Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiềm lực KH&CN Thứ bảy, 19/04/2025 , 12:27 pm
Cập nhật : 05/09/2015 , 23:09(GMT +7)
Nên có những chính sách cụ thể ưu tiên cho các nhà khoa học trẻ
TS. Trương Trung Kiên
Mặc dù đam mê là điều quan trọng nhất để có các thành tựu nghiên cứu khoa học, việc đảm bảo cuộc sống ổn định và môi trường làm việc tố là yếu tố cần thiết để thu hút, duy trì và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trẻ. Vì vậy, các giải pháp để thu hút, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trẻ cần tập trung vào cải thiện hai yếu tố này.

Đó là chia sẻ của TS. Trương Trung Kiên, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (CNBCVT) khi trao đổi với phóng viên.

Sinh năm 1980, Trương Trung Kiên tốt nghiệp Tiến sỹ chuyên ngành Điện tử Viễn thông tại Trường Đại học Tổng hợp bang Texas thành phố Austin, một trong những trường đại học hàng đầu của Mỹ. Anh có 13 năm kinh nghiệm cả về hàn lâm và cả về công nghiệp trong việc phát triển các thuật toán truyền tin ở lớp Vật lý cho các mạng thông tin di động thế hệ 4 (4G) và thế hệ 5 (5G).

Anh là đồng tác giả của 8 bài báo đăng ở tạp chí nghiên cứu khoa học quốc tế ISI, 9 báo cáo khoa học trình bày ở các hội nghị khoa học quốc tế uy tín và 2 bằng sáng chế do Cơ quan Bằng sáng chế và Bản quyền Thương hiệu Mỹ cấp. Theo thống kê của Google Scholar các công trình nghiên cứu khoa học này đã được trích dẫn hơn 400 lần.

Anh đã vinh dự nhận Giải thưởng bài báo hay nhất năm 2013, 2014 của hai Tạp chí quốc tế ISI, nhận Bằng khen Người phản biện khoa học tiêu biểu năm 2014 của một Tạp chí quốc tế của IEEE. Hiện anh đang Chủ nhiệm 01 đề tài nghiên cứu khoa học do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) tài trợ (2014 – 2016); 01 đề tài của Bộ Thông tin và Truyền thông tài trợ.

TS. Trương Trung Kiên (ngoài cùng bên phải) nhận Giải thưởng bài báo hay nhất trong năm 2014 của một Tạp chí quốc tế ISI

Là người có kinh nghiệm đang trong quá trình xây dựng nhóm nghiên cứu nhỏ, khi được hỏi về những khó khăn hiện nay trong việc thu hút nhân tài anh chia sẻ đó là thu nhập và môi trường làm việc.

Bắt đầu theo con đường nghiên cứu khoa học năm 2002, từ kinh nghiệm của mình anh thấy môi trường nghiên cứu khoa học ở Việt Nam nói chung và ở Học viện CNBCVT nơi anh công tác nói riêng đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực.

TS. Trương Trung Kiên cho biết, hiện nay, Học viện CNBCVT đang bắt đầu khuyến khích và có những cơ chế thu hút các cán bộ nghiên cứu khoa học có năng lực, phẩm chất tốt về làm công tác nghiên cứu, giảng dạy của Học viện. Các cán bộ có trình độ tiến sỹ và học hàm học vị sẽ được ưu tiên tuyển chọn, và tạo điều kiện cống hiến tại Học viện. Học viện CNBCVT giờ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, được Bộ và các doanh nghiệp lớn, đối tác nước ngoài quan tâm, hỗ trợ, đầu tư, nên sẽ có nhiều cơ hội để phát triển mọi mặt. Như vậy, các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu có trình độ và phẩm chất sẽ có môi trường tốt để thể hiện đam mê của mình trong việc nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Đối với anh, thuận lợi nữa là Quỹ Nafosted có chính sách xét duyệt đề tài khá minh bạch và tạo điều kiện cho anh cũng như các nhà khoa học trẻ làm chủ trì và cộng tác viên của các đề tài mà Quỹ tài trợ.

Cùng với đó, cộng đồng những người làm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Điện tử Viễn thông ở Việt Nam ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Từ đó anh có khá nhiều cơ hội để trao đổi kiến thức và tham gia các hoạt động khoa học như dự seminar, tổ chức hội thảo quốc tế,…

Do đặc thù nghiên cứu trong lĩnh vực viễn thông nên từ khi về Việt Nam vào tháng 5/2012, anh vẫn tiếp tục hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học ở nước ngoài qua email hoặc conference calls và công bố các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế.

Bên cạnh những thuận lợi như vậy, anh cũng gặp phải một số khó khăn liên quan đến môi trường nghiên cứu như: trong vệc xây dựng nhóm nghiên cứu riêng có nhiều thách thức cần phải vượt qua như về nhân lực, cơ sở vật chất và tài chính. Tiếp đó là rất khó khăn trong việc truy cập vào các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế uy tín.

“Trước kia, Cục thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia có hỗ trợ các nhà khoa học truy cập vào các cơ sở dữ liệu khoa học lớn, ví dụ IEEE Explore Digital Library cho lĩnh vực Điện tử Viễn thông. Tuy nhiên, từ năm 2014, sự hỗ trợ này không còn nữa khiến các nhà khoa học gặp nhiều khó khăn trong việc cập nhật các kết quả nghiên cứu mới trên thế giới. Hơn nữa, cộng đồng nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên ngành hẹp còn khá ít nên rất khó trong việc trao đổi ý tưởng và hợp tác nghiên cứu chuyên sâu”, anh chia sẻ.

Từ tháng 5/2012 khi mới về Việt Nam sau khi xong chương trình nghiên cứu sinh ở Mỹ tới tháng 7/2015, anh làm việc ở một Viện nghiên cứu thuộc Học viện CNBCVT và được nhận lương cơ bản của Nhà nước với bậc lương 4/9 (ngạch nghiên cứu viên) với hệ số 3,33. Tháng 8/2015, được sự tạo điều kiện của Lãnh đạo Học viện CNBCVT, anh đã chuyển sang ngạch giảng viên để có thu nhập ổn định hơn từ việc đứng lớp giảng dạy. Ngoài ra, anh có chủ trì một đề tài được Quỹ Nafosted  tài trợ . Về cơ bản, đến nay bản thân anh vẫn sống chủ yếu bằng công việc nghiên cứu và giảng dạy.

Đạt được một số thành công bước đầu trong nghiên cứu, điều hi vọng đối với Kiên là cộng đồng những người làm nghiên cứu ở Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Anh hi vọng rằng bản thân và các nhà khoa học khác có thể tiếp tục sống được bằng công việc nghiên cứu và giảng dạy để không phải chuyển hướng nghề nghiệp.

Để thu hút nhà khoa học trẻ, TS. Trương Trung Kiên bày tỏ nên có những chính sách cụ thể ưu tiên cho các nhà khoa học trẻ. Ví dụ, giảm yêu cầu đối với các nhà khoa học trẻ lần đầu đăng ký đề tài. Bên cạnh đó, nên có những quỹ nghiên cứu khoa học hỗ trợ các nhà khoa học trẻ trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng nhóm nghiên cứu.

Từ thực tế nghiên cứu giảng dạy của mình, anh đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các nhà khoa học trẻ cũng như các nhà khoa học không còn trẻ trong việc truy nhập vào các cơ sở dữ liệu khoa học lớn, ví dụ IEEE Explore Digital Library cho lĩnh vực Điện tử Viễn thông, để có thể cập nhật các kết quả nghiên cứu mới nhất trên thế giới.

Đồng thời là việc cải thiện thu nhập để đảm bảo cuộc sống gia đình và môi trường làm việc cho các nhà khoa học trẻ thông qua các chính sách cụ thể. Nên xây dựng mạng lưới chia sẻ các cơ hội việc làm trong các trường đại học và viện nghiên cứu.                                                 

Bảo Chi


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner