó nhà nước đầu tư 13,2 tỉ USD (chiếm 28,3%). Phần kinh phí còn lại thuộc về các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp.

Theo TS Lee Jeong Hyop, một trong những chính sách được chú trọng là khuyến khích thành lập các tổ chức nghiên cứu liên kết với doanh nghiệp. Hiện nay, khoảng 130 viện nghiên cứu của Hàn Quốc được xếp vào loại hình liên kết với doanh nghiệp và những đơn vị này nhận được nhiều ưu đãi đặc biệt từ Chính phủ...

Thay vì hỗ trợ mạnh cho các tập đoàn kinh tế như cách đây khoảng 10 năm, nay Hàn Quốc ưu tiên hàng đầu cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ mới. Có thể thấy rõ chiến lược này qua mô hình các khu công nghệ cao (CNC). Từ năm 1997 tới nay, Hàn Quốc đã đưa vào hoạt động nhiều khu CNC ở Ansan, Songdo, Chungnam, Gwangju, Jeonnam, Daegu, Gyeongbuk, Busan, Pohang, Daejin, Daejeon... Theo đó, các khu CNC ra đời với mục tiêu là động lực cho sự hợp tác phát triển của công nghệ và kinh doanh bằng cách tập trung hóa hoạt động cải tiến công nghệ từng vùng miền tại các doanh nghiệp, trường ĐH và các viện nghiên cứu vào cùng một chỗ, tạo thành các cụm cải tiến công nghệ. Đây sẽ là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng rất chú trọng đến chính sách hỗ trợ tài chính cho đầu tư nghiên cứu, phát triển thông qua việc hỗ trợ trả 80% tiền lương hằng năm cho mỗi chuyên gia, tối đa là 30.000 USD trong hai năm đầu tiên. Nhiều chính sách hoàn thuế, giảm thuế nhập khẩu, miễn một số loại thuế cũng được dành cho các nhà khoa học, doanh nghiệp CNC. Đặc biệt, Hàn Quốc không kiểm soát các kết quả nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ thông qua các hội đồng như của Việt Nam mà căn cứ vào các công bố quốc tế hoặc thương mại hóa sản phẩm. Nhà khoa học cũng được tự mình quản lý kinh phí mà không cần phải giải trình với cơ quan tài chính cho đến khi kết thúc dự án.

Ươm tình yêu khoa học


Ấn tượng nhất đối với các nhà báo theo dõi KHCN Việt Nam khi đến Hàn Quốc chính là việc chính phủ nước này đã gieo được vào lòng người dân nơi đây, đặc biệt là các em nhỏ tình yêu khoa học. Điều này được cụ thể hóa thông qua công trình Bảo tàng Khoa học quốc gia Gwacheon (Bảo tàng) với tổng số vốn lên đến 409 triệu USD, nằm gần thủ đô Seoul và đi vào hoạt động từ tháng 11-2008.

Được thiết kế dựa theo khái niệm "Vươn tới vũ trụ", bảo tàng có diện tích gần 24,4ha với quy mô xây dựng lên đến 50.000m2 trưng bày. Đây là một quần thể bao gồm nhiều khu vực trưng bày kết hợp giải trí như: nhà khoa học, nhà thiên văn, trạm quan sát thiên văn, khu triển lãm ngoài trời, khu học tập về sinh thái, khu trại khoa học, công viên khoa học dành cho trẻ em, quảng trường văn hóa khoa học và nhà hát ngoài trời. Ngoài ra, nét đặc biệt của bảo tàng là hơn 50% các trang thiết bị được ứng dụng các công nghệ tiên tiến như video 3D và thiết bị mô phỏng, đem đến cho du khách những trải nghiệm thực về KHCN của thời đại ngày nay.

Đối tượng tham quan bảo tàng có đến hơn 62% là ở tuổi dưới 19. Tại đây, trẻ có thể tự do chạy nhảy, ngắm nhìn hiện vật, mô hình khoa học được làm y như thật, làm thí nghiệm trên một số mô hình trực quan. Mô hình trưng bày tại bảo tàng là những bài giảng sinh động, giúp học sinh được tham gia sáng tạo chứ không đơn giản là những bài học lý thuyết khô khan, không có kiểm chứng. Năm 2010, số người đến thăm bảo tàng lên đến 1,3 triệu lượt và đây đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều gia đình người Hàn.

Trong quá trình phát triển của Hàn Quốc, KHCN có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, bảo vệ môi trường. Điều quan trọng hơn cả là người Hàn đã biết tận dụng mọi nguồn lực để biến những câu khẩu hiệu, ý tưởng dần trở thành hiện thực...


Bài, ảnh: Thế Dũng, Hà Nội Mới 




Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner